Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Sau thời bà Merkel, châu Âu sẽ do ai dẫn dắt?

Khi Thủ tướng Đức Angela Merkel về hưu, các nhà lãnh đạo khác ở châu Âu sẽ có cơ hội đứng ra đảm nhận vai trò lãnh đạo của khối mà bà để lại.

lanh dao chau Au anh 1

Khi chính phủ mới của Đức được thành lập, bà Angela Merkel sẽ rời ghế thủ tướng sau 16 năm, với tư cách là nhân vật "dẫn dắt" chính trường châu Âu.

Trong suốt thời gian nắm quyền lãnh đạo quốc gia được xem là "xương sống" của Liên minh châu Âu (EU), bà Merkel không chỉ đóng vai trò là người đại diện châu Âu trên trường quốc tế. Nữ thủ tướng Đức còn được xem là nhà trung gian hòa giải trong vô số cuộc đàm phán đêm khuya và hàng loạt cuộc khủng hoảng khu vực.

Việc bà Merkel nghỉ hưu sẽ để lại một "khoảng trống" trong EU. Đức vẫn sẽ tiếp tục duy trì ảnh hưởng to lớn của mình trong nội khối. Nhưng các nhà phân tích nhận định những gương mặt kế nhiệm tiềm năng sẽ khó có thể xây dựng được sức ảnh hưởng như bà Merkel.

Và điều này sẽ tạo cơ hội để các lãnh đạo khác của EU khẳng định bản thân cùng tầm nhìn của mình đối với châu Âu, Washington Post đưa tin.

Cơ hội cho tổng thống Pháp?

Nếu Anh vẫn còn là thành viên EU, quyền lực có thể được chuyển giao cho London. Nhưng hậu Brexit, Anh không thể trở thành tiếng nói đại diện cho châu Âu. Vì thế, không ít người hướng về Paris.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đứng đầu nền kinh tế lớn thứ hai của EU, cố gắng thể hiện suốt nhiều năm để cạnh tranh chiếc ghế "dẫn dắt" châu Âu.

lanh dao chau Au anh 2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Brussels năm 2020. Ảnh: New York Times.

Là người đứng đầu cường quốc quân sự mạnh nhất khối, với kho vũ khí hạt nhân duy nhất của EU, ông Macron có những thành tựu ấn tượng nhất định.

"Cuộc bầu cử Đức được coi là cơ hội để Pháp thiết lập lại vị thế. Bất kỳ ai lên nắm quyền ở Đức cũng sẽ có vị thế kém hơn Tổng thống Macron và theo đó, ảnh hưởng của Pháp ở châu Âu sẽ gia tăng", Nicholas Dungan, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết.

Ông Macron đã nhiều lần nhấn mạnh kinh nghiệm chính sách đối ngoại của mình, trái ngược với các ứng viên thủ tướng Đức chỉ dành thời gian tranh cãi về chính trị trong nước.

Tổng thống Pháp cũng dành nhiều năm để vạch ra tầm nhìn chiến lược cho châu Âu.

Năm 2017, ông có một bài phát biểu tại Đại học Sorbonne, cho rằng cần thừa nhận những thiếu sót của EU như "quá yếu, quá chậm và quá kém hiệu quả". Vì vậy, các nước cần hành động để khiến khối mạnh mẽ và đoàn kết hơn.

Tuy nhiên, các đề xuất của ông, bao gồm thống nhất quốc phòng châu Âu, cải cách khu vực đồng euro, phát triển chính sách tị nạn chung và áp thuế mới với các công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ, không nhận được nhiều tán thành.

Bên cạnh đó, có một số giả định cho rằng châu Âu chỉ là bàn đạp để ông Macron thể hiện quyền lực của Pháp, hoặc thậm chí của chính mình. Sự "hờn dỗi" của ông Macron sau khi mất hợp đồng tàu ngầm với Australia càng củng cố thêm ấn tượng đó, Bloomberg đưa tin.

Theo cuộc khảo sát của Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, chỉ 14% chọn ông Macron làm "tổng thống" giả định của châu Âu, so với 41% người ủng hộ bà Merkel trong vai trò đó trước khi bà từ chức.

Người gắn kết châu Âu

Thủ tướng Italy Mario Draghi, người nổi tiếng "giải cứu" đồng euro khi còn là chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, cũng là cái tên sáng giá trong cuộc đua.

Italy từng là một trong những nước EU rơi vào khủng hoảng với nợ nần chồng chất, nền kinh tế trì trệ, kém khả quan.

Nhưng đó là trước khi ông Draghi lãnh đạo. Ông Draghi đã giúp vực dậy và thậm chí đưa Italy trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất ở châu Âu.

Trên trường quốc tế, ông Draghi lâu nay vẫn nỗ lực để đảm nhận vai trò lãnh đạo lớn hơn ở EU.

lanh dao chau Au anh 3

Thủ tướng Italy Mario Draghi cũng là cái tên sáng giá trong cuộc đua giành chiếc ghế dẫn dắt EU. Ảnh: AFP.

Ông đã thể hiện tiếng nói mạnh mẽ trước việc rút quân khỏi Afghanistan và thúc đẩy tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp G20. Ông cũng chỉ trích lập trường không thống nhất của EU trong việc tiếp nhận người tị nạn và điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận về nỗ lực sơ tán.

Vào tháng 3, ông Draghi đã gây chú ý khi ngăn chặn việc xuất khẩu một lô vaccine AstraZeneca từ EU trong bối cảnh khối này thiếu hụt. Ông cũng gây ấn tượng khi đề xuất việc sử dụng gần 235 tỷ USD để thực hiện một cuộc phục hồi EU "mang tính thời đại" sau đại dịch.

Theo Bloomberg, ông Draghi là nhà lãnh đạo châu Âu duy nhất gần tương đương với bà Merkel về tầm vóc. Ông ấy có khả năng giữ EU gắn kết với nhau như cách thủ tướng Đức đã làm, và đưa nó tiến về phía trước.

Nhưng vai trò của thủ tướng Italy có thể bị giới hạn bởi quy mô và tầm ảnh hưởng của đất nước.

"Vấn đề không chỉ là bạn là ai, mà còn là bạn đang lái loại xe gì", giáo sư Giovanni Orsiana thuộc Đại học Luiss Guido Carli cho biết.

Một liên minh mới

Nhiều cái tên đã được xướng lên. Nhưng các nhà phân tích, chính trị gia và nhà ngoại giao lại có xu hướng cho rằng không ai có khả năng "đi vừa chiếc giày" của Thủ tướng Merkel. Thay vào đó, quyền lực có thể chia đều cho một nhóm thủ tướng, và tất cả có thể đều là nam giới.

"Sẽ không thể chỉ có một người đảm nhận vai trò này. Nó phải được thực hiện bởi một nhóm", một nhà ngoại giao cấp cao EU cho biết.

Vào tháng 7, tổng thống Pháp và thủ tướng Italy từng được Politico gọi là "cặp đôi quyền lực mới" của châu Âu.

Hai người đàn ông cách nhau 30 tuổi có những điểm chung nhất định. Cả hai đều là cựu chuyên viên ngân hàng đầu tư, đều thúc đẩy EU hướng tới các mục tiêu tương tự, đặc biệt là về chính sách tài khóa. Hai nhà lãnh đạo đều ủng hộ EU hội nhập tài chính hơn nữa.

"Tôi tin rằng ở giai đoạn mới, vai trò lãnh đạo có thể đảm nhiệm bởi một tập thể", ông Gozi, chính trị gia kỳ cựu người Italy, hiện đại diện cho Pháp tại Nghị viện châu Âu, nói. "Tôi thấy ông Macron và ông Draghi là những nhân vật chính trong đó".

lanh dao chau Au anh 4

Thủ tướng Italy và tổng thống Pháp đi dạo trước bữa tối ở Marseille, Pháp. Ảnh: Reuters.

Lúc đầu, quyền lãnh đạo EU có thể chia đều cho hai nhà lãnh đạo. Nhưng cuối cùng, nó sẽ bao gồm cả thủ tướng mới của Đức, ông Gozi cho biết.

Nhiều nhà quan sát cũng dự đoán ông Macron sẽ hợp tác mạnh mẽ với Đức để thực hiện những kế hoạch tham vọng của mình. Nhưng ông Gozi cho biết đó sẽ là một châu Âu "ít Merkel hơn", với hành động nhanh hơn và ít thận trọng hơn.

Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo khác cũng sẽ tận dụng cơ hội để củng cố vai trò của mình, bao gồm Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.

Sau sự ra đi của bà Merkel, các cuộc họp thượng đỉnh của EU có nguy cơ sẽ trở thành "câu lạc bộ" dành cho những người đàn ông, Daniela Schwarzer, giám đốc khu vực của tổ chức Open Society cho biết.

Hình ảnh đắt giá của nhà lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu

Cùng nhìn lại những hình ảnh ấn tượng của Thủ tướng Đức Angela Merkel, nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử nước Đức, trong 16 năm cầm quyền.

Chuyện gì xảy ra sau bầu cử Đức?

Nước Đức đang bước vào giai đoạn khó đoán định sau khi có kết quả cuộc bầu cử ngày 26/9, khi câu hỏi ai sẽ là người kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel vẫn đang bỏ ngỏ.

Minh An

Bạn có thể quan tâm