Ngày 4/5, Viện Hàn lâm Thụy Điển, định chế lâu đời đang đối mặt với hàng loạt chỉ trích chưa từng có, đã thông báo rằng sẽ không có người thắng giải nào được chọn ra trong năm 2018. Thay vào đó, đến năm 2019, viện sẽ trao giải Nobel Văn học cho 2 tác giả.
"Về nguyên tắc, giải Nobel phải được trao hàng năm, nhưng quyết định trao giải Nobel đã bị hoãn vào nhiều dịp trong lịch sử của nó. Một trong những trường hợp có thể biện minh cho ngoại lệ đó là khi bên trong định chế trao giải có vấn đề nghiêm trọng, từ đó quyết định trao giải có thể bị xem là thiếu uy tín", theo thông cáo của Quỹ Nobel.
Vì lý do đó, Quỹ Nobel cho rằng Viện Hàn lâm Thụy Điển sẽ dồn toàn lực của họ để phục hồi uy tín, với tư cách là định chế sẽ trao giải Nobel Văn học.
Viện Hàn lâm Thụy Điển, đang đối mặt với hàng loạt cáo buộc liên quan đến việc quấy rối tình dục, còn bị chỉ trích là một định chế cũ kỹ và gia trưởng. Ảnh: AFP. |
Đây là lần đầu tiên giải Nobel Văn học bị hoãn trao trong hơn 70 năm qua. Lần cuối cùng giải thưởng bị gián đoạn là vào lúc cao điểm của Thế chiến thứ 2.
Quyết định hoãn trao giải được đưa ra sau cuộc họp ngày 4/5 của hội đồng trao giải thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển.
Rắc rối nổ ra từ việc 18 người phụ nữ cáo buộc nhiếp ảnh gia người Pháp Jean-Claude Arnault đã quấy rối tình dục họ trong giai đoạn từ năm 1996 - 2017. Arnault là chồng của thành viên Viện Hàn lâm, nhà thơ Katarina Frostenson.
Arnault còn bị cáo buộc đã tiết lộ trước tên của 7 người thắng giải Nobel Văn học khác. Viện Hàn lâm bị cáo buộc đã vi phạm luật lệ về tài chính khi tài trợ cho một diễn đàn văn hóa của vợ chồng Frostenson và "ngó lơ" các cáo buộc tấn công tình dục của ông Frostenson, một người có tiếng trong giới nghệ thuật Thụy Điển.
Một cuộc điều tra độc lập đã phát hiện việc Viện Hàn lâm từng nhận được một lá thư từ năm 1996 thông báo việc tấn công tình dục ở diễn đàn văn hóa của ông Arnault. Việc này cho thấy sự kiện gần đây không phải lần đầu tiên một số thành viên của viện nghe được việc này.
Trong thông cáo hồi tháng 4, Viện Hàn lâm Thụy Điển thừa nhận họ đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và lòng tin trong viện đã bị xói mòn. Viện cũng bày tỏ "sự nuối tiếc sâu sắc rằng lá thư đã bị xếp xó và không có biện pháp nào được tiến hành để điều tra các cáo buộc".
Ebba Witt-Brattstroem - giáo sư ngôn ngữ học và là vợ cũ của Horace Engdahl, người giữ chức thư ký thường trực từ năm 1999 đến 2009 - tỏ ra nghi ngờ tuyên bố rằng các thành viên Viện Hàn lâm không hay biết gì về việc làm của ông Arnault.
"Mọi người biết và bạn không được nghĩ gì về việc đó", bà nói với CNN. "Đó là chuyện nổi tiếng trong giới nghệ thuật. Ai cũng biết rằng những phụ nữ trẻ không nên lại gần ông ta".
Khi thư ký thường trực của Viện Hàn lâm, bà Sara Danius từ chức vì các cáo buộc trên, dư luận Thụy Điển đã nổi giận trước việc mà họ xem là "một người phụ nữ phải chịu trách nhiệm cho việc làm sai trái của một người đàn ông".