Bị ép giá, thua lỗ hàng tỷ đồng
Gần một tuần nay, tại cửa khẩu Cốc Nam (huyện Văn Lãng), ước tính có trên 100 xe tải nối nhau, xếp nốt chầu chực chờ xuất khẩu ớt ở bãi thông quan Thăng Long và Thiên Trường. Ông Nguyễn Thanh Dũng (SN 1977), lái xe BKS 51E-02341 cho biết: “Đã 6 ngày mà vẫn chưa bán được ớt, thời tiết ngày nắng nóng làm 5 xe ớt (mỗi xe 21 tấn) của chủ hàng có nguy cơ bị đổ bỏ”.
Theo ông Dũng, vào đầu vụ, phía Trung Quốc đặt mua với giá 15 nhân dân tệ (khoảng 52.000 đồng) một kg, các doanh nghiệp ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa, Bắc Ninh... đua nhau mua gom hàng, mang ớt đến Lạng Sơn, có ngày lên đến hàng chục ngàn tấn. Thấy vậy, đối tác bên kia biên giới tìm cách ép giá xuống hơn một nửa.
Một chủ vựa ớt ở thành phố Lạng Sơn cho biết: Đầu vụ ớt, cơ sở của ông đã bán được trên 160 tấn. Tuy nhiên, một tuần nay, xe hàng đến cửa khẩu Cốc Nam, thương lái bên Trung Quốc lừng khừng mãi mới sang xem hàng, săm soi kỹ càng, chê bai đủ đường, nào là cuống ớt không tươi, quả nhỏ, méo, không mua rồi bỏ về nước. Lạy lục mãi, họ mới trả cho được 7 tệ/kg. Chuyến này, ông lỗ khoảng 2 tỷ đồng.
Doanh nghiệp thua lỗ, bán tháo ớt với giá 5,5 NDT/kg. |
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Dũng ở Tây Ninh phải bán với giá 5,5 tệ/kg. Ông Dũng cho biết, ngoài lỗ tiền tỷ tiền hàng, ông còn phải gánh thêm nhiều chi phí như: Tiền bến bãi một đêm 240.000 đồng mỗi xe, tiền bốc xếp 3,5 triệu đồng một xe, rồi các loại chi khác như xăng dầu, ăn uống, ngủ nghỉ...
Người trồng ớt ăn quả đắng
Gần một tháng qua, người dân xã Xuân Mai, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) như ngồi trên đống lửa. Nhiều ha ớt cao sản xuất khẩu đến kỳ thu hoạch nhưng doanh nghiệp đã cao chạy xa bay, không đến thu mua theo như hợp đồng đã ký kết.
Chỉ vào dãy ớt đang bị nhổ bỏ, bà Hà Thị Khuyên (thôn Khòn Khẻ, xã Xuân Mai), nói: “Nhà tôi trồng gần 4 ha ớt, đúng theo quy trình trồng, đạt tiêu chuẩn theo như doanh nghiệp yêu cầu, với năng suất 1 tấn một sào. Sau 3 tháng lao động cật lực mong đến ngày thu hoạch, thế nhưng họ không đến thu mua, đành phải phá đi, trồng cây ngô thay thế, không thì chết đói”.
Từ cuối năm 2014, UBND xã Xuân Mai thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia dự án “Trồng cây ớt cao sản xuất khẩu” với 12 hộ tham gia. Nhân dân vay vốn ngân hàng, đầu tư công sức, tiền của vun trồng cho cây ớt và cam kết không bán ra ngoài, nếu không sẽ bị phạt.
Theo hợp đồng giữa UBND xã Xuân Mai và Công ty Cổ phần Phú Lâm (Lạng Sơn), doanh nghiệp này bao tiêu sản phẩm với giá 5.000 đồng/kg.
Ông Vi Văn Tuân, Chủ tịch UBND xã Xuân Mai cho biết: “Khi thấy Công ty CP Phú Lâm đến hứa hẹn rồi tổ chức hội nghị, tư vấn cho dân trồng ớt, vẽ ra một tương lai thoát nghèo làm cho chúng tôi tin tưởng, ký kết hợp đồng. Thực sự họ đã cho xã chúng tôi một bài học cay đắng”.
Doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm
Tìm đến ngõ 1, thôn Vỹ Thượng, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn, nhà bà Mã Thị Xím (tên khác là Liên, 67 tuổi), dân tộc Nùng, là giám đốc Công ty CP Phú Lâm. Đây là nhà riêng của bà Xím đồng thời là trụ sở công ty.
Bà Xím thừa nhận việc ký kết hợp đồng với UBND xã Xuân Mai là có thật (hợp đồng số 15/HĐ, ngày 28/10/2014), trong đó ghi rõ, công ty ứng trước giống cho nông dân và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Khi được hỏi lý do tại sao công ty không tổ chức thu mua, bà giám đốc cho rằng, do phía xã không đảm bảo trồng đủ 5ha, không đủ sản lượng xuất bán cho phía Trung Quốc. “Chúng tôi đến kiểm tra thì chỉ thấy vài sào nên không thể mua được”, bà Xím nói.
Khi phóng viên chất vấn, trong Hợp đồng số 15/HĐ không có điều khoản nào ràng buộc số lượng sản phẩm, diện tích gieo trồng, bà Xím cho rằng, đó là sơ suất của phía công ty trong việc soạn thảo hợp đồng. Còn việc thỏa thuận số lượng 5 ha trở lên thì bản thân bà đã thống nhất miệng với lãnh đạo xã (?).
Xuân Mai là một xã nghèo của tỉnh Lạng Sơn, năm 2014 số hộ nghèo còn 64 hộ/ tổng số hơn 400 hộ. Giai đoạn 2011- 2015, Xuân Mai là một trong 5 xã điểm được chọn xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới, thế nhưng việc phá sản dự án trồng ớt xuất khẩu này đã đẩy 12 hộ đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây vào nguy cơ thiếu đói, nợ nần.