Ngày 11/4, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh và đại diện các Vụ, Cục chức năng của Bộ này đã lên tận nơi để kiểm tra tình hình xuất khẩu nông sản tại Lạng Sơn. Mục đích của buổi làm việc là tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải phóng hàng hóa trước tình hình dưa hấu ùn ứ tại cửa khẩu và việc tại Hà Nội và một số địa phương nổi lên phong trào tiêu thụ dưa hỗ trợ nông dân.
Theo ông Vi Văn Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, từ ngày 16/3 đến nay, lượng nông sản, chủ yếu là trái cây như dưa hấu, thanh long, xoài, chôm chôm… của các tỉnh phía Nam đưa xuất qua cửa khẩu Tân Thanh tăng mạnh, đặc biệt là dưa hấu.
Mỗi ngày, khoảng 500-550 xe được đưa ra, trong khi khả năng giải phóng hàng chỉ được 260-340 xe mỗi ngày đã gây hiện tượng ùn ứ cục bộ tại khu vực thông quan của cửa khẩu. Các phương tiện phải xếp hàng đôi từ khu vực ngã ba Pác Luống; các đoạn đường từ Ma Mèo đến Pá Phiêng (trên quốc lộ 4) và tư Dốc Quýt đến Tam Lung (trên quốc lộ 1A).
Dưa phía Việt Nam đang vào vụ trong khi Trung Quốc có chính sách hạn chế nhập khẩu dưa. |
Nguyên nhân của tình trạng này vẫn không có gì mới hơn mọi năm là dưa vào vụ thu hoạch chính, các doanh nghiệp, thương nhân thu mua, vận chuyển lên cửa khẩu với số lượng lớn. Trong khi đó, phía Trung Quốc áp dụng chính sách hạn chế doanh nghiệp hoạt động nhập khẩu dưa hấu, chỉ cho phép khoảng 10 doanh nghiệp nhập khẩu qua của khẩu Pò Chài.
Đồng thời, công tác kiểm tra, kiểm dịch, phân loại và đóng gói được thực hiện nghiêm ngặt (trong khi dưa ở Việt Nam không đóng gói), nên trung bình mất khoảng 4-6 giờ để giải phóng 1 xe. Khu vực bãi kiểm nghiệm, đóng gói phía Trung Quốc cũng rất hạn chế.
Đặc biệt, năm nay, giá dưa hấu không ổn định, có ngày giảm mạnh nên các doanh nghiệp, thương nhân chưa đưa xe hàng vào khu vực kiểm hóa của Trung Quốc mà chờ đàm phán giá, nên tình trạng ùn ứ càng gay gắt. Được biết, tại cửa khẩu, các lực lượng chức năng kéo dài thời gian làm việc từ 7h đến 20h hàng ngày để thông quan tối đa lượng hàng hóa, nhưng lượng xe ùn ứ vẫn ở mức cao, khoảng 500 xe mỗi ngày.
Ông Vi Văn Thành đã kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo UBND các tỉnh có dưa hấu và loại nông sản, trái cây xuất khẩu chủ động quy hoạch, có kế hoạch trồng, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Đồng thời, phối hợp giữa các địa phương trong việc điều tiết lượng hàng hóa đưa lên khu vực cửa khẩu Lạng Sơn, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, gây ùn ứ và thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân.
Về lâu dài, cần đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, đặc biệt là đầu tư xây dựng khu trung chuyển hàng hóa, khu chế xuất để bảo quản và chủ động điều tiết lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu tại khu vực cửa khẩu.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, thời gian tới, dự báo lượng nông sản, nhất là trái cây tươi sẽ tiếp tục vào vụ thu hoạch, nên áp lực lên khu vực cửa khẩu của Lạng Sơn sẽ tiếp tục tăng, do đó, Bộ trưởng đề nghị Lạng Sơn tiếp tục thực hiện tốt hơn việc thông quan, đồng thời phối hợp tốt với các địa phương trong công tác dự báo, khuyến nghị tới các doanh nghiệp, thương nhân để điều tiết lượng hàng hóa cho phù hợp.
Được biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có những giải pháp trước mắt và lâu dài trong việc quy hoạch, trồng, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch và điều phối sản phẩm nông sản xuất khẩu.
Tuy nhiên, trước mắt, với việc bị phía Trung Quốc làm khó và hàng hoá của Việt Nam thường rộ lên trong thời gian ngắn, vẫn chưa có giải pháp nào cho tình trạng ùn ứ hiện nay.