Cả nước hô hào giải cứu nông sản, nông dân vẫn nghèo
Chuyện nông sản được mùa, rớt giá và được giá, rớt mùa là bi kịch muôn thuở, khiến cuộc sống của bà con nông dân quanh năm chìm trong ế, lỗ, nghèo.
Nhờ truyền thông và cộng đồng mạng, những năm gần đây, nhân dân cả nước đã nhiều lần chung tay tiêu thụ nông sản ế cho bà con. Năm 2014 là các "chiến dịch giải cứu" khoai tây, cà chua Đà Lạt. Từ đầu năm tới nay, các đợt kêu gọi mua khoai lang, dưa hấu, hành tím, hành tây ủng hộ bà con miền Trung, miền Tây diễn ra mạnh mẽ.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều hộ nông dân, việc được cộng đồng mạng ủng hộ trong lúc khó khăn là điều tốt nhưng chưa giúp bà con thoát khỏi nỗi ám ảnh "ế dài".
Bà Nguyễn Thị Sâm, chủ hộ trồng khoai tại Ea Kar (Đắk Lắk) cho hay, vụ khoai lang ế vừa rồi, nhờ người quen rao hàng lên mạng và được khách mua ủng hộ đã vớt vát phần nào tiền lỗ. Tuy nhiên, giá bán khoai tại ruộng 3.000-4.000 đồng/kg so với giá bán lẻ khoai cùng loại ở siêu thị là 25.000-27.000 đồng/kg vẫn chênh lệch quá lớn.
Cả nước chung tay giải cứu nông sản ế là việc giúp nông dân thoát khó trước mắt nhưng không thể thoát khổ lâu dài. Ảnh: Ngọc Lan. |
"So với tiền vốn mua giống cây, phân bón và công sức bỏ ra, mức giá thương lái mua gom tại ruộng quá rẻ mạt. Nếu bán hết, nhà tôi còn có lãi chứ mùa nào cũng lỗ thế này thì chỉ có nước bỏ ruộng", bà than thở.
Đại diện một số hộ dân trồng dưa hấu tại huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, không riêng gì nông dân Quảng Nam, ở Cát Tiên những ngày vừa qua, nhiều hộ dân cũng đành bỏ cả ruộng dưa cho bò ăn vì giá rẻ như cho mà vẫn bí đầu ra.
Chị Hà Phương, một chủ buôn online hàng nông sản Đà Lạt tâm sự: "Ở đây năm nào cũng có mùa ế. Khoai, dưa, sắp tới là hành tây ế ẩm. Nông dân trồng nhiều kinh nghiệm nên hoa màu thu hái dồi dào nhưng bí đầu ra. Bị thương lái ép giá, người dân quanh năm làm lụng vẫn nghèo, vẫn khổ".
Trong đợt mua dưa hấu ủng hộ bà con nông dân Quảng Nam đang diễn ra, bên cạnh kêu gọi nhau giúp đồng bào tiêu thụ nhanh hàng nông sản gặp lũ, ứ đọng, nhiều người đặt câu hỏi: "Làm cách nào để tháo gỡ vấn đề tận gốc, giúp nông dân thoát nghèo bền vững thay vì các hoạt động ủng hộ mang tính tự phát, tình thế hiện nay"?
Cố xuất ngoài, trước hết phải thông trong
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, sáng 9/4/2015, tại trụ sở Bộ Công Thương (54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Công đoàn Cơ quan Bộ phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu đã tổ chức chương trình thiện nguyện mua dưa hấu hỗ trợ cho nông dân miền Trung. Sự kiện ghi nhận, 14 tấn dưa bị ùn ứ ở cửa khẩu Lạng Sơn đã được mua và và tập kết ngay tại trụ sở của Bộ để bán giúp bà con nông dân.
Trong bối cảnh cùng nhân dân cả nước tham gia chiến dịch chung tay tiêu thụ nông sản gặp khó cho nông dân, đây được đánh giá là nghĩa cử đẹp của CBNV Bộ Công Thương. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, hành động trên dù đẹp vẫn chỉ là biện pháp tình thế, tạm thời.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, câu chuyện được mùa, mất giá bao năm nay vẫn là điệp khúc lặp lại khiến người nông dân khổ sở. Việc hàng nông sản bán rẻ như cho tại ruộng nhưng qua tay thương lái và nhiều đầu cầu, vào siêu thị giá lại tăng vọt là một bất cập. Hay bi kịch đói nghèo của nông dân ngay cả khi được mùa, do bí đầu ra, đành để hoa màu thối rữa tại ruộng, trở thành thức ăn cho bò, cho lợn cũng là điều đáng lưu ý.
Nguyên nhân của những bất cập ấy, theo ông Ngô Trí Long, xuất phát từ vấn đề tổ chức các kênh phân phối hàng nông sản chưa tốt. Nông sản từ ruộng tới chợ hoặc siêu thị hiện nay phải qua quá nhiều kênh trung gian, người dân vì thế thường bị ép giá ở mức thấp nhất, lợi ích thuộc về nhà buôn, thương lái.
"Từ thực tế đó, cơ quan chức năng nào đứng ra nhận trách nhiệm trước dân? Tại sao chủ trương đưa ra từ lâu nhưng sau nhiều năm, chương trình liên kết 4 'nhà' (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân) vẫn chưa thực sự cho hiệu quả như mong muốn?", ông Long đặt câu hỏi.
Bộ Công Thương mua 14 tấn dưa hấu ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn về bán ở trụ sở tại Hà Nội. Ảnh: BCT. |
Theo chuyên gia kinh tế này, hiệp định thương mại tự do sắp được ký kết, hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ là cơ hội để cánh cửa thị trường mở toang, hàng nông sản Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi để xuất khẩu. Tuy nhiên, trước đó, nếu khâu tổ chức lưu thông hàng trong nước có vấn đề, bài toán thoát nghèo cho nông dân sẽ trở thành căn bệnh nan y khó hóa giải.
"14 tấn dưa thay vì xuất khẩu lại phải quay về thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, nếu sang tới nước bạn, giá dưa vẫn rẻ mạt chỉ 5.000-7.000 đồng/kg. Trong khi đó, nhu cầu thị trường trong nước vẫn lớn. Mức giá cao hơn được người tiêu dùng chấp nhận, tại sao chúng ta không giải quyết khúc mắc trong sân nhà"?
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, nông dân cả nước liên tục gặp các vụ được mùa, ế và mất giá. Miền Bắc đến mùa lại ế vải, miền Trung và Nam ế cà chua, khoai, dưa hấu, hành... là hiện tượng "có vấn đề".
Điều này cho thấy kế hoạch phát triển và tiêu thụ hàng nông sản của quốc gia chưa chuẩn. Theo ông, Chính phủ cần có giải pháp lâu dài, một mặt khuyến cáo và định hướng người dân đầu tư vào loại cây trồng hợp lý. Mặt khác, nhà nước cũng cần lên kế hoạch dự phòng nhằm hỗ trợ nông dân giải quyết nông sản ứ đọng kịp thời như tích trữ, chế biến, mở kênh tiêu thụ...
"Việc Bộ Công Thương mua tới 14 tấn dưa và bán hộ bà con nông dân đồng thời, kêu gọi các đơn vị, tổ chức cùng tham gia là nghĩa cử đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nếu kế hoạch quốc gia chuẩn mực, làm tốt công tác dự phòng, chúng ta sẽ không gặp phải thực trạng đáng lưu tâm như hiện tại", ông Hiếu nói.