Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thương lái Trung Quốc với chiến dịch 'mua tất'

Thời gian gần đây, thương lái Trung Quốc tiếp tục khuấy đảo thị trường nông nghiệp Việt Nam khi hàng loạt các sản phẩm nông sản bị "tấn công" với cùng một chiêu thức.

Thương lái Trung Quốc với chiến dịch 'mua tất'

Thời gian gần đây, thương lái Trung Quốc tiếp tục khuấy đảo thị trường nông nghiệp Việt Nam khi hàng loạt các sản phẩm nông sản bị "tấn công" với cùng một chiêu thức.

Mua... lạ

Thương lái Trung Quốc đang "bao thầu" rất nhiều sản phẩm trong ngành nông nghiệp VIệt Nam, từ các sản phẩm gần gũi và như lúa gạo, khoai sắn, cà phê, tiêu, dừa, thủy sản... đến các sản phẩm chưa biết để làm gì như rễ sim, lá điều khô, rễ tiêu hay thậm chí là đỉa, phân trâu khô.

Nếu bình tĩnh nhìn lại, không khó phát hiện những mánh khóe trong chiêu bài "đụng đâu mua đó” của thương lái Trung Quốc. Thứ nhất, "mua tất cả” là một cách hiệu quả để đánh lạc hướng sự chú ý của người dân về "toan tính" thực sự của họ.

 

Thu mua sản phẩm "lạ” là cách để thương lái Trung Quốc xâm nhập các thị trường thủỷ sản, nông sản...của Việt Nam.

Khi người dân và các cơ quan chức năng còn chưa hết lo lắng về việc thương lái Trung Quốc tấn công "cá tầm" Việt Nam thì mọi sự chú ý lại bắt đầu hướng về việc bán thân cây sắn, rễ cây trưng để "thu về bộn tiền". Việc thu mua đủ thứ, kể cả những thứ không giá trị là chiêu bài "dương đông kích tây", gây bất ổn xã hội và mất tập trung cho người dân và chính quyền nhằm tập trung các mục tiêu dài hạn như nông sản, sản vật, thuỷ sản...

Thứ hai, những "chiến dịch" thu mua các sản phẩm "không được đặt tên" hầu hết đều diễn ra trong thời gian không lâu. Điều này cho thấy việc thu mua những thứ không có giá trị như đỉa, phân trâu, lá điều khô... đều không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện cho thương lái Trung Quốc "hoành hành" ở Việt Nam.

Việc thu mua các sản phẩm lạ, không có giá trị là điều kiện cần để thương lái Trung Quốc tìm hiểu và thâm nhập các sản phẩm có giá trị như thủy sản, nông sản... mang về lợi nhuận cao hơn. Gần đây nhất, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong, cho biết gạo Việt Nam bị thương nhân Trung Quốc ép giá, hủy hợp đồng nhập khẩu rất nhiều khiến tình hình xuất khẩu gạo gặp rất nhiều khó khăn.

Hậu quả là VFA phải chấp nhận bán giá rẻ để tăng lượng hợp đồng xuất khẩu gạo. Rõ ràng, thị trường gạo Việt Nam đã bị thương lái Trung Quốc "bắt thóp".

Thứ ba, việc thu mua những thứ không có giá trị đối với thương lái Trung Quốc lại ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp VIệt Nam. Không khó nhận thấy những sản phẩm "quái" mà thương lái Trung Quốc thu mua đều có ảnh hưởng đến yếu tố cân bằng của hệ thực vật, hệ sinh thái. Điển hình là lá điều khô - yếu tố ảnh hưởng độ ẩm của gốc điều và sự màu mỡ của đất.

Hay rễ "đủ thứ loại cây", trong đó có tiêu - nông sản xuất khẩu có giá trị cao, rễ sim - thực vật quý có giá trị thảo dược, cây sắn - nông sản làm nguyên liệu công nghiệp quan trọng... Việc thu mua những sản phẩm này có thể gây mất năng suất nông sản, "chảy máu" nguồn thảo dược... ở Việt Nam.

Ba khoảng trống "rủi ro"

Việc thu mua của thương lái Trung Quốc có thể gây nhiều khó khăn cho người dân và chính quyền địa phương là do sự lỏng lẻo của luật pháp, giáo dục và chính sách nông nghiệp. Việc để thương lái Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam đủ cho thấy sự yếu kém trong việc quản lý nguồn lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Không ít các vụ thương lái Trung Quốc sang mua hàng, thiết lập các hợp đồng lớn nhỏ rồi "biến mất tăm" xảy ra, nhưng phía cơ quan quản lý dường như chẳng quan tâm. Bên cạnh đó, tính chủ quan từ phía các cơ quan quản lý lẫn người dân cũng là cơ hội để thương lái Trung Quốc len lỏi vào thị trường nông sản Việt Nam. Việc xác định Trung Quốc là một đối tác tiềm năng dựa trên các phán đoán lý thuyết về dân số, thị trường, sự phát triển kinh tế... là hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên, việc am hiểu cách làm ăn của thương lái Trung Quốc cũng như tính chuyên nghiệp, sự chủ động trong thương mại của phía Việt Nam dường như vẫn còn rất ít. Thế nên mới có trường hợp "dở khóc dở cười" là thương lái Trung Quốc đơn phương huỷ hợp đồng, ép giá gạo xuất khẩu.

Đặc biệt, chính sách phát triển kinh tế trong ngành nông nghiệp hiện nay còn nhiều bất cập, tạo lợi thế cho thương lái Trung Quốc nhưng lại là khoảng trống rủi ro cho nông nghiệp Việt Nam. Sự xâm nhập và can thiệp vào giống lúa từ phía thương lái Trung Quốc có thời gian đã khiến người nông dân làm theo yêu cầu của họ.

Điều này xuất phát từ nhu cầu đầu ra cho sản xuất nông nghiệp - bài toán nan giải cho Việt Nam trong bối cảnh suy thoái kinh tế vẫn đang để lại nhiều hệ luỵ. Gần đây nhất, một số nhà chuyên môn lẫn lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam thường xuyên nhắc đến việc chuyển đổi trồng lúa vụ 3 sang trồng hoa màu nhằm hạn chế nguồn cung gạo đang thừa, giá rẻ.

Tuy nhiên, khi bài toán "gạo giá rẻ” vẫn chưa được giải thì hoa màu được sản xuất ra với lượng lớn vẫn không thể trả lời được câu hỏi "ai đảm bảo đầu ra?". Tất nhiên nếu Nhà nước vẫn loay hoay thì thương lái Trung Quốc sẽ có thể tận "gom" ngô, khoai, sắn.

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm