Thương lái lùng sục thu mua thân cây sắn
Những ngày qua tại các huyện Tây Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa (Phú Yên) người dân đổ xô đi chặt bán cây sắn. Điều này khiến nông dân không có sắn giống trồng dặm.
Sau 2 năm vắng bóng, hiện thương lái sùng sục về tận các miền quê để đặt hàng mua cây sắn, tình trạng này diễn ra rầm rộ gần một tháng nay.
Dọc theo tuyến đường trục dọc phía Tây Phú Yên từ xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) đến xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) có đến vài chục điểm thu mua cây sắn. Chị Nguyễn Thị Tình, một nông dân ở xã Xuân Quang 3 cho hay: “Người dân đi chặt, cứ 20 cây bó thành một bó, bán 6.000 đồng. Một ngày, đàn ông mạnh tay chặt sắn bán kiếm 150.000 đến 200.000 đồng”.
Bán có tiền ngay nên có nhiều gia đình cả hai vợ chồng cùng đi chặt sắn. Ban đầu họ chặt cây sắn của gia đình trồng trên vùng gò đồi gần nhà, sau đó họ lên tận các xã Sơn Định, Sơn Long (Sơn Hòa) tìm chặt cây sắn để bán. Cũng vì ham đi chặt cây sắn “liên xã”, mới đây (30/5), ông Trương Tấn Thảo (52 tuổi), ở xã Xuân Quang 3 lên xã Sơn Định chặt cây sắn, trên đường đi, xe công nông của ông đổ dốc bị lật khiến ông Thảo chết tại chỗ.
Nhiều người dân đổ xô đi chặt thân cây sắn về bán. |
Thấy cây sắn có giá, nhiều nông dân ở các xã Sơn Thành Đông, Hòa Phú (Tây Hòa) đổ xô chặt bán. Các ngã ba, ngã tư cây sắn giống được tập kết đủ các kích cỡ chờ xe chở đi tiêu thụ. Bà Nguyễn Thị Xuân, ở xã Sơn Thành Tây cho biết: “Mấy ngày qua ai cũng đổ xô đi chặt về bán nên nhà nào cũng có cây sắn chất đống trước nhà chờ thương lái đem xe tải đến chở”.
Tại vùng trồng sắn ở các xã An Thọ, An Xuân (Tuy An), cây sắn cũng được thương lái săn lùng ráo riết. Ban đầu, thương lái mua cây sắn to khỏe, sau đó khan hiếm dần thì mua cả cây nhỏ, gầy.
Hiện tình trạng thiếu hụt nguồn cây sắn giống cũng diễn ra tại nhiều địa phương. Nhiều diện tích sắn trồng trước đó bị nắng hạn thiếu giống để trồng dặm. Bà Lê Thị Linh, ở xã Xuân Phước (Đồng Xuân) giải bày: “Ở đây có nhiều gia đình trồng sắn cùng thời điểm với tôi, sắn mọc thưa thớt do nắng nóng kéo dài. Mấy ngày qua tôi đi tìm sắn cây để trồng dặm nhưng không có”.
Không biết thương lái mua thân sắn để làm gì?
Cách đây 2 năm, thương lái từng đặt hàng thân sắn với số lượng rất lớn nhưng sau đó không mua vì thế cây sắn “ế” chất đầy vườn nhà ra đến ngoài ngõ người dân ở các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Tây Hòa (Phú Yên). Lần này, với việc thu mua bài bản theo kiểu "tiền trao cháo múc" nên lượng người đi chặt sắn bán đông hơn.
Không ai biết đích xác ai là người mua cuối cùng cây sắn để làm gì? Ông Huỳnh Văn Tuấn, tài xế xe tải ở huyện Đồng Xuân cho hay: Cây sắn mua rồi chở thẳng lên Gia Lai bán lại cho các thương lái đặt hàng. Tại đây họ bán đi đâu thì không rõ. Còn chị Thủy, một thương lái mua cây sắn ở huyện Tây Hòa cho hay: Cây sắn mua xong chở vô các tỉnh phía Nam bán cho lại cho khách hàng đặt sẵn theo thỏa thuận.
Một luồng dư luận khác đang rộ lên là cây sắn đang được thương lái Trung Quốc thu mua. Dù vậy, thì trước sức hút của đồng tiền nên nông dân truy lùng cây sắn để bán kiếm thêm thu nhập.
Trong khi đó, theo chính quyền các xã có người dân chặt cây sắn bán, đây là hiện tượng không bình thường. Nhưng cây sắn là loại phụ phẩm, nếu không có người mua thì cũng chỉ bỏ đi, số ít dùng để làm giống dặm lại, thế nên có người mua là người dân họ bán kiếm thêm thu nhập, chính quyền cũng chỉ biết để nắm tình hình chứ không thể can thiệp.
Theo Người Lao Động