Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Sáu điểm nóng nhiều nguy cơ bùng nổ tại châu Á

Thay đổi trong cán cân quyền lực ở châu Á có thể là mồi lửa cho 6 điểm nóng được xem là thách thức với sự phát triển của châu lục này trong 5 năm tới.

Trái ngược với thế kỷ XX với những cuộc chiến khốc liệt, giai đoạn đầu thế kỷ XXI của châu Á phần lớn sống trong hòa bình và tập trung phát triển kinh tế, với nhiều dự đoán rằng đây sẽ là "thế kỷ của châu Á".

Tuy vậy, sự phát triển của châu lục này cũng đối mặt với nhiều thách thức do cạnh tranh nước lớn. Căng thẳng tại eo biển Đài Loan gần đây cho thấy những cuộc xung đột từng bị "đóng băng" đã nóng trở lại. Những cuộc đối đầu âm ỉ một lần nữa có thể trở thành xung đột giữa các cường quốc.

Giữa những cạnh tranh địa chính trị, giới quan sát đã đưa ra 6 điểm nóng có thể leo thang tại châu Á trong 5 năm tới.

Đài Loan

Bắc Kinh coi chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan hồi đầu tháng 8 đã thách thức trực tiếp tới hiện trạng đất nước được hình thành cách đây 5 thập niên, khi Mỹ công nhận nguyên tắc Một Trung Quốc.

Ngay sau chuyến thăm của bà Pelosi, cả Bắc Kinh và Đài Bắc đều tăng cường tập trận, dấy lên những lo ngại xung đột quanh eo biển Đài Loan tiếp tục leo thang.

Nick Marro, nhà phân tích tại Economist Intelligence Unit, nói rằng việc Trung Quốc lo ngại Mỹ can thiệp nếu xung đột Đài Loan nổ ra “hiện vẫn có sức răn đe, cản trở việc Bắc Kinh hành động liều lĩnh”. Do đó, viễn cảnh quân đội Trung Quốc tấn công hòn đảo trực diện trong 5 năm tới là khó xảy ra.

Thay vào đó, nguy cơ xảy ra xung đột có thể xuất phát từ tính toán sai lầm, chẳng hạn va chạm giữa chiến đấu cơ Trung Quốc và Đài Loan, hay những tên lửa bắn nhầm vị trí, theo ông Marro. "Mối lo ngại lớn là liệu chúng ta có vô tình rơi vào một cuộc chiến không ai mong muốn hay không".

Trung Quốc - Nhật Bản

Vào đầu tháng 8, một trung tâm nghiên cứu ở Nhật Bản đã mô phỏng một cuộc khủng hoảng xung quanh quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Cả Tokyo và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền với quần đảo này.

Trung tâm này đã mô phỏng việc vào tháng 8/2027, 200 tàu cá Trung Quốc sẽ tiếp cận quần đảo, với một số “ngư dân” được vũ trang, ám chỉ những người này thuộc quân đội Trung Quốc. Mô phỏng này nói rằng mọi chuyện vượt tầm kiểm soát khi tàu cá đâm vào tàu cảnh sát biển Nhật Bản, và hàng chục người phía Trung Quốc đổ bộ lên đảo.

diem nong tai chau a anh 1

Tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện gần tàu cá Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Reuters.

Kịch bản này đang từng bước chuyển thành mối đe dọa hiện hữu với Tokyo, khi Trung Quốc từng bước leo thang và hiện diện ở Senkaku/Điếu Ngư.

Năm 2012, Trung Quốc phản đối việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo này, và từ đó Bắc Kinh liên tục cử tàu thuyền tiến vào quần đảo tranh chấp.

Nobukatsu Kanehara, cựu quan chức ngoại giao Nhật Bản, nói rằng Trung Quốc sẽ khó gây chiến với Nhật Bản chỉ vì Senkaku/Điếu Ngư. Tuy vậy, quần đảo này có thể trở thành điểm nóng, nếu xung đột tương tự xảy ra ở đảo Đài Loan.

Trung Quốc - Ấn Độ

Những ngọn núi trên dãy Himalaya đã trở thành điểm nóng của các cuộc đụng độ giữa hai quốc gia tỷ dân.

Trong hai năm, xung đột tập trung tại vùng Ladakh ở thung lũng Galwan. Vào mùa hè 2020, một cuộc đụng độ căng thẳng trên đường quốc lộ ở Ladakh khi binh sĩ hai bên giao tranh tay đôi. Các báo cáo cho biết có 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, trong khi phía Trung Quốc là 4 người. Binh lính hai bên đã không dùng súng để giảm thiểu leo thang.

“Nó có thể tái diễn, và lần tới sẽ tồi tệ hơn”, Srikanth Kondapalli - giáo sư nghiên cứu Trung Quốc kiêm trưởng khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Jawaharlal Nehru, cho biết. Ông nói thêm khả năng xảy ra xung đột lớn giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong 5 năm tới là "hoàn toàn có thể".

Ngược lại, ông Pankaj Jha, cựu Phó giám đốc Ban thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ, có cái nhìn lạc quan hơn. Ông cho rằng xung đột tại Ladakh đã có thể leo thang thành chiến tranh toàn diện, nhưng nó đã không xảy ra. Ông nói rằng hai bên sẽ ưu tiên kiềm chế để tránh một cuộc xung đột lớn trong 5 năm tới.

Hàn Quốc - Triều Tiên

Bốn năm trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã có cái bắt tay lịch sử ngay đường phân định quân sự ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Đây được xem như cuộc gặp mở ra những triển vọng hàn gắn quan hệ hai nước.

Tuy vậy, đại dịch Covid-19 cùng các biện pháp phong tỏa đã khiến quan hệ hai nước chững lại. Đây cũng là thời điểm có nhiều thông tin về hoạt động thúc đẩy chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.

Thái độ của Hàn Quốc hiện nay đã thay đổi. Tổng thống đương nhiệm Yoon Suk Yeol đã ưu tiên lật lại những chính sách mềm mỏng của ông Moon, bắt đầu nối lại tập trận với Mỹ và tăng cường năng lực quân sự để đối phó với Triều Tiên trong trường hợp chiến tranh nổ ra.

diem nong tai chau a anh 2

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trên đường phân định quân sự ở Bàn Môn Điếm năm 2018. Ảnh: Pool.

Nhà lãnh đạo hai nước đã chỉ trích lẫn nhau, và ông Kim Jong Un cho biết Bình Nhưỡng “sẵn sàng ứng phó với bất kỳ mối đe dọa nào”, cũng như “sẵn sàng huy động lực lượng răn đe hạt nhân” nếu cần thiết.

Daniel R. DePetris, thành viên tại Defense Priorities, tổ chức nghiên cứu ở Washington, nói rằng mối quan hệ liên Triều “về cơ bản đã tan rã”.

“Mọi thứ đang nóng lên, song ông Kim và ông Yoon dường như không có động thái gì (để điều chỉnh) điều đó”, ông DePetris nói.

Ấn Độ - Pakistan

Ấn Độ và Pakistan đã có 4 cuộc chiến kể từ năm 1947. Hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng bất chấp sự thù địch, hai bên nhiều khả năng sẽ không có một cuộc chiến mới trong 5 năm tới.

“Hai nước cần thoát khỏi những hố sâu khủng hoảng kinh tế do biến động toàn cầu và chính sự quản lý yếu kém của họ”, Shuja Nawaz, nhà nghiên cứu tại tổ chức Atlantic Council, nói. Ấn Độ đang tụt lại so với đối thủ Trung Quốc, trong khi Pakistan đang dần bắt kịp tốc độ tăng trưởng của New Delhi, theo ông Nawaz.

Ấn Độ cáo buộc Pakistan tài trợ cho các hoạt động khủng bố vào những lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát ở lãnh thổ tranh chấp Kashmir. Islamabad phủ nhận việc này, nói rằng chỉ hỗ trợ ngoại giao và nhân đạo cho các phong trào ly khai trong khu vực.

Tuy vậy, kể từ cuộc không kích của Ấn Độ năm 2019 vào nơi mà New Delhi cho là trại chứa chấp khủng bố ở Balakot, Pakistan, hai bên đã không có thêm cuộc xung đột lớn nào.

diem nong tai chau a anh 3

Binh sĩ Ấn Độ đứng cạnh xác máy bay Không quân Ấn Độ bị bắn rơi ở quận Budgam, Kashmir năm 2019. Ảnh: Reuters.

Afghanistan

Những cuộc giao tranh lớn đã kết thúc kể từ Taliban kiểm soát Afghanistan vào năm 2021, song vẫn còn đó những đụng độ giữa các phe đối lập, cũng như khủng hoảng nhân đạo hiện hữu.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng sau một năm cầm quyền, tình trạng bạo lực ở Taliban đã giảm đáng kể. Liên Hợp Quốc ước tính bạo lực đã giảm 18% so với thời điểm trước đó.

Báo cáo của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) cũng chỉ ra số người buộc phải bỏ nhà cửa đã giảm đáng kể, khi gần đây chỉ có hai trong số 34 tỉnh báo cáo về những trường hợp di tản do xung đột.

Ông Graeme Smith của ICG nói rằng vẫn còn những xung đột cục bộ ở một vùng miền Đông và một ở miền Bắc, nhưng đã khác so với trước đây - “khi toàn bộ đất nước chìm trong lửa”.

Tuy nhiên, đất nước đang phải đối mặt với những vấn đề khác, bao gồm nạn đói ở một vài nơi và tình trạng thiếu thuốc men. Tiềm lực của Taliban không đủ để giải quyết những vấn đề này ở nhiều khu vực, do đó những nước láng giềng như Pakistan, Iran hay Trung Quốc sẽ muốn hỗ trợ, song điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh ủy nhiệm.

Asfyndyar Mir, chuyên gia cấp cao tại Viện Hòa bình Mỹ, nói rằng đất nước có nhiều khả năng can thiệp lúc này là Pakistan, hiện có những thách thức từ lực lượng dân quân địa phương - Tehrik-e Taliban Pakistan (TTP), hoạt động ở biên giới Afghanistan - Taliban.

“Có khả năng Pakistan sẽ tổ chức tấn công vào miền Đông Afghanistan, khiến tình hình leo thang”, ông Mir nói.

Tuy vậy, ông nói thêm một cuộc xung đột với mức độ căng thẳng như trước khi Taliban nắm quyền sẽ khó xảy ra, trừ khi chính quyền hiện tại tan rã.

Trong khi đó, ông Graeme Smith nói cần tránh việc để các nước phương Tây tiếp tục chiến tranh ủy nhiệm tại Afghanistan thông qua tài trợ vũ khí cho các lực lượng đối lập.

Thông điệp ông Tập gửi ông Biden: Không phải lúc cho khủng hoảng

Trước khi chủ tịch Hạ viện Mỹ thăm Đài Loan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thông điệp tới tổng thống Mỹ: Bây giờ không phải là lúc cho một cuộc khủng hoảng toàn diện.

Taliban 2.0 tròn một năm cầm quyền với 'nắm đấm sắt'

Taliban đang kỷ niệm một năm kể từ khi lên nắm quyền trở lại ở Afghanistan vào ngày 15/8. Song năm đầu dưới sự thống trị bằng “nắm đấm sắt", tương lai đất nước ngày càng mờ mịt.

Trần Hoàng

Theo Nikkei

Bạn có thể quan tâm