Các nhà chức trách Afghanistan cho đến nay vẫn chưa công bố bất cứ lễ kỷ niệm chính thức nào để đánh dấu cột mốc này, nhưng truyền hình nhà nước cho biết họ sẽ phát sóng các chương trình đặc biệt, AFP đưa tin.
Các tay súng Taliban đã bày tỏ sự vui mừng, ngay cả khi một số cơ quan viện trợ cho biết một nửa dân số tại đất nước 38 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng nghèo đói cùng cực.
“Thời điểm chúng tôi tiến vào Kabul và người Mỹ rời đi, đó là những khoảnh khắc đáng ăn mừng”, Hekmat, hiện là thành viên của lực lượng đặc biệt bảo vệ dinh tổng thống, cho biết.
Cách đây đúng một năm, các phần tử Hồi giáo cứng rắn đã chiếm được Kabul sau cuộc tấn công chớp nhoáng trên toàn quốc chống lại lực lượng chính phủ cũ, kết thúc chiến dịch can thiệp quân sự kéo dài 20 năm ở Afghanistan của Mỹ.
"Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và giải phóng đất nước của mình", Niamatullah Hekmat, một tay súng tiến vào Kabul hôm 15/8/2021, chỉ vài giờ sau khi cựu Tổng thống Ashraf Ghani bỏ trốn khỏi đất nước, nói.
Nhưng đối với những người Afghanistan bình thường, đặc biệt là phụ nữ, sự trở lại của Taliban chỉ làm cuộc sống họ thêm khó khăn. Rõ ràng, sau một năm dưới sự cai trị của chế độ Taliban 2.0, Afghanistan đang tiến gần hơn đến một tương lai bất ổn.
Arefeh, 40 tuổi, rời trường học dưới lòng đất ở Kabul, Afghanistan, vào ngày 30/7. Ảnh: AP. |
Afghanistan tàn lụi dưới sự cai trị bằng “nắm đấm sắt”
Tròn một năm dưới sự cai trị của Taliban, Afghanistan phải đối mặt với viễn cảnh tồi tệ dưới một chế độ ngày càng khắc nghiệt và các lệnh trừng phạt khiến kinh tế tê liệt.
Thế nhưng, theo Nikkei Asia, thay vì tập trung vào giải quyết vấn đề, Taliban lại tỏ ra bận tâm với việc thiết lập lại “nắm đấm sắt”. Đây là thuật ngữ để chỉ việc thực thi các chính sách một cách áp bức hoặc tàn nhẫn để đạt được quyền lực.
Vào tháng 7, Phái bộ Hỗ trợ của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan (UNAMA) đã đưa ra một báo cáo nêu rõ thương vong của dân thường, các hạn chế về quyền phụ nữ và quyền tự do ngôn luận, giết người ngoài tư pháp và đàn áp các dân tộc thiểu số.
Cơ quan đã theo dõi việc hành quyết và các vụ mất tích của những cựu thành viên lực lượng an ninh Afghanistan - lực lượng đã từng làm việc với các đồng minh phương Tây.
Đối với phụ nữ và trẻ em gái, họ nói rằng các sắc lệnh của Taliban đã dẫn đến "những hạn chế nghiêm trọng đối với quyền con người, dẫn đến việc họ bị loại khỏi hầu hết khía cạnh của cuộc sống hàng ngày".
“Cuộc sống mất đi ý nghĩa"
Trên thực tế, bất chấp những lời hứa trước đó, các biện pháp hạn chế cứng rắn với phụ nữ của Taliban đang ngày một siết chặt. Hàng chục nghìn trẻ em gái đã phải nghỉ học trong khi hầu hết phụ nữ bị cấm quay trở lại làm việc trong chính phủ.
Và vào tháng 5, họ được lệnh phải trùm kín hoàn toàn ở nơi công cộng, lý tưởng nhất là với một chiếc burqa che từ trên xuống dưới.
“Kể từ ngày Taliban đến, cuộc sống mất đi ý nghĩa”, Ogai Amail, một cư dân của Kabul, nói. “Chúng tôi đã bị cướp đi mọi thứ. Họ can thiệp, xâm nhập vào không gian cá nhân của chúng tôi".
Hôm 13/8, các tay súng Taliban thậm chí đã đánh phụ nữ tham gia biểu tình và nã súng vào không trung để giải tán cuộc biểu tình của họ ở Kabul.
Các tay súng Taliban tổ chức lễ thượng cờ ở Kabul vào tháng 3. Ảnh: Reuters. |
Cuộc khủng hoảng nhân đạo cũng khiến nhiều người dân Afghanistan bất lực.
“Mọi người đến cửa hàng phàn nàn về giá cao nhiều đến nỗi những chủ cửa hàng như chúng tôi bắt đầu chán ghét chính bản thân mình”, Noor Mohammad, một chủ cửa hàng đến từ Kandahar, cho biết.
Trong khi đó, một nhân viên khác tại ngân hàng nhà nước ở Kabul chia sẻ: "Không có tiền trong ngân hàng, người dân không thể mua hàng hóa hàng ngày và hàng nghìn người, chủ yếu là thanh niên, xếp hàng hàng giờ để có được thức ăn miễn phí".
Bên cạnh vấn đề kinh tế, Taliban cũng đang đối mặt với những mối đe dọa mới từ các chiến binh do Mặt trận Kháng chiến Quốc gia chống Taliban trỗi dậy, tuyên bố sẽ "giải phóng" đất nước khỏi "sự cai trị hà khắc".
Tuy nhiên, đối với các tay súng Taliban, niềm vui chiến thắng có thể làm lu mờ cuộc khủng hoảng hiện nay.
"Chúng tôi có thể nghèo, chúng tôi có thể gặp khó khăn, nhưng lá cờ trắng của Hồi giáo giờ đây sẽ mãi mãi bay cao ở Afghanistan", một tay súng gác tại công viên công cộng ở Kabul nói.