Bốn ngày trước chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm với Tổng thống Biden và đưa ra thông điệp: Bây giờ không phải là lúc cho một cuộc khủng hoảng toàn diện, theo Wall Street Journal.
Ông Tập - người đề cao nhiệm vụ thống nhất Đài Loan - thất vọng, khi những nỗ lực ngoại giao trong nhiều tháng đã không ngăn được chuyến thăm của bà Pelosi, theo nguồn tin thân cận.
Muốn tránh căng thẳng leo thang
Trong cuộc điện đàm hồi cuối tháng 7, ông Tập đã cảnh báo ông Biden về những hậu quả không xác định nếu bà Pelosi đến Đài Bắc. Tuy nhiên, ông cũng cho biết không có ý định gây chiến với Mỹ, nói rằng cả hai bên cần phải "duy trì hòa bình và an ninh".
Khi được hỏi về cuộc hội đàm, Liu Pengyu, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cho biết: “Chủ tịch Tập đã nêu rõ quan điểm chính của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan” trong cuộc thảo luận với ông Biden.
Các quan chức chính quyền ông Biden cho biết họ đã nói rõ với Bắc Kinh rằng Washington cam kết với chính sách “Một Trung Quốc”, nhưng các nhà lập pháp có quyền đến thăm đảo Đài Loan. Chính sách này từ lâu đã giúp củng cố mối quan hệ giữa hai nước.
Cuộc gặp trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung vào năm 2021. Ảnh: New York Times. |
Sau khi bà Pelosi rời Đài Loan, Trung Quốc đã phản ứng bằng nhiều ngày tập trận quy mô lớn, ngừng hợp tác với Washington trong lĩnh vực khí hậu và một số vấn đề khác, đồng thời đóng băng các cuộc đàm phán quân sự giữa họ.
Nhiều nguồn thạo tin cho biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách đưa ra phản ứng mạnh mẽ, nhưng không kích động phản ứng leo thang từ Washington và các đồng minh.
Bên cạnh đó, theo Wall Street Journal, ông Tập cũng mong muốn sự ổn định trước đại hội đảng vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, các hành động của Trung Quốc đã khiến quan hệ với Mỹ trở nên căng thẳng hơn, đồng thời làm gia tăng lo ngại về an ninh giữa các đồng minh của họ.
Các quốc gia khác trên khắp châu Á và châu Âu lo ngại cách tiếp cận của Bắc Kinh có thể báo trước sự khởi đầu của một giai đoạn mới, bao gồm việc gây áp lực trực tiếp hơn đối với Đài Loan.
Theo nguồn thạo tin, trước chuyến thăm của bà Pelosi, ông Tập đã quyết định thảo luận với ông Biden để giảm thiểu rủi ro xung đột với Mỹ.
Các quan chức Trung Quốc đã cảnh báo Washington về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi kể từ tháng 4, khi các bản tin lần đầu tiên tiết lộ kế hoạch công du của chủ tịch Hạ viện. Tuy nhiên, bà Pelosi đã phải hoãn chuyến thăm sau khi dương tính với nCoV.
Bắc Kinh lo ngại rằng chuyến thăm của bà Pelosi có thể gây ra "hiệu ứng domino" khi các chính trị gia thế giới khác đến Đài Bắc, nâng cao vị thế quốc tế của hòn đảo, theo những người am hiểu về Trung Quốc.
Ưu tiên hàng đầu
Bắc Kinh từ lâu đã tuyên bố muốn thống nhất Đài Loan, và trọng tâm của họ hiện tại vẫn là ngăn chặn hòn đảo có các bước đi xa hơn.
Trong một bài báo được Nhân dân Nhật báo xuất bản vào tháng trước, Lưu Kết Nhất - Chủ nhiệm Văn phòng Sự vụ Đài Loan - đã phác thảo một khuôn khổ để giải quyết vấn đề Đài Loan. Bài báo vẫn đề cập đến việc thống nhất dựa trên hòa bình là nguyên tắc cơ bản, nhưng không từ bỏ việc sử dụng vũ lực.
Trong vài tuần qua, rõ rằng Bắc Kinh khó ngăn cản chuyến đi của bà Pelosi. “Trung Quốc đã làm mọi thứ có thể về mặt ngoại giao”, ông Liu, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc, cho biết.
Bên cạnh đó, Đài Loan cũng là chủ đề thảo luận chính trong cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Biden.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 3/8. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Mỹ giải thích sự phân chia quyền lực giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ông cũng nhắc nhở ông Tập về chuyến thăm Đài Loan của cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich cách đây 25 năm.
Cuối cùng, cả hai nhà lãnh đạo đã đồng ý duy trì liên lạc và lên kế hoạch cho cuộc gặp mặt trực tiếp vào một ngày không xác định, nguồn thạo tin cho biết. Theo Wall Street Journal, cuộc gặp thượng đỉnh như vậy có khả năng diễn ra tháng 11.
Trong khi cố gắng không để căng thẳng với Mỹ leo thang đáng kể, ông Tập cũng phải thể hiện sức mạnh trong nước. Chẳng hạn, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã phát trực tiếp vụ phóng tên lửa vào vùng biển xung quanh Đài Loan.
Một số nhà phân tích chính sách đối ngoại cho rằng ông Tập sẽ mạnh dạn hơn khi đối đầu với Mỹ, cũng như gây sức ép với Đài Loan và các đặc khu khác trong nhiệm kỳ tới.
Yun Sun, Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn của Washington, cho biết: “Ưu tiên hàng đầu của ông Tập lúc này là sự ổn định. Bắc Kinh cho đến nay đã thể hiện sự kiềm chế rất nhiều, nhưng đó là một chiến thuật ngắn hạn nhằm ngăn quan hệ với Mỹ vượt khỏi tầm kiểm soát”.