Tại họp báo hàng tuần, bà Carrie Lam cho biết các cuộc bầu cử địa phương cho thấy “những thiếu sót trong chính quyền và sự bất mãn về việc chính quyền mất quá lâu để kiểm soát tình hình bất ổn hiện nay và chấm dứt nạn bạo lực”.
Bà đưa ra tuyên bố này chỉ một ngày sau khi có kết quả của bầu cử ngày 24/11, trong đó các ứng viên ủng hộ phong trào biểu tình giành gần 90% trong tổng số 452 ghế ủy viên hội đồng quận, vị trí dân cử cấp thấp nhất tại Hong Kong.
Ứng viên các đảng ủng hộ dân chủ giành chiến thắng áp đảo tại mọi khu vực, từ các khu người nghèo đến giàu có, từ những khu vực xảy ra biểu tình mạnh mẽ đến những khu vực ít chịu ảnh hưởng, cả quận trung tâm Hong Kong đến vùng ngoại ô, theo South China Morning Post.
Người dân Hong Kong đi bầu cử hội đồng quận tại một điểm bỏ phiếu hôm 24/11. Ảnh: Reuters. |
Dù các hội đồng quận chỉ giải quyết vấn đề cấp địa phương và không có tiếng nói trực tiếp đến chương trình nghị sự của đặc khu trưởng, chiến thắng áp đảo trên của các đảng ủng hộ dân chủ vẫn được coi là chỉ dấu cho sự bất mãn của cử tri Hong Kong đối với bà Lam và cách chính quyền đối phó với phong trào biểu tình.
Cuộc bầu cử thu hút số cử tri kỷ lục, với gần 2,94 triệu người đi bầu, đạt tỷ lệ 71,2%, tăng hơn nhiều so với tỷ lệ 47% của 2015.
Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi Hong Kong chìm trong làn sóng biểu tình, và là đòn giáng mạnh đối với đại lục và bà Lam. Trước đó, bà Lam đã bác bỏ những lời kêu gọi cải cách chính trị và luôn nói rằng “số đông yên lặng” vẫn đang ủng hộ chính quyền của bà.
Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam ngày 26/11 phát biểu trước báo chí sau các cuộc bầu cử cấp quận. Ảnh: Reuters. |
Đặc khu trưởng Hong Kong cam kết chính quyền của bà sẽ “nghiêm túc suy ngẫm” về nguyện vọng của cử tri qua cuộc bầu cử hội đồng lập pháp cấp quận.
Phong trào biểu tình ở Hong Kong ban đầu ôn hòa, để phản đối dự luật dẫn độ (đã bị rút lại), nhưng sau đã chuyển sang bạo lực.
Đến nay, yêu cầu của phong trào biểu tình bao gồm việc bầu lãnh đạo đặc khu theo hình thức phổ thông đầu phiếu, và điều tra các cáo buộc về sự tàn bạo của cảnh sát. Kết quả bầu cử ngày 24/11 vừa qua có thể tạo thêm áp lực cho bà Lam trong việc đáp ứng những yêu cầu này.
Tuy vậy, ngoài việc thừa nhận người dân đang bất mãn, bà Lam không đưa ra thêm thượng bộ gì đối với các yêu cầu trên, thay vào đó nhắc lại cam kết sẽ đối thoại mở với mọi bên, theo AFP.
“Những gì chúng ta cần làm bây giờ là đối thoại mở với công chúng và mời các lãnh đạo cộng đồng tới giúp chúng tôi phân tích căn nguyên của các bất ổn và vấn đề xã hội tại Hong Kong, và tìm ra giải pháp”, bà Lam nói thêm.
Bà Lam cũng cảm ơn người dân Hong Kong vì đã bầu cử có trật tự ngày 24/11 bất chấp nhiều tuần bạo lực, và bà hy vọng sự ôn hòa cuối tuần qua thể hiện nguyện vọng của người dân chống lại bạo lực.