Chủ tịch ECB Christine Lagarde. Ảnh: Bloomberg. |
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất cơ bản xuống còn 3,75%, từ mức kỷ lục 4%. Đây là lần giảm lãi suất đầu tiên của ECB kể từ năm 2019.
"Dựa trên đánh giá cập nhật về triển vọng lạm phát, các yếu tố tác động đến lạm phát cốt lõi và sức mạnh của việc chuyển dịch chính sách tiền tệ, chúng tôi nhận thấy đây là lúc thích hợp để giảm thắt chặt sau 9 tháng giữ nguyên lãi suất", Hội đồng thống đốc ECB cho biết trong một tuyên bố.
Động thái giảm lãi suất diễn ra bất chấp sức ép lạm phát vẫn tồn tại ở khu vực đồng euro. ECB đã nâng dự báo lạm phát năm nay lên 2,5%, từ mức 2,3% trước đó. Số liệu năm sau cũng được đánh giá tăng 2,2%.
Lạm phát ở eurozone đã giảm từ hơn 10% vào cuối năm 2022 xuống gần sát mức mục tiêu 2% của ECB trong những tháng gần đây. Điều này là nhờ chi phí nhiên liệu giảm và hoạt động chuỗi cung ứng bình thường trở lại sau đại dịch.
Thị trường hiện dự báo có thêm 1 đợt hạ lãi suất trong năm 2024. Trong khi theo Reuters, các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ có thêm 2 đợt.
Dean Turner, chuyên gia kinh tế châu Âu tại UBS Global Wealth Management, đánh giá khả năng ECB giảm lãi suất vào tháng 7 đã bị loại trừ sau các số liệu mới nhất được công bố.
"Việc ECB nâng nhẹ dự báo về lạm phát đã được dự báo từ trước, nhưng số liệu thực tế vẫn còn cao hơn dự báo của thị trường. Tôi nghĩ ECB sẽ hạ lãi suất lần 2 vào tháng 9", vị chuyên gia nói thêm.
Lindsay James, chiến lược gia đầu tư tại Quilter Investors nhấn mạnh: "Việc ECB cắt giảm lãi suất đã đặt dấu chấm hết cho một trong những chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ và nhanh chóng nhất trong thời hiện đại".
So với ECB, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện vẫn chần chừ nới lỏng chính sách, do lạm phát nước này tăng trở lại từ đầu năm.
Các chuyên gia từng cảnh báo đồng euro có thể mất giá, kéo tụt kinh tế eurozone nếu châu Âu giảm lãi suất trước Mỹ. Dù vậy, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đến nay vẫn khẳng định các quyết định của ECB dựa trên số liệu và không chịu ảnh hưởng của Fed.
Trước đó, ngân hàng Trung ương Canada (BOC) đã thông báo hạ lãi suất 0,25 điểm % xuống còn 4,75% sau 6 lần duy trì liên tục ở mức 5% kể từ tháng 7/2023. Đây là lần đầu tiên BOC hạ lãi suất kể từ tháng 3/2020.
Canada trở thành quốc gia đầu tiên trong G7 giảm lãi suất. Trước đó, Thụy Điển và Thụy Sĩ cũng có động thái tương tự trong năm nay.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, Thống đốc BOC Tiff Macklem cho biết quyết định này được đưa ra dựa trên dữ liệu cho thấy lạm phát cơ bản ở nước này đang dần "hạ nhiệt" và ngày càng tiến gần mức mục tiêu 2%.
“Hội đồng thống đốc quyết định rằng chính sách tiền tệ không còn cần thiết phải thắt chặt như trước nữa. Chúng tôi đã đi một chặng đường dài trong cuộc chiến chống lạm phát. Và niềm tin của chúng tôi đã tăng lên trong những tháng gần đây rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm gần hơn về mục tiêu 2%”, Thống đốc BOC chia sẻ.
Trong khi đó hồi tháng 3, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) vừa thông báo nâng các mức lãi suất ngắn hạn lên 0-0,1%, thay vì -0,1% như trước. Dù vậy, mức lãi vẫn được BOJ duy trì quanh 0%, do đà phục hồi kinh tế còn yếu ớt.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.