Trước khi diễn ra các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố của Nga ngày 23/1, Đại sứ quán Mỹ ở Moscow đăng “cảnh báo về biểu tình”, nhắc công dân Mỹ tránh những điểm biểu tình, ghi tên những thành phố mà người biểu tình dự định tụ tập.
Đến ngày 25/1, phát ngôn viên Điện Kremlin nói việc tuyên bố như vậy là “không hợp lý”, mang tính “can thiệp nội bộ” của Nga.
Đại sứ quán Mỹ, trong bình luận gửi qua email cho Reuters, nói những cảnh báo như vậy là “thông lệ, bình thường” đối với phái đoàn ngoại giao của các quốc gia.
“Đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ trên khắp thế giới thường xuyên phát đi các thông báo về an toàn và an ninh tới các công dân của chúng tôi”, thông cáo của Đại sứ quán Mỹ ở Moscow nói.
Ngày 23/1, phía Mỹ kêu gọi giới chức Nga thả những người biểu tình và nhà báo bị bắt giữ tại các cuộc biểu tình.
Tại Moscow, hãng tin Reuters ước tính có tới 40.000 người biểu tình hôm 23/1. Hơn 3.000 người bị bắt giữ.
Giới chức Nga phản đối con số nói trên, cho biết chỉ 4.000 người tới biểu tình. Phát ngôn viên Điện Kremlin nói đa số người Nga ủng hộ Tổng thống Putin cùng các cải cách Hiến pháp mà ông đề xuất, vốn sẽ cho ông tại vị cho tới năm 2036.
Người biểu tình đụng độ cảnh sát ở Moscow hôm 23/1. Ảnh: Reuters. |
Chính trị gia đối lập hàng đầu của Nga Alexei Navalny đã kêu gọi người ủng hộ xuống đường biểu tình sau khi ông bị bắt giữ đêm 17/1 ở sân bay tại Moscow - lần đầu tiên ông về nước kể từ khi được đưa sang Đức điều trị sau nghi án bị đầu độc.
Chuyến bay của ông lẽ ra đáp xuống sân bay Vnukovo, nơi hàng trăm người ủng hộ đã tập trung để đón chào ông, nhưng bị chuyển hướng sang sân bay Sheremetyevo.
Trên máy bay từ Đức về Nga, ông tỏ ra thoải mái, nói với các phóng viên bay cùng rằng ông “cực kỳ hạnh phúc” được trở về Nga sau gần 5 tháng điều trị ở Đức. Khi ông tới quầy kiểm soát hộ chiếu, cảnh sát tới và bắt giữ ông.
Ông Navalny bị cảnh sát Nga bắt giữ, bên cạnh là vợ Yulia Navalnaya. Bà cũng bị bắt giữ khi biểu tình ở Moscow ngày 23/1. Ảnh: AFP. |
Quan hệ giữa Moscow và Washington được cho là đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, sau vụ hack lớn mà Mỹ cáo buộc Nga đứng đằng sau. Joe Biden, người vừa tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ, tuyên bố sẽ cứng rắn với Nga.
Vụ hack đó chỉ là một trong hàng loạt bất đồng, căng thẳng giữa hai bên, ngoài ra còn có vấn đề ở Ukraine, Syria và cáo buộc Nga can thiệp bầu cử.
Dù vậy, ông Peskov vào đầu ngày 25/1 cũng có những bình luận xoa dịu hơn, và nói Nga sẵn sàng đối thoại với chính quyền mới của tân Tổng thống Joe Biden.
“Tất nhiên, chúng tôi kỳ vọng sẽ thành công trong việc thiết lập đối thoại”, ông nói trên truyền hình, theo hãng tin Interfax.