Trong nhiều thập kỷ, một kẻ sát nhân đã nằm ngoài vòng pháp luật ở California, gây hoảng sợ cho các nạn nhân từ bờ biển phía Nam cho đến Thung lũng Trung tâm, đến Bay Area và các khu phố gần Sacramento.
"Tôi chưa từng chứng kiến nỗi sợ hãi như vậy trong cộng đồng này trước đây", Carol Daly, cựu cảnh sát trưởng của Sacramento, nói với tờ New York Times năm 2018, sau khi DeAngelo bị bắt giữ. "Người dân đều cảm thấy sợ hãi dù họ đang ở đâu".
Kẻ sát nhân gây ám ảnh kinh hoàng cho cư dân California
Kẻ sát nhân này có rất nhiều tên gọi, bởi lúc đầu cảnh sát không cho rằng hung thủ các vụ án này là cùng một người, trước khi được gọi bằng cái tên duy nhất: Kẻ sát nhân tiểu bang Vàng (tạm dịch: Golden State Killer).
DeAngelo được ghi nhận đã gây ra 13 vụ giết người và gần 50 vụ cưỡng hiếp.
Những vụ án liên quan đến người đàn ông được biết đến với cái tên "Golden State Killer" bắt đầu vào khoảng giữa những năm 1970 và đến năm 1977, sau một loạt những vụ hãm hiếp phụ nữ kinh hoàng tại Sacramento, ông ta có biệt danh là "East Area Rapist" (tạm dịch: kẻ cưỡng hiếp khu phía Đông).
Ông DeAngelo, đang làm cảnh sát vào thời điểm đó, theo New York Times, đã chuyển từ cưỡng hiếp sang giết người. Nạn nhân đầu tiên của hắn là một cặp vợ chồng, Brian và Katie Maggiore, khi họ đang dắt chó đi dạo ở thành phố Rancho Cordova năm 1978.
Nhưng vào năm 1986, những tội ác này đột nhiên dừng lại, gây nên sự thắc mắc kéo dài nhiều thập kỷ sau đó. Liệu kẻ sát nhân đã chết? Hay đã chuyển sang một nơi khác?
Hoá ra, DeAngelo đã ổn định cuộc sống và sống ẩn dật ở vùng ngoại ô Sacramento với công việc tại cửa hàng tạp hoá Save Mart ở Roseville, nơi mà tên này bị bắt vào năm 2018.
Vụ án khép lại sau nhiều thập kỷ rơi vào bế tắc
Tội ác của DeAngelo bắt đầu vào năm 1975 và đi đến hồi kết hôm 29/6 trong một phiên điều trần tại Đại học bang Sacramento.
Bị cáo Joseph James DeAngelo (giữa), mệnh danh kẻ sát nhân Golden State Killer, nhận 13 tội sát nhân tại Tòa Thượng Thẩm Sacramento ngày 29/6 Ảnh: AP. |
Joseph James DeAngelo, 74 tuổi, thậm chí cần giúp đỡ để đứng dậy khi quan toà bước vào phòng.
Phiên điều trần diễn ra trong nhiều giờ, khi DeAngelo, người bị bắt hai năm trước sau khi các nhà điều tra áp dụng kỹ thuật ADN mới, đã thú nhận gây nên 13 vụ giết người cấp độ một trên khắp California vào những năm 1970 và 1980.
Trước mặt các nạn nhân và gia đình của họ, Amy Holliday, luật sư đại diện của quận Sacramento, đã tuyên bố thoả thuận bào chữa, nghĩa là DeAngelo có khả năng nhận 11 án tù chung thân hay vì án tử hình.
Ngoài ra, cô cũng cho biết ông ta đồng ý thừa nhận rất nhiều tội ác dù không bị buộc tội, một số trong số đó đã vượt qua thời hiệu xét xử.
Là một phần của thoả thuận bào chữa, ông DeAngelo sẽ tránh án tử hình. Đây là một quyết định khó khăn cho một số nạn nhân và gia đình của họ, khi họ là những người muốn thấy vụ án kết thúc nhất, nhưng cũng muốn thấy nỗi kinh hoàng của nhiều người trong nhiều năm phải chịu đựng các cáo buộc.
Gay Hardwick, nạn nhân bị cưỡng hiếp vào năm 1978 khi chồng của bà, Bob Hardwick bị trói, ngồi trong số những khán giả tại đó.
"Tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm", bà nói. "Ông ta sẽ ngồi tù, không thể ra ngoài và sẽ chết trong đó".
Ban đầu, bà hy vọng ông ta sẽ phải chịu án tử hình. Tuy nhiên do Thống đốc Gavin Newsom đặt lệnh cấm thi hành án tử hình ở California, nên bà gọi đây là "kết quả tốt nhất mà chúng ta có thể đạt được".
Phá án nhờ ADN
Joseph DeAngelo đã trốn tránh chính quyền trong suốt 4 thập kỷ trước khi bị bắt vào năm 2018 tại vùng ngoại ô Sacramento.
Đây là trường hợp đầu tiên bị bắt dựa trên công nghệ, một công nghệ mới tại thời điểm đó. Các nhà điều tra đã sử dụng một mẫu DNA được tìm thấy tại hiện trường án mạng kép ở quận Ventura năm 1980 để tạo ra một hồ sơ giả trên các dữ liệu phả hệ. Họ đã ghép được mẫu ADN này với họ hàng xa của DeAngelo.
Sau khi các công tố viên California thành công với kỹ thuật này, rất nhiều cơ quan thực thi pháp luật cơ cũng áp dụng kỹ thuật này vào những vụ án giết người và tấn công tình dục từ hàng chục năm trước.
Liên tiếp sau đó, các sở cảnh sát trên cả nước đã bắt giữ hàng chục trường hợp mà trước đây được coi là không thể giải quyết, khuyến khích các cơ quan tạo ra cơ sở nghiên cứu phả hệ riêng.
Nhưng khi kỹ thuật này ngày càng trở nên phổ biến, các nhà phả hệ, học giả pháp lý và một số nhà lập pháp đã lên tiếng lo ngại rằng cách tiếp cận mang tính cách mạng này lại đang vi phạm quyền riêng tư của những người đóng góp vào kho dữ liệu ADN để tìm hiểu về bản thân, chứ không phải giúp cảnh sát bắt giữ người thân của họ.
Thực tế là cách tiếp cận này chủ yếu vẫn chưa được kiểm soát, nhất là khi các cơ quan áp dụng kỹ thuật này cho những vụ án rất nhỏ như một vụ trộm.