Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

SARS, cái chết của Trương Quốc Vinh và nhật ký 2003 của một nhà báo

Năm 2003, đại dịch SARS kết thúc, để lại Hong Kong ngổn ngang giữa những hy vọng và mệt mỏi.

Khi một số đất nước và thành phố đã đi qua đỉnh dịch Covid-19, câu hỏi được đặt ra là khi nào cuộc sống sẽ trở lại bình thường, và sự "bình thường" mới đó sẽ giống cuộc sống mà chúng ta đã có trước khi dịch bệnh bùng phát chứ.

Có một nơi đã từng trải qua một trận dịch, với những người dân sống sót và mang theo ký ức kinh hoàng về căn bệnh: Hong Kong.

Zing lược dịch lại bài viết của Karl Taro Greenfeld đăng trên The New Yorker. Bài viết của ông cho chúng ta một góc nhìn về cuộc sống khi đã đi qua đại dịch, và cách cư dân có thể trở lại cuộc sống cũ.

Vào mùa xuân năm 2003, gia đình tôi đang sống ở Hong Kong, trong một căn hộ xây từ thời thuộc địa gần Đỉnh Victoria. Năm trước, ở phía Bắc, một loại virus gây ra hội chứng viêm đường hô hấp cấp nghiêm trọng, hay SARS, đã xuất hiện.

Loại virus này, được gọi là SARS-CoV, xuất phát từ một khu chợ, lây từ dơi đến cầy hương đến người. Tỷ lệ tử vong là khoảng 10%.

dai dich,  sars,  sars-cov,  sars-cov-2,  virus corona,  covid-19,  hongkong,  trung quoc anh 1

Người đeo khẩu trang tại một nhà hàng ở Hong Kong vào ngày 25/3/2020, giữa đợt bùng phát virus corona chủng mới. Ảnh: Reuters.

Kỳ nghỉ lễ Lao động năm đó, thường là dịp hàng trăm triệu người khắp đất nước đi du lịch, bị hủy bỏ, và Rolling Stones đã hủy buổi hòa nhạc của họ. Người dân Hong Kong đã thực hiện giãn cách xã hội từ trước khi có lệnh, và người nước ngoài vội vã về nước, trong đó có vợ và các con tôi.

Từ tháng 3, thành phố đã hoang vắng. Các câu lạc bộ đều đóng cửa, nhà hàng bị bỏ hoang, trung tâm mua sắm vắng vẻ. Quãng đường lái xe từ nhà tới văn phòng của tôi, mọi khi thường mất tới nửa giờ qua một số nút giao đông đúc nhất thế giới, giờ chỉ còn 5 phút.

Đối với những người đã trải qua thời gian dịch SARS, “đoạn mở đầu” đại dịch Covid-19 hiện tại rất quen thuộc.

Virus corona mới bùng phát tại tỉnh Hồ Bắc, một vài trăm dặm về phía bắc Quảng Đông - nơi SARS xuất hiện. Việc hủy bỏ lễ hội đón Tết Nguyên đán, điều động nhanh chóng trên diện rộng trong quá khứ đã lặp lại. (Các biện pháp đó dường như có hiệu quả, sự lây lan ở Trung Quốc đại lục đã chậm lại đáng kể).

Los Angeles, thành phố nơi tôi sống bây giờ, cũng phải áp dụng cách Hong Kong đã làm. Vào một ngày thứ bảy, tôi đi bộ xuống Đại lộ Sunset, con đường biểu tượng của thành phố, và đứng giữa đường. Đèn giao thông chuyển xanh đỏ mấy lượt mà vẫn không một chiếc xe nào xuất hiện.

Những thành phố vui vẻ có thể vui vẻ theo những cách riêng của nó, nhưng những nơi đang chìm trong sự hoành hành của dịch bệnh đều trống vắng như nhau.

dai dich,  sars,  sars-cov,  sars-cov-2,  virus corona,  covid-19,  hongkong,  trung quoc anh 2

Người đeo khẩu trang trên một chuyến tàu ở Hong Kong vào ngày 30/4/2003. Ảnh: Reuters.

Hong Kong vốn đã lâm vào khủng hoảng từ trước dịch SARS. Năm 1997, Anh đã bàn giao thành phố cho Trung Quốc theo một thỏa thuận được gọi là “một quốc gia, hai hệ thống”. Sau khi thống nhất, Thượng Hải có khả năng trở thành thủ phủ tài chính mới của Trung Quốc, và người dân Hong Kong lo sợ rằng họ sẽ sớm trở thành “một thành phố khác của Trung Quốc”; thị trường bất động sản ở đây bắt đầu suy thoái nhanh chóng, đi cùng với lo lắng về tự do cá nhân.

SARS đến như một đòn giáng trực tiếp vào thành phố vốn quay cuồng.

Khi đó, tôi làm ở văn phòng Hong Kong của Time Asia, một tuần san quốc tế với 62 nhân viên cùng nhiều văn phòng đặt trong khu vực. Khi SARS bùng phát, chúng tôi vẫn phải đến văn phòng, không thể làm việc tại nhà vì mạng Internet rất kém.

Mỗi chiều, chúng tôi chờ Sở Y tế Hong Kong công bố số liệu và cá cược xem hôm nay sẽ có bao nhiêu trường hợp mới.

Chúng tôi đã cố gắng lạc quan dù thực tế đã trở nên đáng sợ. Hệ thống bệnh viện Hong Kong đã vỡ trận. Hàng trăm nhân viên y tế tuyến đầu đã nhiễm bệnh, hầu hết từ những sự kiện “siêu lây lan”.

Đầu tiên, một bác sĩ đại lục, Liu Jianlun, đã điều trị cho một bệnh nhân ở Quảng Đông, người sau này được biết đến với cái tên “Vua độc”, vì là nguồn lây bệnh cho rất nhiều người khác. Sau khi gặp “Vua độc”, Liu, khi đó đang ở Hong Kong để dự đám cưới, đã ở tại khách sạn Metropole, đi mua sắm trên đường Nathan, rồi trở về khách sạn, và bắt đầu nôn mửa. Ngày hôm sau, ông nhập viện tại Bệnh viện Kwong Wah, cảnh báo các bác sĩ ở đây rằng bệnh của mình rất dễ lây lan và bất tỉnh, cuối cùng đã lây nhiễm cho nửa tá bác sĩ và y tá.

Một nhóm lớn hơn các trường hợp tại Bệnh viện Prince of Wales, bắt nguồn từ một nhân viên sân bay đã ghé qua Metropole, khiến hơn một trăm nhân viên bệnh viện nhiễm bệnh.

Một số phương pháp điều trị cho bệnh nhân bị suy hô hấp, bao gồm sử dụng máy phun sương - thiết bị giống như máy tạo độ ẩm biến thuốc dạng lỏng thành sương mù dễ thở - đã góp phần làm virus lan rộng.

Những câu chuyện như thế này làm chúng tôi sợ hãi hơn; chính quyền đã che giấu nó. Chúng tôi được biết rằng các quan chức đã che giấu số lượng các trường hợp, đưa các bệnh nhân ra khỏi cửa sau bệnh viện khi thanh tra của Tổ chức Y tế Thế giới đến cửa trước.

Chúng tôi nghi ngờ rằng những gì mình biết còn không tồi tệ bằng những gì mình không biết. Chúng tôi tưởng tượng đến những bệnh viện rộng lớn đầy người bệnh, thở hổn hển.

Chỉ số Hang Seng đã giảm 15% giá trị từ tháng 1 đến tháng 4. Sau khi ai đó tung tin giả rằng thành phố sẽ bị phong tỏa, nhiều cây ATM hết sạch tiền mặt.

Sau đó, như thể mọi thứ không thể tệ hơn được nữa, vào ngày đầu tiên của tháng 4, Trương Quốc Vinh - một ca sĩ nổi tiếng Hong Kong, một người song tính công khai và là diễn viên của các bộ phim nổi tiếng như Xuân Quang Xạ TiếtBá Vương Biệt Cơ - đã nhảy xuống từ tầng 24 của khách sạn Mandarin Oriental.

Trương giống như một bùa may của thành phố, một người nổi tiếng được yêu mến và dễ gần, một người bạn có thể bắt gặp đang đứng uống ở Lan Quế Phường trong một buổi tối bất kỳ. Trương Quốc Vinh tự tử vì trầm cảm, và cái chết của anh làm cho bầu không khí vốn ảm đạm nơi đây thêm nặng nề.

Từ cửa sổ văn phòng của tôi nhìn ra là Amoy Gardens, một khu gồm mười chín tòa nhà, mỗi tòa cao khoảng ba mươi tầng, chứa khoảng 19.000 người. Khu phức hợp đã trở thành một ổ dịch khét tiếng tới nỗi người ta nói ở đó "virus SARS bay đầy trong không khí".

Vào ngày 14/3, một người đàn ông nhiễm bệnh đã đến thăm căn hộ của anh trai mình; một tuần sau, khu nhà có 3-4 trường hợp; ngày hôm sau lại thêm 6-7 ca nữa. Chẳng mấy chốc, hơn 60 trường hợp mới nổi lên mỗi ngày tại Amoy Gardens, cho đến khi có gần 330, chủ yếu ở khu E, nơi có căn hộ mà “bệnh nhân số 0” đã đến thăm.

Điều đáng sợ về Amoy Gardens là sự bình thường của nó. Khu này trông giống hệt như bất kỳ khu nhà nào khác ở Hong Kong, khiến người ta rùng mình nghĩ rằng những gì đang xảy ra ở đây có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên hòn đảo.

dai dich,  sars,  sars-cov,  sars-cov-2,  virus corona,  covid-19,  hongkong,  trung quoc anh 3

Cảnh sát mặc đồ bảo hộ canh gác bên ngoài một tòa nhà trong Amoy Gardens vào ngày 31/3/2003, lúc chính quyền đang cách ly 200 người ở đây. Ảnh: Reuters.

Trong văn phòng, chúng tôi mặc đồ bảo hộ. Nói về chuyện rửa tay. Giữ khoảng cách. Ngoài công việc, chúng tôi cách ly nhau. Mọi sự kiện xã hội bị hoãn vô định. Tôi ăn tối một mình ở nhà, trước khung cảnh thành phố tối om ngoài cửa sổ.

Trưa nào tôi cũng ăn gà McNuggets vì suy cho cùng, quy trình làm McNugget, từ giết mổ đến chuẩn bị, không có mối nguy hiểm nào về việc tiếp xúc với virus. Các nhân viên chế biến đeo găng tay cao su và khẩu trang; thịt được chiên ngập dầu nóng, đủ giết chết bất kỳ con virus nào.

Vào thời điểm đó, nhiều người trong chúng tôi đã hy vọng virus này có tính thời vụ. Các bệnh truyền nhiễm chỉ phát triển mạnh vào một khoảng thời gian trong năm, và đặc biệt là virus gây bệnh đường hô hấp. Chúng tôi tự hỏi, nếu đã có cúm mùa, tại sao không thể có “SARS mùa” nữa?

Marc Lipsitch, một nhà dịch tễ học tại Đại học Harvard, đã viết một bài đăng trên blog của mình, đặt vấn đề liệu virus SARS-CoV-2 mới có thể mang tính thời vụ không.

Lipsitch giải thích rằng tính thời vụ phụ thuộc vào bốn yếu tố: môi trường (một số virus tồn tại tốt nhất trong không khí khô, lạnh); hành vi của con người (mọi người tập hợp lại khác nhau vào mùa hè và mùa đông); hệ thống miễn dịch của con người (thường yếu hơn trong những tháng lạnh); và động lực của bệnh nói chung hơn (một dịch bệnh bắt đầu trong một mùa có xu hướng kết thúc ở một mùa khác).

Tính thời vụ, nói cách khác, chỉ là về thời tiết. Nó là một khái niệm phức tạp, trong đó các yếu tố về môi trường, dịch tễ và con người đan xen lẫn nhau.

“Tính thời vụ chi phối gần như tất cả các bệnh truyền nhiễm,” Micaela Martinez, một nhà sinh thái học chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Mailman ở Columbia, nói với tôi.

Nghiên cứu của Martinez tập trung vào việc xác định các cơ chế vận động đằng sau tính thời vụ. Chẳng hạn, có thể đối với một số bệnh, nhịp sinh học cũng có ảnh hưởng do vị trí của một số tế bào trong hệ thống miễn dịch trong cơ thể thay đổi tùy thời gian trong ngày, ngày dài hơn có thể thay đổi cách hệ thống miễn dịch phản ứng với tác nhân gây bệnh. (Nhiều triệu chứng nghiêm trọng nhất của Covid-19 gồm sốt, viêm, xuất hiện dịch phổi là kết quả của các phản ứng miễn dịch không phù hợp).

Martinez nhấn mạnh còn quá nhiều điều chúng ta chưa biết về sinh học thời vụ. “Tôi hy vọng có sự suy giảm theo mùa”, cô nói.

Nhưng, trong trường hợp của SARS-CoV-2, các yếu tố mùa vụ có thể bị lấn át bởi quy mô bùng phát và mức độ dễ dàng lây lan của virus.

Cả SARS-CoV và SARS-CoV-2 đều là virus corona RNA. Virus học giải thích, “virus corona đột biến với tần số cao do tần số lỗi cao của RNA polymerase. (RNA là một chuỗi dài đơn lẻ, không giống như DNA xoắn kép, nó không có chuỗi thứ hai để kiểm tra lỗi).

“Khi con người có đột biến sẽ tạo môi trường bất lợi cho virus”, Charles Prober, một nhà dịch tễ học nhi khoa tại Đại học Stanford, nói. Do đó, có khả năng liên hệ rằng SARS-CoV-2 có thể biến đổi theo hướng suy giảm theo mùa.

Là một người lạc quan, Prober hy vọng vào một kết quả đó. Có thể chúng ta sẽ gặp may được “giải lao” giữa dịch bệnh. Nhưng cũng có khả năng, vì những quyết định sai lầm, chúng ta phung phí quãng nghỉ đó.

Khi đấy chúng tôi không nhận ra, nhưng tuần lễ Trương Quốc Vinh chết là đỉnh điểm của sự sợ hãi và hoảng loạn.

Đầu tháng 4, trong khi chúng tôi đang cá cược số lượng các trường hợp mới và băn khoăn về mức độ bao phủ dịch, Hong Kong đã vượt qua đỉnh dịch với số ca nhiễm mới ít hơn các trường hợp khỏi bệnh. Sang tháng 5, thời tiết ấm áp hơn, chúng tôi nhìn quanh và nhận ra rằng mình vẫn còn sống.

Điều gì đã thực sự xảy ra? Nhìn lại, có vẻ như một số yếu tố hội tụ. Tất cả chúng tôi đã tự cách ly một cách hiệu quả (hoặc, trong trường hợp của vợ và các con gái tôi, họ đã di tản). Các trường học đóng cửa trong hơn một tháng. Mọi người trong thành phố đều đeo khẩu trang y tế, không có ngoại lệ; trên truyền hình, ngay cả các quan chức chính phủ cũng xuất hiện trong với đồ bảo hộ đầy đủ.

Hệ thống y tế cũng đã thích nghi với dịch bệnh. Trước SARS, một số bệnh viện hoạt động lỏng lẻo, dựa vào kháng sinh để kiểm soát nhiễm khuẩn thay vì duy trì việc khử trùng thường xuyên. Những gì có tác dụng chống lại SARS, tôi đã viết sau đó trong cuốn sách của mình về vụ dịch, China Syndrome, là “những mệnh lệnh kiểu Florence Nightingale: nhiều lớp khẩu trang, kính bảo hộ, găng tay, ủng cao su và áo bảo hộ. Phong toả. Cách ly. Thoáng khí. Đây không phải là phương thuốc giành giải Nobel. Tuy nhiên, nó đã có hiệu quả.”

Hệ thống bệnh viện hiện đại thường không quen xử lý các trường hợp bệnh hô hấp nguy hiểm. Nhưng các bệnh viện Hong Kong, sau khi trở nên quá tải do vụ dịch, đã thích nghi được.

Vào thời điểm đó, dường như thời tiết cũng đóng một vai trò nhất định. Hong Kong vào tháng 4 có nhiệt độ trung bình khoảng 21 độ C và đến tháng 5 là khoảng 27 độ C. Tuy nhiên, những biện pháp ngăn chặn virus của Hong Kong đã mạnh mẽ đến mức đỉnh dịch xuất hiện trước cả khi có sự thay đổi theo mùa.

SARS kết thúc để lại một mớ hỗn độn của sự mệt mỏi và cả những hy vọng. Chúng tôi đã sống trong nhà, tách biệt, liên tục đeo khẩu trang rất lâu rồi, tới mức nó đã trở nên bình thường, thậm chí nhàm chán. Tôi có thể nhớ lần đầu tiên tôi gặp một người đeo khẩu trang khi dịch bắt đầu bùng phát, lúc tôi đưa con gái ba tuổi đi dạo. Nhưng tôi không thể nhớ được lần đầu tiên nhìn thấy một người không đeo khẩu trang, hoặc khi chính tôi quyết định để nó ở nhà.

Tôi cho rằng, một ngày nào đó, tôi thức dậy, mặc quần áo, với lấy cái N95 như bình thường, và rồi nghĩ, ‘Có thực sự cần thiết không?’".

dai dich,  sars,  sars-cov,  sars-cov-2,  virus corona,  covid-19,  hongkong,  trung quoc anh 4
Quan chức y tế Hong Kong tham dự lễ tang của Kate Cheng, một bác sĩ chết sau khi bị nhiễm virus từ bệnh nhân của mình. Cheng qua đời vào tháng 5/2003, và tang lễ được tổ chức vào tháng 6. Ảnh: Reuters.

Chính phủ đã không tự dưng bảo chúng tôi “hãy ra ngoài đi” và trong mọi trường hợp, họ cũng không giúp xoa dịu sự sợ hãi của chúng tôi. Thay vào đó, dần dần mọi người tự thấy những lợi ích của việc sống một cuộc sống mới vượt xa những rủi ro của việc nhiễm virus. Tôi biết viết ra điều này nghe có vẻ vô lý, nhưng có vẻ chính virus đã trở nên yếu hơn, như thể nó đã bị thương. Cảm giác như một bầu khí độc đã được nhấc khỏi thành phố.

Các thành viên gia đình tôi trở về sau thời gian di tản. Nhà hàng mở cửa trở lại. “Lời nguyền” virus bị phá bỏ; Hong Kong dường như thức dậy từ một cơn ác mộng. Chúng tôi lại tiếp tục có ngày xuân kỳ diệu khi mặt trời tràn ngập cảng Victoria. Chúng tôi được nói chuyện với nhau, trực tiếp. Virus đã khiến cuộc sống của mọi người thành một thể nhị phân, chỉ có nhiễm bệnh hoặc không. Còn bây giờ, dường như có bảy triệu câu chuyện khác nhau cùng tồn tại.

Một ngày, tôi thấy mình ngồi trong một hàng cơm gà đông đúc thực khách, và nghĩ: “Ồ, thế này mới là cuộc sống".

Yuval Noah Harari: Covid-19 sẽ không làm con người khiêm nhường hơn

Yuval Noah Harari đặt ra câu hỏi liệu đại dịch Covid-19 sẽ khiến chúng ta dễ dàng chấp nhận cái chết hơn, như những thế hệ đi trước, hay nỗ lực hết mình để kéo dài sự sống hơn?

Hong Kong lo công sức chống dịch 'đổ sông' do chủ quan quá sớm

Hong Kong đang phải nỗ lực bổ sung các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới, hậu quả của việc chính quyền thành phố nới lỏng các hạn chế quá sớm.

Khánh Linh

Bạn có thể quan tâm