Một cách diễn giải phổ biến về đại dịch Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra là nó chứng minh cho con người rằng họ không "bất khả xâm phạm" (như họ vẫn nghĩ). Loại virus lạ này, bằng một cách nào đó, đã từ dơi tiến hóa để có thể nhảy sang người. Virus tấn công những xã hội phát triển nhất, thậm chí là giới lãnh đạo những nước giàu có nhất.
Nó chứng minh rằng sự phát triển của nền văn minh nhân loại vẫn không thể tách biệt con người khỏi Trái Đất hay môi trường xung quanh họ. Và bệnh tật vẫn là một sự ngẫu nhiên không thể kiểm soát, hay miễn trừ ai (như một số người nghĩ).
Chính vì vậy, Covid-19 là lời nhắc nhở nhân loại về một thái độ khiêm nhường trước thiên nhiên và cái chết. Trong bài viết đăng trên Guardian ngày 20/4, nhà sử học người Israel Yuval Noah Harari, lập luận rằng đây có thể sẽ không phải lời nhắc nhở mà nhân loại chọn nghe sau khi đại dịch kết thúc.
Yuval Noah Harari là nhà nghiên cứu lịch sử người Irasel, tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng toàn cầu là Sapiens: Lược sử loài người và Homo Deus: Lược sử tương lai.
Zing trích dịch bài viết của đăng trên Guardian. Bài viết có tựa đề gốc Virus sẽ thay đổi thái độ của chúng ta với cái chết? Thật ra là ngược lại. Các tít phụ do Zing đặt.
Một tín đồ cầu nguyện trong nhà thờ Westminster ở trung tâm London ngày 17/3. Ảnh: Tolga Akmen/AFP. |
Thế giới hiện đại đã được định hình bởi niềm tin rằng con người có thể vượt qua và đánh bại cái chết. Đó là một thái độ sống mới mang tính cách mạng.
Trong phần lớn chiều dài lịch sử, con người “ngoan ngoãn” đầu hàng trước cái chết. Cho đến những năm gần đây, hầu hết các tôn giáo và ý thức hệ đều coi cái chết không chỉ là “số phận an bài”, không thể tránh khỏi, mà còn là nguồn gốc cho ý nghĩa của cuộc sống.
Những sự kiện quan trọng nhất trong đời xảy ra sau khi con người ta trút hơi thở cuối cùng. Chỉ sau đó, ta mới hiểu được những bí mật thực sự của cuộc sống. Chỉ sau đó, ta mới được cứu rỗi mãi mãi, hoặc bị nguyền rủa đời đời. Trong một thế giới không có cái chết - và do đó không có thiên đường, địa ngục hay tái sinh - các tôn giáo như Cơ Đốc giáo, Hồi giáo và Ấn Độ giáo sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả.
Trong lịch sử, những người ưu tú nhất đều dành tâm trí để gán những ý nghĩa cao cả cho cái chết, chứ không cố gắng đánh bại nó. Sử thi Gilgamesh, Huyền thoại về Orpheus và Eurydice, Kinh thánh, Kinh Qur'an, Vedas, và vô số những cuốn sách và câu chuyện linh thiêng khác đều kiên nhẫn giải thích cho con người hiểu rằng chúng ta chết vì Chúa, hay vũ trụ, hay Mẹ thiên nhiên quyết định, và chúng ta nên chấp nhận số mệnh đó với sự khiêm nhường và ân sủng.
Biết đâu, một ngày nào đó, Chúa sẽ xóa bỏ cái chết thông qua một sự kiện vĩ đại, ví dụ như tái thế lần thứ hai? Nhưng việc điều khiển sự sống chết hay vòng luân hồi như vậy rõ ràng vượt quá khả năng của con người.
Rồi cuộc cách mạng khoa học nổ ra.
Con người sống lâu hơn, và suy nghĩ về cuộc sống
Đối với các nhà khoa học, cái chết không phải là một sắc lệnh thần thánh - nó chỉ là một vấn đề kỹ thuật. Con người chết không phải vì Chúa quyết định như vậy, mà vì một số “trục trặc kỹ thuật”. Tim ngừng bơm máu. Ung thư phá hủy gan. Virus nhân lên trong phổi. Và cái gì gây ra những vấn đề kỹ thuật đó? Chính là các vấn đề kỹ thuật khác. Tim ngừng bơm máu vì không có đủ oxy cung cấp đến cơ tim. Các tế bào ung thư lan rộng trong gan vì đột biến gen. Virus đã xâm nhập vào phổi tôi vì ai đó hắt hơi trên xe buýt. Chẳng có gì siêu hình ở đây cả.
Và khoa học tin rằng mọi vấn đề kỹ thuật đều có giải pháp kỹ thuật để xử lý. Chúng ta không cần phải chờ đợi Chúa tái thế lần thứ hai để vượt qua cái chết. Một vài nhà khoa học trong phòng thí nghiệm có thể làm điều đó. Trong khi cái chết, theo truyền thống, là “đặc sản” của các linh mục và nhà thần học mặc áo choàng đen, thì bây giờ nó lại là những người mặc áo blouse trắng trong phòng thí nghiệm.
Nếu tim đập chậm lại, chúng ta có thể kích nó lên bằng xung điện hoặc thậm chí, nếu nó ngừng đập, ghép tim mới. Nếu ung thư hoành hành, chúng ta có thể tiêu diệt nó bằng phóng xạ. Nếu virus sinh sôi nảy nở trong phổi, chúng ta có thể loại bỏ chúng bằng một số loại thuốc.
Đúng là hiện tại chúng ta chưa thể giải quyết được tất cả các vấn đề kỹ thuật. Nhưng chúng ta đang tìm cách. Tâm trí của những người ưu tú nhất không còn dành thời gian để “nặn” ra ý nghĩa cho cái chết, mà thay vào đó, họ bận rộn tìm mọi cách kéo dài sự sống.
Họ đang nghiên cứu các hệ thống vi sinh, sinh lý và di truyền nơi bắt nguồn của bệnh tật và tuổi già, đồng thời phát triển các loại thuốc mới và phương pháp điều trị có tính cách mạng.
Lãnh đạo tôn giáo Joe Coleman tại Knock Shrine, Co Mayo, Ireland, tháng 5/2010, khi ông tuyên bố rằng Chúa sẽ xuất hiện và tái thế lần thứ hai. Ảnh: Julien Behal/PA. |
Trong cuộc đấu tranh để kéo dài sự sống, con người đã giành được những thành công đáng kể. Trong hai thế kỷ qua, tuổi thọ trung bình đã tăng từ dưới 40 lên 72 tuổi trên toàn thế giới và thậm chí lên đến hơn 80 tuổi ở một số nước phát triển.
Trẻ em có cơ hội sống cao hơn. Cho đến thế kỷ 20, ít nhất một phần ba trẻ em chết trước khi đến tuổi trưởng thành. Trẻ nhỏ thường xuyên mắc các bệnh kiết lỵ, sởi và thủy đậu. Ở Anh, vào thế kỷ 17, cứ 1.000 trẻ sơ sinh thì có 150 trẻ không vượt qua được năm đầu tiên và chỉ khoảng 700 trẻ sống được đến 15 tuổi.
Ngày nay, chỉ có 5 trong mỗi 1.000 trẻ sơ sinh Anh chết trong năm đầu tiên và 993 trẻ được ăn mừng sinh nhật lần thứ 15. Trên toàn thế giới, tỷ lệ tử vong ở trẻ em giảm xuống dưới 5%.
Con người đã thành công trong việc bảo vệ và kéo dài sự sống đến nỗi thế giới quan của chúng ta đã thay đổi một cách sâu sắc. Trong khi các tôn giáo truyền thống tôn vinh thế giới bên kia là cội nguồn ý nghĩa của sự sống, thì từ các tư tưởng của thế kỷ 18 như chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa xã hội và nữ quyền chẳng mảy may quan tâm tới điều này.
Thật vô nghĩa khi tìm kiếm lời đáp cho những câu hỏi này trong các tác phẩm của Karl Marx, Adam Smith hay Simone de Beauvoir.
Hệ tư tưởng hiện đại duy nhất vẫn trao cho cái chết một vai trò trung tâm đầy ý nghĩa là chủ nghĩa dân tộc. Trong những thời khắc lãng mạn và tuyệt vọng, chủ nghĩa dân tộc hứa hẹn rằng bất cứ ai chết vì dân tộc sẽ sống mãi trong ký ức của mọi người.
Tuy nhiên, lời hứa này mờ nhạt đến nỗi hầu hết những người theo chủ nghĩa dân tộc không thực sự biết phải làm gì với nó. Làm thế nào để thực sự sống trong ký ức của người khác? Nếu bạn đã chết, làm thế nào để bạn biết liệu mọi người có nhớ đến bạn hay không?
Woody Allen đã từng được hỏi liệu anh có muốn được sống mãi trong ký ức của những người xem phim không. Allen trả lời: “Tôi thà sống trong căn hộ của mình còn hơn”.
Thậm chí nhiều tôn giáo truyền thống nay đã chuyển trọng tâm: thay vì hứa hẹn một thiên đường nào đó ở thế giới bên kia, họ đã bắt đầu chú trọng hơn vào những gì họ có thể làm cho bạn ngay trong cuộc sống này.
"Chúng ta không cam chịu. Chúng ta truy trách nhiệm"
Đại dịch Covid-19 này liệu có thay đổi thái độ của con người đối với cái chết không? Chắc là không. Thậm chí ngược lại. Covid-19 có thể sẽ khiến chúng ta nỗ lực gấp để bảo vệ cuộc sống này. Còn những phản ứng có hơi hướng tâm linh cùng sự cam chịu trước những gì dịch bệnh này gây ra, đó là hệ quả của sự phẫn nộ đan xen với hy vọng.
Khi một dịch bệnh bùng phát trong một xã hội tiền hiện đại, ví dụ như châu Âu thời trung cổ, mọi người dĩ nhiên lo lắng cho tính mạng của mình và đau khổ bởi cái chết của những người thân yêu, nhưng phản ứng chính về mặt văn hóa là cam chịu. Các nhà tâm lý học gọi nó là “sự bất lực được lĩnh hội”. Con người tự nhủ rằng đó là ý của Chúa - hay có lẽ là quả báo cho tội lỗi của mình.
“Chúa biết rõ nhất. Chúng ta, những con người độc ác, xứng đáng với nó. Và người sẽ thấy, cuối cùng tất cả sẽ ổn thôi. Đừng lo lắng, những người tốt sẽ nhận được phần thưởng của họ trên thiên đường. Và đừng lãng phí thời gian tìm kiếm một loại thuốc nào. Bệnh tật là do Chúa gửi đến để trừng phạt chúng ta. Những kẻ nghĩ rằng con người có thể vượt qua dịch bệnh này bằng sự tài giỏi của chính họ chỉ đơn thuần là phạm thêm tội lỗi vào sự phù phiếm và những tội ác khác của họ. Chúng ta là ai mà cản trở được kế hoạch của Chúa?”.
Cảng Vila, Vanuatu, sau cơn bão Pam tháng 3/2015. Ảnh: Dave Hunt/Getty. |
Ngày nay, thái độ của con người lại đối ngược. Bất cứ khi nào xảy ra thảm họa có thương vong - một tai nạn tàu hỏa, hỏa hoạn lớn, thậm chí là một cơn bão - chúng ta có xu hướng coi đó là một thất bại có thể phòng tránh được của con người hơn là hình phạt thiêng liêng hoặc thiên tai không thể tránh khỏi.
Nếu công ty vận tải không cắt giảm ngân sách chi cho việc thực hiện các biện pháp an toàn, nếu thành phố đã áp dụng các quy định về cứu hoả tốt hơn và nếu chính phủ đã gửi trợ cấp nhanh hơn - những người đó có thể đã được cứu. Trong thế kỷ 21, cái chết hàng loạt tự động trở thành một lý do cho việc kiện tụng và điều tra.
Đây cũng là thái độ của chúng ta đối với bệnh dịch. Trong khi một số nhà thuyết giáo coi AIDS là hình phạt của Chúa đối với người đồng tính, xã hội hiện đại đã gạt bỏ quan điểm cực đoan đó, và ngày nay chúng ta coi sự lây lan của AIDS, Ebola và các dịch bệnh gần đây là những sai sót mang tính tổ chức.
Chúng ta cho rằng loài người có kiến thức và công cụ cần thiết để kiềm chế những bệnh dịch như vậy, và nếu một bệnh truyền nhiễm vẫn vượt khỏi tầm kiểm soát, thì đó là do sự thiếu sót của con người hơn là cơn tức giận của thần linh.
Covid-19 cũng không phải ngoại lệ với quy tắc này. Cuộc khủng hoảng còn lâu mới kết thúc, nhưng trò chơi đổ lỗi đã bắt đầu. Các quốc gia liên tục buộc tội lẫn nhau. Các chính trị gia đối thủ đẩy trách nhiệm từ người này sang người khác như ném một quả lựu đạn đã tháo chốt.
Bên cạnh sự phẫn nộ cũng có nhiều hy vọng. Những anh hùng của chúng ta không phải là các linh mục chôn cất người chết và bào chữa cho tai họa. Anh hùng của chúng ta là những người cứu mạng. Và các siêu anh hùng của chúng ta là những nhà khoa học trong phòng thí nghiệm.
Giống như những người xem phim biết chắc rằng Người nhện và Wonder Woman cuối cùng sẽ đánh bại kẻ xấu và cứu thế giới, chúng ta cũng khá chắc chắn rằng trong vài tháng, có lẽ một năm nữa, những anh hùng trong phòng thí nghiệm sẽ đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả cho Covid-19 và thậm chí là cả vắc-xin tiêm phòng. Chúng ta sẽ cho con virus corona khó chịu này thấy chúng ta mới là loài alpha trên hành tinh này!
Câu hỏi thường trực trên môi của tất cả mọi người, từ Nhà Trắng, qua Phố Wall cho đến các ban công ở Italy, là: “Khi nào thì có vắc-xin?”. “Khi nào có?”. Không phải là “Liệu có hay không?”.
Khi đã có vắc-xin và đại dịch kết thúc, nhân loại sẽ có được gì? Chắc chắn chúng ta sẽ hiểu được cần đầu tư và nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo vệ sự sống của con người.
Chúng ta cần có nhiều bệnh viện hơn, nhiều bác sĩ hơn, nhiều y tá hơn. Chúng ta cần dự trữ nhiều máy thở hơn, nhiều thiết bị bảo hộ hơn, nhiều bộ kit xét nghiệm hơn. Chúng ta cần đầu tư nhiều tiền hơn vào việc nghiên cứu các mầm bệnh chưa biết và phát triển các phương pháp điều trị mới. Chúng ta không nên mất cảnh giác lần nữa.
Có phải chúng ta đang quá ngạo mạn?
Một số người có thể lập luận rằng điều đó không đúng, và cuộc khủng hoảng dạy chúng ta sự khiêm nhường. Chúng ta không nên tự phụ về khả năng của mình khuất phục mọi thế lực tự nhiên.
Quan điểm này chủ yếu là của những người tôn sùng văn hoá thời trung cổ, những người giảng giải về sự khiêm nhường trong khi chắc chắn 100% rằng họ biết tất cả các câu trả lời đúng. Một số người mù quáng không thể tự giúp mình - một mục sư đọc Kinh Thánh hàng tuần cho nội các của Tổng thống Donald Trump, đã nói rằng dịch bệnh này cũng là hình phạt đối với những người đồng tính luyến ái. Nhưng ngay cả những người tôn trọng truyền thống nhất ngày nay đều đặt niềm tin vào khoa học hơn là vào kinh sách.
Nhà thờ Công giáo khuyên các tín hữu không tụ tập tại nhà thờ. Israel đã đóng cửa các giáo đường. Cộng hòa Hồi giáo Iran không cho phép người dân viếng thăm nhà thờ Hồi giáo. Các cơ sơ tôn giáo đều đã đình chỉ các nghi lễ công cộng. Tất cả bởi vì các nhà khoa học đã thực hiện các tính toán, và đề nghị đóng cửa những nơi linh thiêng này.
Một nhà thờ Hồi giáo trống trơn ở Shahr-e-Ray, phía Nam Tehran, vào một ngày thứ sáu trong tháng 3/2020. Ảnh: Ebrahim Noroozi / AP |
Tất nhiên, con người không nên tự phụ và chủ quan. Ngay cả các nhà khoa học cũng đồng ý rằng chúng ta nên thực tế trong kỳ vọng của mình và không nên có niềm tin mù quáng vào sức mạnh của các bác sĩ có thể bảo vệ chúng ta khỏi mọi tai ương của cuộc sống. Trong khi toàn thể nhân loại trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, mỗi người vẫn cần phải đối mặt với sự mong manh của cuộc sống.
Có lẽ trong một hoặc hai thế kỷ nữa khoa học sẽ có thể kéo dài cuộc sống của con người vô thời hạn, nhưng hiện giờ thì chưa. Tất cả chúng ta đều có thể sẽ chết vào một ngày nào đó, và sẽ mất đi những người thân yêu một lúc nào đó. Chúng ta phải hiểu và thực sự sở hữu “sự hữu hạn” của mình.
Trong nhiều thế kỷ, người ta đã sử dụng tôn giáo như một cơ chế phòng thủ, tin rằng con người sẽ tồn tại mãi mãi ở thế giới bên kia. Bây giờ, mọi người đôi khi chuyển sang sử dụng khoa học như một cơ chế phòng thủ thay thế, tin rằng các bác sĩ sẽ luôn cứu họ, và họ sẽ sống mãi trong căn hộ của mình.
Chúng ta cần một cách tiếp cận cân bằng ở đây. Chúng ta nên tin tưởng vào khoa học sẽ có cách đối phó với dịch bệnh, nhưng vẫn nên có trách nhiệm với chính mạng sống và “sự hữu hạn” của cá nhân mình.
Cuộc khủng hoảng hiện nay có thể làm nhiều người nhận thức rõ hơn về bản chất vô thường của cuộc sống con người và thành tựu của con người. Tuy nhiên, nền văn minh hiện đại của chúng ta rất có thể sẽ đi theo hướng ngược lại. Biết được về sự mong manh của mình, chúng ta sẽ phản ứng bằng cách xây dựng hệ thống phòng thủ mạnh mẽ hơn nữa. Khi cuộc khủng hoảng hiện tại kết thúc, tôi không hy vọng chúng ta sẽ thấy ngân sách của các khoa triết học được ưu ái đầu tư đáng kể. Nhưng tôi cá là chúng ta sẽ thấy sự gia tăng lớn trong ngân sách đầu tư vào các trường y và hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Và có lẽ đó là điều tốt nhất chúng ta có thể mong đợi. Chính phủ dù sao cũng không giỏi triết học. Nó không được “cài mặc định” trong hệ thống của họ. Chính phủ thực sự nên tập trung xây dựng các hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Còn triết lý tốt hơn là việc của từng cá nhân. Các bác sĩ không thể giải câu đố về sự tồn tại của chúng ta. Nhưng họ có thể cho chúng tôi thêm thời gian để vật lộn với nó.
Chúng ta sẽ dành thời gian đó làm gì là tùy thuộc vào chúng ta.