Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Quốc hội. |
- Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn sau phiên đăng đàn của Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
- Cùng tham gia có Phó thủ tướng Lê Minh Khái và bộ trưởng các bộ: Tài chính, Công an, Tư pháp; Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
-
Nhóm vấn đề chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ
Ông Đoàn Hồng Phong sẽ trả lời nội dung về nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật.
Biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cũng là nội dung quan trọng sẽ được các đại biểu Quốc hội chất vấn.
Trong nhóm lĩnh vực này còn có nội dung liên quan công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra; giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin trong nhân dân.
Ngoài ra, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ sẽ làm rõ hơn công tác phối hợp và giải pháp khắc phục chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
-
Kiến nghị xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng
Phát biểu trước khi bước vào phiên đăng đàn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Thông qua công tác thanh tra, ông Phong cho biết ngành đã phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách còn sơ hở, bất cập dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Ngành thanh tra cũng kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm, sai phạm. Đặc biệt, dưới chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị xử lý nhiều vụ có dấu hiệu vi phạm pháp chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, trong đó có nhiều vụ việc nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực.
Nhấn mạnh hoạt động chất vấn là một trong những nội dung giám sát của Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng thông qua hoạt động này sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của ngành thanh tra.
Thừa nhận vẫn còn những tồn tại, thiếu sót trong ngành thanh tra, ông Đoàn Hồng Phong cho biết sẵn sàng lắng nghe chất vấn của các đại biểu Quốc hội và cam kết sẽ nỗ lực thực hiện tốt mọi chức năng, nhiệm vụ của ngành.
Điều hành phiên chất vấn, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết có 66 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ.
-
Thanh tra không phát hiện sai phạm, nhưng Ủy ban KTTW vào thì phải xử lý hình sự
ĐB Đặng Hồng Sỹ Bình Thuận đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ giải thích tình trạng một số vụ việc khi Thanh tra Chính phủ thanh tra thì không có sai phạm hoặc chỉ rút kinh nghiệm, nhưng khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thì có sai phạm, phải xử lý hình sự. "Có hay không tiêu cực trong hoạt động thanh tra?", đại biểu chất vấn.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết đại biểu Sỹ đang nhắc đến câu chuyện giải quyết đơn thư tố cáo ở Bình Thuận. Vào năm 2019, một nguyên cán bộ tỉnh Bình Thuận tố cáo lãnh đạo tỉnh làm sai trong vụ việc chuyển mục đích sử dụng sân golf sang khu đô thị. Thanh tra Chính phủ căn cứ vào kết quả kiểm toán, có sự kế thừa nhưng cũng có một số thay đổi. Kết quả có một số sai sót trong xác định giá đất. Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận tính toán lại, nhưng sau 1-2 năm, UBND tỉnh không thực hiện, người tố cáo tiếp tục tố cáo. Sau đấy có sai phạm thì đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra. Ông Phong thừa nhận trách nhiệm thanh tra giải quyết vấn đề còn chậm và đã có một số cán bộ phải kỷ luật.
-
Kiến nghị sửa đổi nhiều chính sách tiền tệ, tín dụng sau khi thanh tra ngân hàng
Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) đặt câu hỏi về trách nhiệm trong công tác thanh tra của Tổng thanh tra Chính phủ khi tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng vẫn diễn biến phức tạp và tinh vi. Ngoài ra, ông hỏi giải pháp căn cơ để kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.
Trả lời, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết theo quy định, Thanh tra Chính phủ chỉ thanh tra những doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% cổ phần Nhà nước. Còn các đối tượng thanh tra của doanh nghiệp có dưới 50% cổ phần Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân thì thuộc đối tượng thanh tra chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông Phong, Thanh tra Chính phủ mới chỉ tiến hành một cuộc thanh tra đối với ngân hàng tư nhân là Ngân hàng Đại chúng do việc này được Thủ tướng giao.
Về kết quả thanh tra trong hoạt động ngân hàng, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung nhiều chính sách bất cập, sơ hở, dễ phát sinh tiêu cực trong lĩnh vực quản lý tiền tệ, tín dụng ngân hàng.
Đối với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, đơn vị đã chuyển cơ quan điều tra xử lý theo pháp luật.
Tổng thanh tra Chính phủ lấy ví dụ điển hình là quá trình thanh tra Ngân hàng Nông nghiệp năm 2011, kết luận đã kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 14 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, đề nghị cơ quan liên quan tiến hành điều tra, xét xử hàng chục cán bộ ngân hàng và của cơ quan có liên quan.
-
9 tháng đầu năm thu hồi hơn 1.000 tỷ đồng
ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) hỏi về nguyên nhân và giải pháp khi công tác PCTN quyết liệt nhưng thu hồi tài sản còn thấp; tham nhũng nhiều lĩnh vực còn phức tạp. Ông cũng chất vấn về tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, ngăn chặn, thu hồi tài sản tham nhũng là nhiệm vụ khó khăn. Trong 9 tháng đầu năm, Thanh tra Chính phủ đã đôn đốc thu hồi hơn 1.000 tỷ đồng, xử lý hơn 4.800 cá nhân, thi hành án 1.800 vụ việc.
"Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn thấp", ông Phong thừa nhận.
Về giải pháp, ông cho biết từ tháng 6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 04 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.
Thanh tra Chính phủ sẽ tăng cường thực hiện Chỉ thị 04, tăng cường xử lý sau thanh tra, chủ động kê biên, phong tỏa tài sản, tăng cường hợp tác quốc tế để xử lý những vụ có yếu tố nước ngoài. "Khi vụ án xảy ra, đối tượng nộp lại tiền sẽ được xem xét về thời gian thi hành án", Tổng Thanh tra Chính phủ nói.
Về vấn đề công tác phối hợp thanh tra còn để trùng lắp, ông Đoàn Hồng Phong cho biết các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã có phối hợp nhưng thực tế vẫn còn xảy ra chồng chéo. Hai cơ quan đã ban hành quy chế phối hợp từ khâu xây dựng kế hoạch. Quá trình thanh tra nếu phát hiện trồng chéo giữa thanh tra bộ ngành với địa phương mà không xử lý được sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền.
"Luật trước đây chưa quy định về xử lý chồng chéo, luật sắp tới sẽ có 5 điều về việc này. Trong tương lai, một nội dung hoạt động của tổ chức cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra, kiểm toán. Về lâu dài, kiến nghị hoàn thiện luật theo hướng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra", ông Phong thông tin.
-
Chuyển cơ quan điều tra nhiều vụ sau thanh tra
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) hỏi từ ngày nhậm chức, Tổng Thanh tra Chính đã tự mình chủ động chỉ đạo thanh tra các vụ tham nhũng trong ngành thế nào, kết quả ra sao?
Trả lời, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết đã có nhiều cuộc thanh tra đột xuất, quy mô lớn, phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Qua kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị xử lý, chuyển cơ quan điều tra xử lý theo pháp luật nhiều vụ việc như cổ phần hoá cảng Quy Nhơn AVG, dự án nhiệt điện Thái Bình II, dự án gang thép Thái Nguyên, vụ thuốc ung thư của công ty cổ phần VN Pharma, các dự án đất đai liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, việc xử dụng quỹ bảo hiểm y tế mua sắm trang thiết bị vật tư kit xét nghiệm Covid-19.
Những cuộc tranh tra này đều được tiến hành với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao nhất. Trong quá trình thanh đã phát hiện, chuyển kiến nghị, chuyển hồ sơ nhiều vụ việc nghiêm trọng sang cơ quan điều tra để xử lý đồng thời chuyển nội dung sai phạm của cán bộ Đảng viên sang Ủy ban kiển tra Trung ương để xử lý, góp phần vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Điều hành chất vấn, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhắc lại chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân là về công tác thanh tra nội bộ, không phải thanh tra chung. Vì vậy, ông đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời chất vấn này trong lượt tới.
-
Vi phạm quy mô lớn, lực lượng thanh tra mỏng nên chậm ban hành kết luận
ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nhận định tỷ lệ thu hồi sau thanh tra tăng nhưng còn nhiều bất cập. Trong khi đó, các kết luận thanh tra chậm được ban hành. Ông đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ làm rõ nguyên nhân, giải pháp của tình trạng này.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết thời gian qua, tài sản thu hồi chưa cao, đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thanh tra, tập trung chỉ đạo xử lý sau thanh tra. Trong đó, cần tăng cường vai trò của thủ trưởng cơ quan Nhà nước, tăng cường lực lượng làm công tác sau thanh tra.
Về vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ thống nhất với đánh giá này, thậm chí ghi nhận có cuộc thanh tra chậm nhiều năm. Việc này do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, chủ yếu do có phạm vi quy mô thanh tra lớn, nhiều đơn vị, một số quy định pháp luật còn nhiều bất cập. Trong khi đó, lực lượng thanh tra Chính phủ rất mỏng, ý thức trách nhiệm, năng lực còn hạn chế.
-
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) về kết quả xử lý những cá nhân vi phạm, nhất là để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết 9 tháng đầu năm 2022, các cơ quan đã xử lý hành chính hơn 1.700 tổ chức và gần 4.850 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 76 vụ với 93 đối tượng.
Theo ông Phong, quy định của luật cán bộ công chức nêu rõ thẩm quyền kỷ luật cán bộ công chức do người đứng đầu quản lý tiến hành theo phân cấp quản lý và thông qua hội đồng kỷ luật. Cơ quan thanh tra không có quyền xử lý kỷ luật cán bộ, công chức mà chỉ kiến nghị cơ quan quản lý cán bộ, công chức tiến hành kiểm điểm, xử lý.
Tuy nhiên, ông thừa nhận quy định về thời hiệu xử lý cán bộ trong kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính chưa đồng nhất, ví dụ mức khiển trách có thời hiệu 5 năm về mặt Đảng, 2 năm về hành chính; cảnh cáo kỷ luật Đảng 10 năm, hành chính 5 năm. Do đó, một số trường hợp đã bị kỷ luật Đảng nhưng khi xem xét kỷ luật hành chính thì đã hết thời hiệu.
“Tôi được biết Chính phủ đang xem xét trình Quốc hội sửa đổi bổ sung nội dung này và ngay đầu kỳ họp đã trình ban hành Nghị quyết để đồng nhất giữa kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính”, theo Tổng thanh tra Chính phủ.
-
Có cán bộ vòi vĩnh dân để vụ lợi
ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) hỏi về tiêu cực trong thực hiện thủ tục hành chính nhưng công cụ kiểm soát chưa có. Ông chất vấn Tổng Thanh tra về thực trạng và giải pháp xử lý loại tham nhũng, tiêu cực này.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết vẫn còn tình trạng công chức, viên chức gây phiền hà, phổ biến là việc cố tình kéo dài thời gian trả lời người dân hoặc trả lời chung chung, không đúng trọng tâm để người dân phải đi lại nhiều lần.
"Thậm chí nhiều người còn vòi vĩnh để vụ lợi. Nhiều thủ tục còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó, một số ngành vẫn còn hiện tượng có giấy phép con", Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong nói.
-
Kinh phí rất eo hẹp, Thanh tra Chính phủ phải cắt giảm nhiều thứ
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nêu thực trạng ngân sách Nhà nước đã bảo đảm cho các hoạt động thanh tra và thanh tra lại được trích một phần thu hồi việc phát hiện sau thanh tra. Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 5 năm qua 2016-2022, Thanh tra Chính phủ đã được thụ hưởng 388 tỷ đồng.
Ông Hoàng Anh đặt câu hỏi về việc thanh tra sử dụng và đánh giá việc trích lập, sử dụng kinh phí này.
Trả lời, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết việc thu hồi kinh phí sau thanh tra được Chính phủ quy định tỷ lệ theo từng mức độ, số lượng cuộc thanh tra. Kinh phí này phục vụ cho việc đầu tư trở lại, mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất của lực lượng thanh tra các cấp, đồng thời động viên, khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong kết quả thanh tra.
"Từ ngày tôi về làm Tổng thanh tra Chính phủ, nguồn kinh phí cho việc trích này cũng như tính toán của Bộ Tài chính là rất eo hẹp, chúng tôi phải cắt giảm rất nhiều như hội nghị, tiếp khách và đặc biệt là đi nước ngoài, rất đắn đo và suy nghĩ, tập trung cho việc mua sắm, nhất là phương tiện ôtô", theo Tổng thanh tra Chính phủ.
Ông Phong cho biết định mức cho thanh tra Chính phủ là khoảng 34 xe chuyên dùng đi làm việc nhưng đã mua 10-20 năm. Thời gian qua, đơn vị đã phải tự mua sắm và cho đến nay mới mua được khoảng 9 xe, phấn đấu thay thế những xe đã quá khấu hao, không đảm bảo an toàn giao thông.
-
Đang tiến hành thanh tra lĩnh vực xăng dầu
Đặt thêm vấn đề nhiều cây xăng ở Hà Nội và TP.HCM không bán hoặc bán rất ít, giới hạn chỉ 500.000-600.000/ôtô đã gây bức xúc cho người dân, đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị thanh tra Chính phủ cho biết đã thanh tra đột xuất tình hình cung ứng xăng dầu ở hai thành phố này chưa. Ông cũng dành câu hỏi này cho Bộ trưởng Công Thương.
Trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết vừa qua, đơn vị thực hiện Nghị định Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng giao cho thanh tra tiến hành thanh tra về kinh doanh xăng dầu. Hiện, Tổng thanh tra Chính phủ đã và đang tiến hành công tác thanh tra đối với lĩnh vực này, góp phần cùng Bộ Công Thương chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần khắc phục để đảm bảo bình ổn giá xăng dầu.
-
Rà soát việc cán bộ thanh tra giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) hỏi về tình trạng vi phạm đạo đức công vụ và hỏi đánh giá của Tổng thanh tra Chính phủ về đạo đức công vụ của cán bộ thanh tra.
Ông Đoàn Hồng Phong nhận định cán bộ thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra nói chung đã cơ bản thực hiện quy định về đạo đức công vụ, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế bất cập, đặc biệt vụ thanh tra Bộ Xây dựng ở Vĩnh Phúc và một số vụ nhiều năm trước. Dư luận cũng đánh giá cán bộ thanh tra còn phiền hà, nhũng nhiễu để vụ lợi cá nhân.
Ông Phong dẫn lại nhận xét của Chủ tich nước về tình trạng cán bộ thanh tra dễ dãi, giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra và khẳng định sẽ rà soát, sửa đổi tình trạng này.
-
Hiệu quả của các cuộc thanh tra đột xuất thường tốt hơn
Đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) dẫn lại câu trả lời trước đó của Tổng thanh tra Chính phủ cho biết đơn vị đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất, phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Ông Minh đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ đánh giá về hiệu lực, hiệu quả của thanh tra đột xuất và giải pháp trong thực hiện thanh tra đột xuất thời gian tới, nhằm góp phần vào công cuộc phòng chống tiêu cực nhưng vẫn đảm bảo không làm ảnh hưởng đến các đối tượng bị thanh tra.
Trả lời, ông Đoàn Hồng Phong cho biết việc thanh tra đột xuất đã tập trung cao độ, khẩn trương. Có thể nói, những thanh tra đột xuất là cuộc thanh tra do Ban Chỉ đạo, Thủ tướng chỉ đạo nên hiệu lực, hiệu quả cần đảm bảo hơn.
“Có những cuộc thanh tra như về Covid-19, Bảo hiểm Y tế theo ý kiến của Ban Chỉ đạo, tôi trực tiếp hàng tuần phải nghe cùng Phó tổng thanh tra để báo cáo khi đã kết thúc thanh tra trực tiếp. Hiệu lực, hiệu quả các cuộc này thường tốt hơn”, theo Tổng thanh tra Chính phủ.
-
Thanh tra không được nhận tiền, giao lưu với đối tượng thanh tra
Giơ biển tranh luận, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) cho biết Tổng Thanh tra Chính phủ chưa trả lời chất vấn về số lượng cán bộ công chức, viên chức trong ngành thanh tra và quan điểm của ông về đạo đức công vụ của cán bộ ngành thanh tra.
Đại biểu chất vấn thêm: “Tại sao lại Thanh tra Chính phủ có 408 cán bộ công chức chỉ có hơn 200 cán bộ trực tiếp làm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết vấn đề tham nhũng?”.
Trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết cán bộ trong ngành thanh tra đã chấp hành quy định của Đảng và Nhà nước về đạo đức công vụ. Tuy nhiên, có một số trường hợp chưa chấp hành đầy đủ, còn xảy ra sai phạm, điển hình như vụ thanh tra ở Bộ Xây dựng, sự cố đoàn thanh tra ở Vĩnh Phúc.
Ông Phong cũng nhắc lại cách đây 20 năm, chính ở Thanh tra Chính phủ có nhiều vụ việc vi phạm đạo đức công vụ, nhận hối lộ và bị xử lý hình sự.
Từ thực tế đó, Thanh tra Chính phủ đã có nhiều biện pháp nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ ngành thanh tra như ban hành 5 chuẩn mực đạo đức của ngành thanh tra, văn hóa công sở. Vào tháng 7 vừa qua, trên cơ sở sự giám sát của Ủy ban kiểm tra Trung Ương, Thanh tra Chính phủ đã ban ngành Nghị quyết 45, quy định nâng cao chất lượng và tiến độ kết luận thanh tra, quy định các điều nghiêm cấm cán bộ thanh tra không được làm như không được nhận tiền, không được giao lưu với đối tượng thanh tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ mong cử tri cả nước giám sát hoạt động của các đoàn thanh tra tại địa phương.
Sắp tới, ông Phong cho biết cơ quan này sẽ ban hành quy chế tổ chức hoạt động của đoàn thanh tra để đề cao trách nghiệm và ngăn chặn sai phạm trong ngành thanh tra.
Về vấn đề có hơn 200 trên tổng số 400 cán bộ làm công tác thanh tra, TTCP cho biết ngoài những cán bộ thanh tra trực tiếp, những cán bộ còn lại làm công tác tham mưu như văn phòng, vụ kế hoạch tổng hợp, vụ tổ chức cán bộ. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, con số này đã được tính toán và tổ chức chính xác.
-
Đứt gãy nguồn cung xăng dầu ở những TP lớn, đông dân cư
Được người điều hành phiên chất vấn đề nghị làm rõ thêm tình trạng nhiều cây xăng ở Hà Nội và TP.HCM không bán hoặc bán nhỏ giọt, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đã báo cáo tình hình, nguyên nhân, đề xuất giải pháp trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội hôm 22/10 và "giải pháp đến giờ này vẫn còn nguyên giá trị".
Theo Bộ trưởng, những ngày qua, tình hình xăng dầu trên toàn thế giới và trong nước tiếp tục có những diễn biến mới. Nguồn cung cho xăng dầu của thế giới ngày càng khan hiếm bởi những ngày qua châu Âu và các nền kinh tế lớn gia tăng thu mua lượng dầu hiện có từ các nguồn cung chính là OPEC+ và Nga.
Ngoài ra, khó khăn đến từ việc sắp đến ngày 25/11 là ngày phương Tây áp lệnh trừng phạt lần thứ 8 lên Nga và cấm tuyệt đối việc mua bán xăng dầu của Nga đối với những nước thuộc điều chỉnh của phương Tây.
Bộ trưởng cũng cho biết tỷ giá ngoại tệ mạnh để có thể nhập khẩu được lượng xăng dầu như USD và Euro liên tục thay đổi đều tăng 0,75% trong tuần qua. Dự báo, tỷ giá này có thể tiếp tục điều chỉnh trong một vài tuần tới lên tới ngưỡng 4,25% đối với đồng USD và ngưỡng trên dưới 5% với đồng Euro. Đây là những khó khăn cho những doanh nghiệp nhập khẩu.
Khó khăn thứ ba, theo ông Diên, việc tiếp cận vốn ngoại tệ để được bảo lãnh nhập, hỗ trợ thanh toán của các doanh nghiệp đầu mối và phân phối còn khó khăn do nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của các ngân hàng.
"Do đó, tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung trong hệ thống tiếp tục diễn ra nhiều nơi, nhất là những thành phố lớn tập trung đông dân cư", Bộ trưởng Công Thương lý giải.
Thông tin Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành chức năng vào cuộc, ông Diên cho biết chiều qua, Bộ Tài chính đã có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công Thương. Cùng lúc đó, Bộ Công Thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài Chính.
Bộ trưởng Công Thương cho biết nếu không có thay đổi lớn, trong kỳ điều hành 11/11, những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật và đây là tháo gỡ tương đối tốt. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo cụ thể cho các ngân hàng thương mại xem xét giải quyết một cách cụ thể cho các doanh nghiệp đang khó khăn trong tiếp cận vốn và bảo lãnh khi thanh toán.
-
Không cấp thêm giấy phép kinh doanh xăng dầu, chỉ cấp đổi
Dùng quyền tranh luận với Bộ trưởng Công Thương, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề cập đến thị trường xăng dầu và cho rằng thị trường này đang hỗn loạn.
Dẫn Nghị định 95/2021 quy định giá xăng dầu lấy bình quân giá thế giới 10 ngày trước để tính cho giá trong nước 10 ngày sau, ông Trí cho rằng chênh lệnh 20 ngày không hợp lý.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng Bộ Công Thương thời gian qua đã cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu tràn lan và việc quá nhiều đầu mối xăng dầu dẫn đến tình trạng khó quản lý.
Làm rõ thêm vấn đề, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết vì thị trường xăng dầu rất dị biệt nên đã bộc lộ khiếm khuyết trong quy định hiện hành. Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu sửa Nghị định 95, nhưng cần xác định dù cố gắng đến đâu thì quy định pháp luật cũng sẽ có độ trễ so với thực tiễn.
Về vấn đề cấp phép đơn vị kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương khẳng định từ khi ông nhậm chức bộ trưởng đã thống nhất không cấp thêm, chỉ cấp đổi giấy phép. Nhưng thực tế còn nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện và hàng chục bộ hồ sơ vẫn đang đặt trên bàn chờ xem xét.
Theo ông Diên, sắp tới, Bộ Công Thương phải sắp xếp lại hệ thống, từ đầu mối đến đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Bộ sẽ nghiên cứu, tham mưu để cấp có thẩm quyền điều chỉnh. Nếu 10 ngày không phù hợp thì phải rút xuống 5 ngày hoặc điều chỉnh theo ngày.
-
Điều chỉnh thời hạn kết luận thanh tra
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) nhắc đến việc chậm ban hành kết luận thanh tra và đề nghị cho biết những giải pháp đã và đang triển khai để khắc phục.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết giải pháp cho vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra sẽ có ở dự Luật Thanh tra sửa đổi. Dự luật đã điều chỉnh thời hạn kết luật thanh tra theo các mức 30 ngày, 20 ngày và 10 ngày.
Theo tình hình hiện nay, toàn bộ cuộc thanh tra khi dự thảo kết luận thì phải báo cáo Thủ tướng và xin ý kiến bộ ngành, đối tượng được thanh tra. Nhưng tới đây, việc báo cáo dự thảo kết luận thanh tra chỉ áp dụng với các cuộc thanh tra lĩnh vực quốc phòng an ninh, những cuộc có yêu cầu thực tế trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo. Chậm nhất 30 ngày từ khi cơ quan thanh tra báo cáo dự thảo, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước phải có ý kiến.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định các trường hợp để lọt lộ, không chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra thì phải xử lý từ trưởng đến phó đoàn thanh tra. Các hành vi nhận quà, tiền, giao lưu ăn uống với đối tượng thanh tra, bỏ lọt sai phạm khi thanh tra… cũng bị cấm dưới mọi hình thức.
-
Thu hồi đất theo kết luận thanh tra gặp nhiều khó khăn
ĐB Nguyễn Thị Thanh Mai (Hà Nội) chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong hoạt động thanh tra. Bà cũng hỏi về vướng mắc liên quan đến giá đất, đặc biệt trong những sự việc theo kết luận của thanh tra phải tính lại tiền đất do không thông qua hoạt động đấu thầu, đấu giá.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết trong thời gian qua, việc xác định lại và thu hồi đất theo kết quả thanh tra, kiểm tra bản án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Để giải quyết vấn đề này, theo Quyết định 153 của Thủ tướng, các địa phương có khó khăn vướng mắc cần báo với Chính phủ để giao các bộ ngành liên quan rà soát và báo cáo với Ban cán sự Đảng chính phủ, rồi trình với Bộ Chính trị để cho ý kiến chỉ đạo. Sau đó, trình với Quốc hội để đưa ban hành nghị quyết đặc thù để giải quyết vướng mắc.
Về trách nhiệm nêu gương của bản thân, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định mình luôn có trách nhiệm thực hiện tinh thần nêu gương từ việc lãnh đạo chỉ đạo; chú trọng xem xét giải quyết khiếu nại của công dân, trực tiếp tham gia tiếp công dân tại Ban tiếp dân Trung ương…
-
Thanh tra lại kết quả thanh tra nếu phát hiện tiêu cực
Tranh luận với Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị làm rõ cơ chế thanh tra lại các đoàn thanh tra trong tình huống pháp hiện ra vấn đề tiêu cực.
Về vấn đề này, ông Đoàn Hồng Phong cho biết trong luật chưa quy định cụ thể. Thực tế khi có yêu cầu của cơ quan chức năng, như vừa qua Bộ Công an có làm một số vụ việc, Thủ tướng có giao thanh tra lại. “Đó là thanh tra lại kết quả thanh tra chứ không thanh tra lại hoạt động thanh tra”, ông Phong nói.
Để khắc phục việc này, ông Phong cho biết đã được ban hành để chấn chỉnh lại hoạt động thanh tra. Đây là giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực tham nhũng của các đoàn thanh tra.
Theo ông Phong, dư luận cũng có phản ánh dấu hiệu tiêu cực tham nhũng của các đoàn thanh tra, kể cả thanh tra Chính phủ nên ông mong sẽ nhận được những phản ánh trực tiếp từ cử tri.
-
Tổng Thanh tra lý giải việc chậm ban hành kết luận thanh tra
Chưa thỏa mãn với phần trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Lê Thanh Vân tiếp tục tranh luận về việc chậm ban hành kết luận thanh.
Ông Đoàn Hồng Phong thừa nhận có tình trạng này, do cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Trước hết, ông Phong lý giải do nhiều cuộc thanh tra có quy mô lớn, liên quan nhiều ngành nhiều cấp, tính chất phức tạp, thậm chí nhiều cuộc liên quan đến sự ổn định và phát triển của nền kinh tế… Vì thế, theo ông Phong, cần xem xét kỹ lưỡng, thận trọng về kết luận thanh tra. Do đó, mất nhiều thời gian.
Nguyên nhân thứ hai, ông Phong cho rằng việc áp dụng các quy định của pháp luật khi ban hành kết luận cũng mất nhiều thời gian để nhận định đúng - sai.
Thứ ba, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, do khối lượng thanh tra lớn, nhiều cuộc thanh tra đột xuất, nhất là theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, của Chính phủ, Thủ tướng. “Lực lượng thanh tra có hạn nên việc thực hiện kết luận cũng có khó khăn. Đặc biệt, còn có nguyên nhân do ý thức trách nhiệm của một số thành viên đoàn thanh tra”, ông Phong nói.
Ông cho biết vừa rồi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã giám sát và đánh giá Thanh tra Chính phủ có 15 cuộc chậm ban hành kết luận thanh tra.
-
Chưa phát hiện tiêu cực trong các cuộc “thanh tra treo”
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho biết hiện còn nhiều cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành đã quá thời hạn theo quy định, có những cuộc là trên 5 năm, như vậy là gấp hơn 10 lần thời gian tối đa cho phép nhưng chưa ban hành được kết luận.
Ông Thắng đề nghị Tổng Thanh tra cho biết những cuộc thanh tra này là do không kết luận được hay là do lý do nào khác và có hay không tiêu cực trong các cuộc thanh tra treo này. Tổng Thanh tra sẽ làm gì để kết luận được các cuộc thanh tra này?
Trả lời, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thẳng thắng thừa nhận hiện Thanh tra Chính phủ còn một số cuộc thanh tra chậm từ nhiều năm trước. Các cuộc thanh tra này được ông Phong khẳng định có thể ban hành được kết luận đồng thời tính đến nay “chưa phát hiện tiêu cực trong các cuộc thanh tra này”.
Về giải pháp, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết cơ quan này đang nghiên cứu dự thảo sửa đổi Luật Thanh tra, trong đó sẽ điều chỉnh thời gian xây dựng báo cáo thanh tra và dự thảo kết luận thanh tra gồm 3 mức: 10, 20 và 30 ngày.
Việc báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước chỉ quy định trong 3 trường hợp: Thanh tra liên quan an ninh quốc phòng; thanh tra do Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực đối với Thanh tra Chính phủ và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với tham nhũng cấp tỉnh và thực hiện khi có ý kiến chỉ đạo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan Nhà nước.
Theo ông Phong, trưởng, phó đoàn thanh tra, thủ trưởng cơ quan chủ trì thanh tra, người ra quyết định thanh tra, thành viên đoàn thanh tra, người giám sát, thẩm định kết quả thanh tra phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Đồng thời nghiêm cấm các thành viên đoàn thanh tra nhận quà, tiền, giao lưu ăn uống dưới mọi hình thức để bỏ lọt, bỏ qua vi phạm.
-
Sắp trình Bộ Chính trị quy định kiểm soát quyền lực trong thanh tra
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) về việc xây dựng lực lượng thanh tra liêm chính, ông Đoàn Hồng Phong cho biết trọng tâm nhất là nâng cao đạo đức công vụ. Cơ quan này đã ban hành nhiều văn bản để đảm bảo cán bộ tuân thủ quy định, chí công, vô tư.
Ngoài ra, ban hành quy trình chặt chẽ, giám sát thành viên đoàn thanh tra trong việc tuân thủ đạo đức công vụ.
Theo ông Phong, Thanh tra Chính phủ cũng thực hiện sẽ đề xuất sửa đổi Luật Thanh tra để quy định rõ hơn quyền hạn của công chức, đảm bảo công khai, minh bạch. "Sắp tới sẽ trình Bộ Chính trị quy định kiểm soát quyền lực trong thanh tra", ông Phong cho hay.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng thông tin sẽ có quy chế tổ chức đoàn thanh tra, quy định trách nhiệm trong thanh tra. Đồng thời với đó, cơ quan này sẽ rà soát và hoàn thiện quy tắc ứng xử đạo đức; tăng cường kiểm tra giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm nếu có sai phạm.
-
Luật Đất đai sửa đổi được kỳ vọng giúp giảm sai phạm về đất đai
Trả lời đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) về trách nhiệm công tác thanh tra trong quản lý và sử dụng đất đai, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đồng tình trong lĩnh vực này phát sinh nhiều sai phạm.
Ông cho biết sắp tới, cơ quan này sẽ đề nghị nghiên cứu nghiên cứu rà soát những bất cập trong sử dụng và quản lý đất đai để sửa đổi. Đặc biệt, Luật Đất đai sửa đổi được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể những kẽ hở về pháp luật.
Ngoài ra, Chính phủ sẽ chấn chỉnh quản lý về đất đai; hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai; đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là đăng ký đất đai, đăng ký quyền sử dụng đất; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhằm ngăn chặn hành vi lãng phí tài sản Nhà nước.
-
Thời gian thu hồi kéo dài khiến tài sản tham nhũng dễ bị tẩu tán
Chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp hỏi về tình trạng "giơ cao, đánh khẽ" trong một số vụ thanh tra, đồng thời muốn Tổng Thanh tra nói thêm về nguyên nhân chậm thu hồi tài sản tham nhũng cũng như giải pháp cho việc này.
Trả lời, ông Đoàn Hồng Phong thừa nhận thời gian qua có một số đoàn thanh tra, nhất là ở các bộ ngành, địa phương khi thanh tra đã có kết luận chưa đúng bản chất vi phạm.
Nguyên nhân được nêu ra là ý thức chấp hành kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ của trưởng, phó đoàn và thành viên đoàn thanh tra chưa cao; năng lực trình độ một số cán bộ thanh tra chưa đảm bảo đồng thời cơ sở chính sách còn bất cập dẫn đến khi áp dụng xử lý kết luận thanh tra “cùng một vấn đề có cách hiểu khác nhau, khó phân định đúng - sai”…
Ông Phong lấy ví dụ cuộc thanh tra phòng, chống Covid-19 trên diện rộng, ngoại trừ vụ việc của Công ty Việt Á do Bộ Công an làm, Thanh tra Chính phủ trực tiếp làm 3 cuộc tại Bộ Y tế, Hà Nội và TP.HCM còn lại các cuộc thanh tra do 19 bộ và 61 tỉnh, thành phố làm.
Tuy nhiên trong 30 vụ việc chuyển cho cơ quan điều tra, chủ yếu là ở 3 cuộc do Thanh tra Chính phủ thực hiện, còn lại 19 bộ và 61 tỉnh, thành phố chỉ có 2-3 vụ việc.
Ông Đoàn Hồng Phong cũng nêu 5 nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt kỳ vọng như: Pháp luật còn nhiều vướng mắc, thiếu quy định về cưỡng chế, chế tài xử lý sau thanh tra; người phải thi hành không có tài sản hoặc tài sản đảm bảo thấp hơn nhiều so với khoản phải thi hành; thời gian giải quyết kéo dài dễ bị tẩu tán, che giấu; tính pháp lý của tài sản chưa rõ ràng; việc phối hợp giữa các cơ quan thu hồi tài sản còn hạn chế.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.