Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

'Sao Việt Nam phải tạo ra một Thung lũng Silicon nữa?'

Linda Rottenberg, nhà sáng lập mạng lưới Endeavor Global, cho rằng một hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam sẽ không phải và không nên là mô hình "copy" từ Mỹ hay Trung Quốc.

thung lung silicon viet nam anh 1thung lung silicon viet nam anh 2

"10 năm nữa, khi chúng ta nhìn lại thời điểm này, thay vì những mô hình copy từ Thung lũng Silicon hoặc từ Trung Quốc, tôi nghĩ rằng các bạn sẽ thấy điều ngược lại. Chúng ta sẽ thấy những sáng tạo mới, trong lĩnh vực fintech, edtech, healthtech và các lĩnh vực khác ở Đông Nam Á được mang ngược trở lại nước Mỹ".

Từng được bầu chọn vào danh sách "Người tiên phong thế kỷ 21" của tạp chí Time, "Nhà lãnh đạo tốt nhất Mỹ" của US News, Linda Rottenberg là cái tên nổi tiếng trong cộng đồng khởi nghiệp. Với tư cách đồng sáng lập kiêm CEO của Endeavor Global - tổ chức chuyên tuyển chọn và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp tạo hiệu quả cao, bà Rottenberg đã dẫn dắt phong trào khởi nghiệp toàn cầu trong hơn hai thập kỷ qua.

Mới đây, 4 doanh nhân Việt Nam đã gia nhập mạng lưới Endeavor toàn cầu sau khi trả qua quá trình tuyển chọn gắt gao. Zing.vn có cuộc trò chuyện với bà Rottenberg nhân dịp bà công tác tại TP.HCM để tìm hiểu những gì Endeavor có thể làm để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, cũng như việc làm sao để Việt Nam có thể xây dựng một "Thung lũng Silicon" trong tương lai.

thung lung silicon viet nam anh 3

- Xin chào "La Chica Loca" (cô gái điên rồ)! Dường như biệt danh này của chị đã xuất hiện từ khi Endeavor ra đời cách đây 22 năm?

- (Cười) Đúng là điên rồ đó. Tôi thành lập Endeavor vào năm 1997, khi đồng baht của Thái sụp đổ. Khi đó, không ai nghĩ sẽ có người nào đứng ra khởi nghiệp trong các thị trường mới nổi. Thậm chí không có từ nào nghĩa là "entrepreneur" (tạm dịch trong bài: nhà khởi nghiệp) trong tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Bahasa Indonesia, Arab, Thổ Nhĩ Kỳ hay bất cứ ngôn ngữ nào. Thực tế một trong những việc chúng tôi làm đầu tiên đơn giản là giúp phổ biến phổ biến từ này trong tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và những nơi khác.

thung lung silicon viet nam anh 4

Song người ta cũng nghĩ là thậm chí nếu có các nhà khởi nghiệp, nhìn vào những gì đang diễn ra ở Thái Lan đi, điều này thật điên rồ - đây là thời điểm tệ nhất để xuất hiện ở các thị trường mới nổi. Tôi lại nghĩ là khi nền kinh tế đi xuống thì các nhà khởi nghiệp nổi lên và thực tế đây là thời điểm tốt nhất để xuất hiện ở các thị trường này.

Sau hơn 20 năm, Endeavor giờ đây đã hỗ trợ cho gần 1.900 công ty, được tuyển chọn từ 60.000 công ty. Họ bắt đầu ở quy mô địa phương nhưng sau đó đã trải qua quá trình tuyển chọn quốc tế của chúng tôi. Chỉ 2% trong số công ty đăng ký trở thành thành viên của mạng lưới Endeavor, vì vậy người ta có câu gia nhập Endeavor còn khó hơn bước vào Trường Kinh doanh Harvard.

- Sau hơn 20 năm, câu chuyện khởi nghiệp đã có gì khác trước?

- Điều đã thay đổi là trước đây các nhà khởi nghiệp thực sự không có cách nào tiếp cận các lãnh đạo doanh nghiệp ở nước họ. Những gia đình hàng đầu trong giới kinh doanh không biết đến những nhà khởi nghiệp này. Cách đây 20 năm cho đến cách đây 10 năm, một trong những việc mà Endeavor làm là giúp các nhà khởi nghiệp tiếp cận với những người có thể cố vấn cho họ tại địa phương.

Giờ đây, hầu hết nhà khởi nghiệp mà chúng tôi hỗ trợ đều đã có kết nối tại địa phương, họ đều đã có vị trí nhất định trong ngành với quy mô công ty từ 500 đến 1.000 nhân viên, doanh thu từ 20, 50 đến 100 triệu USD. Vậy điều đầu tiên Endeavor làm là tổ chức theo chiều dọc để cộng đồng fintech (công nghệ tài chính), cộng đồng khởi nghiệp có thể gặp nhau.

Điều đặc biệt là bạn thường sẽ thấy khó khăn để nói về thị trường vì bạn lo ngại sự cạnh tranh. Tôi vừa nói chuyện với một trong những nhà khởi nghiệp fintech và thấy là những gì đang diễn ra ở Nigeria, Brazil, Mexico rất giống những gì đang diễn ra ở Việt Nam: thị trường truyền thống bị lũng đoạn. Nhưng ở Endeavor, các nhà khởi nghiệp không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp nên có thể thoải mái nói chuyện về việc họ nhìn thấy gì từ những sai lầm của họ hay họ rút ra được những bài học gì. Họ sẽ có thể thúc đẩy việc kinh doanh của mình mà không cần lo lắng rằng sẽ bị giành mất thị phần.

Vì vậy mà chúng tôi có một chương trình gọi là Endeavor Outliers dành cho top 10% nhà khởi nghiệp Endeavor. Họ có những cuộc gặp tại Thung lũng Silicon, gặp nhau trên mạng trong những cộng đồng nhỏ để chia sẻ kinh nghiệm. Chúng tôi có một nền tảng gọi là Endeavor Open nơi bất cứ nhà khởi nghiệp nào của Endeavor đều có thể liên hệ với bất cứ ai họ muốn để mở rộng thị trường và nếu họ muốn tiếp cận với một chuyên gia về nhượng quyền hay nhân sự hay marketing.

Điều chúng tôi làm là trở thành một nguồn tài nguyên cho các nhà khởi nghiệp tùy ý khai thác dựa trên nhu cầu của họ, nếu họ muốn gọi vốn chúng tôi sẽ giúp họ gọi vốn, nếu họ muốn các khóa học về lãnh đạo doanh nghiệp, Endeavor có các chương trình tại Trường Kinh doanh Harvard, Trường Kinh doanh Stanford được thiết kế cho các nhà khởi nghiệp. Do đó, đây là chuyện giúp họ tiết kiệm được thời gian thay vì đẩy họ vào một chương trình cụ thể.

thung lung silicon viet nam anh 5

- Theo chị, liệu một người sẽ cần những gì để có thể khởi nghiệp? Một ý tưởng nảy sinh trong khi đang tắm?

- Một trong những điều tôi thích thú khi hỗ trợ những nhà khởi nghiệp ở các thị trường mới nổi thay vì ở Thung lũng Silicon là người ta đang thực sự giải quyết những "điểm nhức nhối" (pain point). Họ đang sử dụng công nghệ để tạo ra các nền tảng và giải pháp có thể mở rộng. Họ đang giải quyết các "điểm nhức nhối" của việc thiếu hạ tầng, thiếu khả năng tiếp cận. Ở Silicon, họ đang tìm cách nào để giúp giao nhận pizza nhanh hơn, tạo ra các ứng dụng hẹn hò, các game thế hệ tiếp theo. Đó là điều đầu tiên, họ muốn áp dụng công nghệ để cải thiện cuộc sống người dân cũng nhiều như mong muốn tạo ra các công ty lớn.

- Trong cuốn sách xuất bản cách đây 5 năm, chị viết rằng từ "khởi nghiệp" đang bị lạm dụng. Chị có thể nói rõ hơn không?

- Tôi đã cố tỏ ra khiêu khích (cười). Tôi không nghĩ lạm dụng thì tốt hơn là không được tận dụng, nhưng nếu 20 năm trước, tôi đi đến những nơi không ai biết khởi nghiệp là gì và tôi sẽ kể câu chuyện về Steve Jobs và Steve Woziak tạo ra máy tính Apple trong garage, thì người ta nói "điều đó thì có ý nghĩa gì với cuộc sống của chúng tôi, chúng tôi thậm chí còn không có một cái garage". Còn ngày nay, tôi nghĩ mỗi người đều mô tả chính bản thân họ là một nhà khởi nghiệp.

thung lung silicon viet nam anh 6

Lý do nữa tôi nói từ "khởi nghiệp" bị lạm dụng là mọi người quá tập trung vào giai đoạn start-up. Bạn có đầy các vườn ươm khởi nghiệp (incubator), trung tâm hỗ trợ (accelerator) hay tổ chức cấp vốn (funder). Bạn có thể kêu gọi được 20 triệu USD hay 120 triệu USD, nhưng rất khó cho đoạn ở giữa đó. Và, quan trọng hơn cả chuyện vốn là chuyện điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có đến 500 nhân viên hay 1.000 nhân viên, vai trò của bạn thay đổi từ nhà sáng lập thành CEO.

Khi bạn mở công ty với hai người bạn thì cả ba người là đồng sáng lập và mọi thứ rất suôn sẻ, nhưng rồi bạn bắt đầu có những ý tưởng khác, hay có người muốn bán công ty hay có người muốn rút lui, thì bạn phải làm gì.

Đó chính là giai đoạn scale-up, giai đoạn mà các nhà khởi nghiệp thường cảm thấy cô đơn, bế tắc. Và điều chúng tôi làm là giúp họ thoát khỏi sự cô đơn, bế tắc đó.

- Có nghĩa là Endeavor muốn tập trung vào các nhà khởi nghiệp đang ở giai đoạn phát triển, mở rộng thị trường thay vì những người mới chân ướt chân ráo gầy dựng công ty?

- Tôi nghĩ hầu hết mọi người nói về giai đoạn start-up, về số vốn ban đầu mà bạn cần phải kêu gọi được, về thị trường cho sản phẩm, về những khách hàng đầu tiên... và càng về sau thì thử thách sẽ càng thú vị hơn nhiều.

Song tôi cho rằng những cuộc thảo luận về việc làm sao bạn xây dựng đội ngũ cho giai đoạn tiếp theo, làm sao bạn có được sự hỗ trợ đúng đắn cho giai đoạn tiếp theo, làm sao để bạn không tự mãn rằng bạn đang làm rất tốt, làm sao để bạn nhận ra bạn phải giết chính đứa con của mình để đi đến cấp độ tiếp theo... đều là những cuộc thảo luận khó khăn hơn nhiều.

Đó là những điều mà Endeavor làm việc với các nhà khởi nghiệp để thực sự thách thức chính bản thân họ cho giai đoạn tiếp theo, bởi vì nếu không chúng tôi thấy mọi người đạt được một mức nào đó và rồi họ dừng lại.

Tôi nghĩ Endeavor thực sự muốn tìm những người không chỉ có khả năng scale-up và nghĩ lớn, cũng như vận hành một cỗ máy lớn, mà còn có tinh thần "pay it forward" (đền đáp sự giúp đỡ mình nhận được bằng cách đi giúp đỡ người khác). Vì vậy, một trong những điều chúng tôi đang làm là đảm bảo rằng những nhà khởi nghiệp thuộc mạng lưới của chúng tôi sẽ đóng vai trò là cố vấn, hỗ trợ các nhà khởi nghiệp khác.

Tôi nghĩ việc có nhiều người gọi họ là nhà khởi nghiệp là một điều tốt, họ đang bắt đầu làm thứ gì đó, nhưng quan trọng hơn là làm thế nào để bạn đảm bảo việc khuếch đại ảnh hưởng bằng cách thuê thêm nhiều người hoặc bằng việc hỗ trợ, truyền cảm hứng, hướng dẫn và đầu tư vào thế hệ kế tiếp đó. Khi chúng ta nhìn vào hệ sinh thái ở Endeavor, chúng ta nghĩ về việc nhà khởi nghiệp nào có thể tạo ra được ảnh hưởng lớn nhất.

- Chị có thể kể ra một câu chuyện cụ thể ở Endeavor?

- Lấy một ví dụ ở Indonesia, chúng tôi đã chọn ra hai nhà khởi nghiệp, đưa họ đến các thị trường khác trên thế giới, và họ đã hợp tác với các công ty ở Kenya, ở Brazil. Một trong số họ đã tham dự chương trình Leadership Program tại Stanford. Chúng tôi cũng đầu tư cho họ 2 triệu USD. Nhưng trên hết, chúng tôi giúp họ nhìn nhận bản thân không chỉ là những nhà sáng lập điên khùng mà là những người có vai trò trong hệ sinh thái ngành nghề của họ.

Chúng tôi đưa cho họ những lời khuyên nhưng quan trọng hơn là giúp họ thay đổi tư duy để nhìn nhận bản thân là doanh nghiệp toàn cầu thay vì chỉ là doanh nghiệp địa phương. Bản thân tôi cũng vậy, tôi chưa bao giờ tìm thấy cho mình những người cố vấn đầu tư cho tôi hay đưa tôi đến học ở Harvard, nhưng điều mà họ làm là giúp tôi nghĩ lớn, giúp tôi thay đổi tư duy.

thung lung silicon viet nam anh 7

thung lung silicon viet nam anh 8

- Chị có trực tiếp tham gia các các cuộc tuyển chọn của Endeavor trên toàn cầu hay không?

- Tôi không thể trực tiếp tham gia từng cuộc tuyển chọn, dù đó là điều tôi thích làm. Bởi vì tôi nghĩ khi những nhà khởi nghiệp, những người đang ở trong giai đoạn scale-up chứ không phải giai đoạn start-up, và đã làm rất tốt ở thị trường địa phương, gặp gỡ người khác để nói về việc vươn ra khu vực hay thế giới và nhận được những câu hỏi về việc nghĩ lớn hơn, nó giống như việc bộ não được xới tung lên.

Endeavor hoạt động như một tổ chức toàn cầu nhưng chúng tôi có văn phòng đại diện ở mỗi thị trường. Ở đó, việc chúng tôi có được một ban điều hành thực sự hiểu biết về tình hình địa phương là điều rất quan trọng, bởi vì chúng tôi sẽ phải kết hợp những gì tốt nhất trong hệ thống hỗ trợ tại địa phương với đội ngũ cố vấn, đầu tư toàn cầu mà chúng tôi có.

- Chị nghĩ gì về tiềm năng của những công ty Việt Nam vừa gia nhập mạng lưới Endeavor?

- Họ đều đã xây dựng được những doanh nghiệp khá lớn, đúng không? Song họ không dừng tại đó, họ muốn tăng doanh thu lên mười lần, họ muốn phát triển thành những doanh nghiệp tỷ USD. Cho nên tôi nghĩ điều đó gây hứng thú cho tôi. Vì sao?

Một là chúng tôi tìm kiếm những nhà khởi nghiệp thực sự nghĩ lớn. Nhiều lần chúng tôi bắt đầu ở các nước lớn hơn, người ta muốn có được có thể là 50 hay 100 triệu USD, thuộc hàng ngũ công ty lớn rồi, nhưng sau đó họ dừng lại, vì họ thấy thế là ấn tượng rồi. Điều tôi thấy ở các chủ doanh nghiệp tại Việt Nam là họ vừa mới bắt đầu đi, đây mới là ngày đầu tiên của họ - tôi thích điều đó.

thung lung silicon viet nam anh 9

Hai là tôi thấy ở một số nước, chẳng hạn như Brazil, Indonesia hay Saudi Arabia, nếu bạn có thị trường lớn như vậy rồi, bạn có thể phát triển chỉ với thị trường địa phương đó thôi. Không ai hứng thú với việc mở rộng ra khu vực. Vì vậy, nếu bạn ở Singapore, Dubai hay Argentina, bạn phải nghĩ đến việc vươn ra khu vực ngay từ khi bắt đầu. Trong khi ở một nơi như Việt Nam, bạn có một thị trường nội địa đủ lớn và bạn chỉ cần phát triển trong nước thôi là được, nhưng họ không nghĩ như vậy.

Tất cả những người tôi nói chuyện đều muốn tiếp tục phát triển ở thị trường trong nước nhưng cũng tin rằng vẫn có không gian để những công ty ra đời ở Việt Nam thực sự trở thành người chơi khu vực.

Khi chúng ta nhìn về 5 năm tới, chúng ta sẽ thấy nhiều công ty ra đời tại Việt Nam hiện diện ở Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore và những nơi khác.

- Chị có nghĩ rằng Việt Nam có thể tạo ra một Thung lũng Silicon?

- Bạn biết không, tôi nghĩ nó sẽ khác với Thung lũng Silicon. Nào, tôi có nghĩ rằng sẽ có những điểm giống nhau giữa startup ở Việt Nam với startup trên thế giới hay không? Chắc chắn. 100%. Nhưng tôi có nghĩ là nó sẽ giống hệt với Thung lũng Silicon? Không. Và đó có phải là điều tệ không? Không.

Nếu bạn nhìn vào Thung lũng Silicon ở thời điểm hiện tại, nhìn vào San Francisco, thành phố đang có tình trạng người vô gia cư nghiêm trọng, bạn sẽ thấy nó tạo ra những tỷ phú trên giấy, và đẩy những người khác ra khỏi thành phố. Họ cũng có những vấn đề mà họ cần phải nhận ra.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng có rất nhiều nhà khởi nghiệp ở những nơi như Việt Nam cũng như những nơi khác ở Đông Nam Á, Nam Mỹ và Trung Đông; một phần vai trò của họ là thúc đẩy nền kinh tế phát triển, một phần vai trò của họ là nhận ra những khách hàng của mình không có tài khoản ngân hàng hoặc những nhân viên của họ cần dịch vụ chăm sóc sức khỏe và họ đã xây dựng những mô hình kinh doanh, mà theo tôi là đã cân nhắc tới tình hình xã hội. Điều đó không xảy ra ở Thung lũng Silicon.

Vì vậy nên thực sự thì tôi nghĩ rằng, quan điểm của tôi là 10 năm nữa, khi chúng ta nhìn lại thời điểm này, thay vì những mô hình copy từ Thung lũng Silicon hoặc từ Trung Quốc, tôi nghĩ rằng các bạn sẽ thấy điều ngược lại. Chúng ta sẽ thấy những sáng tạo mới, trong lĩnh vực fintech, edtech, healthtech và các lĩnh vực khác ở Đông Nam Á được mang ngược trở lại nước Mỹ.

Có thể bạn không để ý nhưng sự phổ biến của điện thoại thông minh ở những nơi như Việt Nam, Nigeria và Brazil cao hơn là ở Mỹ. Mọi người làm tất cả mọi việc trên điện thoại.

Vì vậy tôi nghĩ rằng, quan trọng là hệ sinh thái nhưng mọi thứ sẽ khác với Thung lũng Silicon, và đó là điều tốt.

thung lung silicon viet nam anh 10

thung lung silicon viet nam anh 11

- Chị nghĩ điều gì là quan trọng để có thể tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam?

- Endeavor có một nhánh phụ trách nghiên cứu, được gọi là Endeavor Insight. Chúng tôi nghiên cứu khoảng hơn 50 thành phố trên toàn thế giới để xác định điều gì làm nên một hệ sinh thái khởi nghiệp.

Nói thì rất đơn giản và rõ ràng, nhưng trên thực tế thì mọi thứ sẽ khó hơn. Cần nhất là phải có từ 3 đến 5 câu chuyện thành công vượt trội, những người sẽ sẵn sàng cho đi và trở thành những nhà đầu tư, trở thành những người dẫn đường, cho phép chính nhân viên của họ bắt đầu khởi nghiệp, chứ không phải những người chỉ biết giữ mọi thứ cho mình.

Đó không phải là những người sẽ nói: "Tôi sẽ xây dựng công ty của riêng tôi, tôi không muốn liên quan, tôi không có thời gian, tôi không có thời gian để hướng dẫn, và nếu bạn là nhân viên của tôi mà bạn khởi nghiệp gì đó thì tôi sẽ không nói chuyện với bạn nữa và coi như bạn đã chết".

Những người đó sẽ chẳng đi đến đâu.

Chúng ta cần có những người thực sự tái đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp, những người mà bạn có thể nhìn thấy họ làm vậy. Chúng tôi đã đi hỏi những người trẻ tuổi khởi nghiệp rằng ai là người tạo cảm hứng cho bạn, ai hướng dẫn bạn, ai đầu tư vào bạn, có phải bạn đã làm việc cho một công ty khởi nghiệp trước đây hay không.

Từ đó chúng tôi sẽ xác định các mối liên hệ, và trên sơ đồ đó, chúng tôi sẽ có những người mà chúng tôi gọi là "big bubble" (bong bóng lớn), những người được coi là điểm kết nối, những người thật sự dính dáng đến hệ sinh thái khởi nghiệp, họ tạo ra tầm ảnh hưởng sâu rộng.

thung lung silicon viet nam anh 12

Tôi muốn nhắc đến Mercado Libre, một trong những công ty đầu tiên của mạng lưới Endeavour, giờ đây trị giá 31 tỷ USD, và là công ty công nghệ có giá trị nhất bên ngoài Mỹ và Trung Quốc bên cạnh Spotify. Nhưng Marcos, nhà sáng lập của Mercado Libre, cũng làm việc trong ban lãnh đạo của Endeavour Argentina, anh ấy đầu tư vào những công ty khác. Anh ấy hướng dẫn những công ty khác, COO (giám đốc vận hành) và CFO (giám đốc tài chính) của anh ấy lập ra quỹ đầu tư mạo hiểm quan trọng nhất Mỹ Latin và anh ấy khuyến khích những người này làm điều đó.

Và tôi nghĩ rằng đó mới là điều quan trọng, và một điều quan trọng nữa là phải tiến ra khu vực hoặc toàn cầu. Những công ty mà chỉ ở lại thị trường của họ, dù là công ty unicorn ("kỳ lân", từ chỉ các công ty trị giá 1 tỷ USD trở lên), vẫn khác với những công ty muốn mở rộng và có cách suy nghĩ mang tính khu vực.

- Liệu có sự khác biệt giữa những nhà khởi nghiệp có sức ảnh hưởng ở thị trường đã phát triển và những người ở thị trường đang phát triển hay không?

- Tôi không nghĩ vậy, bởi vì tôi cho là, ví dụ như ở Nhật Bản hoặc Tây Ban Nha, ở những thành phố cấp 2 ở Mỹ nơi chúng tôi hoạt động, những thách thức là như nhau. Chúng tôi vừa mới mở hoạt động ở Denver, ở Atlanta rồi Detroit và Miami (đều là các thành phố lớn ở Mỹ), và mọi thứ đều như nhau. Mọi người có thể nhận được đầu tư để bắt đầu, mọi người đều có tài năng để bắt đầu và rồi họ được bảo rằng nếu muốn phát triển thêm thì họ cần phải chuyển tới Thung lũng Silicon, điều đó nghe thật lố bịch.

Tại sao, tại sao bạn lại phải chuyển đi? Người ta nói với họ rằng sẽ không thể có được nhân tài để ở lại Atlanta, ở lại Detroit mà có thể tạo ra một công ty đẳng cấp thế giới. Và chúng tôi tự hỏi là, tại sao lại phải thế?

Ở Tây Ban Nha, cho đến nay, chúng tôi đã có một vài nhà khởi nghiệp Endeavor nhận được sự đầu tư đáng kể, nhưng trước đó thì bạn sẽ không thể có được điều đó. Bạn được kỳ vọng sẽ trở thành nhân viên ngân hàng, luật sư hoặc tư vấn viên. Không ai nói với bạn rằng bạn có thể trở thành một người thành công và độc lập, và điều đó thường gặp hơn bạn nghĩ.

- Chị nghĩ các nhà hoạch định chính sách cần làm gì để có thể tạo ra những start-up quy mô lớn?

- Tôi nghĩ là chính phủ cần phải hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân và giảm đi các trở ngại, đó là những điều quan trọng. Hai điều mà chính phủ có thể làm: một là tạo ra một nền tảng, nhắc đến những câu chuyện thành công, và hai là giảm bớt đi những trở ngại để thuê nhân công, để có những hợp đồng và để tiến ra nước ngoài.

Nhưng tôi không nghĩ là chính phủ có thể hoàn toàn chủ động, tôi không nghĩ là các quỹ của chính phủ có thể trở thành quỹ đầu tư mạo hiểm. Vì vậy tôi nghĩ là chính phủ không nên chủ động can thiệp vào việc đầu tư vào các công ty, mà chính phủ nên lắng nghe xem những khó khăn và trở ngại là gì, và làm thế nào để giảm bớt những ma sát này.

- Chị kỳ vọng Việt Nam sẽ có nhiều "kỳ lân" hơn trong tương lai khi Endeavor tham gia vào thị trường chứ?

- Tôi nghĩ rằng điều cần phải nói ở đây là liệu những con "kỳ lân" này có sống sót hay không. Điều tôi tự hào khi bạn nhìn vào những công ty như Mercado Libre là nó đã tồn tại trong 19 năm, và Marcos, nhà sáng lập, vẫn là CEO của công ty. Đó là sức ảnh hưởng, khi có 5.000 người làm việc toàn thời gian, bán sản phẩm của họ trên Mercado Libre. Và tôi nghĩ là ở Mỹ thì cũng có nhiều công ty unicorn chết và chúng tôi không muốn những unicorn đã chết.

Tôi nghĩ thật là tuyệt vời khi mọi người có mục tiêu lớn. Tôi có thấy nhân tài ở đây không? Có. Tôi có nhìn thấy những công ty có thể làm những việc như Grab đã làm, và hướng ra khu vực hay không? Có. Nhưng chúng ta cần phải cẩn trọng, việc đạt được danh hiệu unicorn là một chuyện, và như Uber đã thấy là việc đó rất khó vì đến một lúc nào đó thì công ty của bạn phải có lợi nhuận. Vì vậy tôi nghĩ điều quan trọng là liệu bạn có đang xây dựng công ty đúng cách hay không.

Vì bạn phải xây dựng để tồn tại hơn là xây dựng để được dán một cái mác "tôi là kỳ lân" rồi đâm đầu xuống đất.

Endeavor chính thức có mặt tại Việt Nam từ tháng 11/2018. Mới đây, bốn doanh nhân từ ba công ty Việt Nam đã gia nhập mạng lưới doanh nhân toàn cầu Endeavor, bao gồm: Nguyễn Hải Ninh, nhà sáng lập và phó chủ tịch The Coffee House; Phạm Minh Tuấn, nhà sáng lập và chủ tịch/CEO của Topica, Lương Duy Hoài, đồng sáng lập kiêm CEO của tập đoàn Giao Hàng Nhanh và Nguyễn Trần Thi, đồng sáng lập Giao Hàng Nhanh.

Hiện mạng lưới Endeavor có 1.912 doanh nhân từ 1.195 công ty thuộc 34 thị trường trên toàn cầu, trải rộng từ các khu vực Bắc Mỹ, Mỹ Latin, tới Trung Đông, châu Phi, châu Âu và châu Á. Doanh nhân Endeavor toàn cầu đã tạo ra hơn 3 triệu việc làm và 20 tỷ USD doanh thu trong năm 2018, đồng thời giúp xây dựng các mô hình kinh doanh bền vững trong các quốc gia nơi họ hoạt động.

'Nhiều startup của Việt Nam thiếu hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ'

Ông David Ngô, Phó tổng giám đốc phụ trách về công nghệ tại Trung tâm Công nghệ cao TP.HCM, chia sẻ như vậy khi đề cập đến vấn đề khởi nghiệp ở Việt Nam.

Vũ Mạnh (thực hiện)

Ảnh: Quỳnh Trang; Đồ họa: Như Ý

Bạn có thể quan tâm