“Chúng ta phải kết hợp hài hòa, đừng chỉ thấy có EVFTA là đã có tất cả khi làm việc với Liên minh châu Âu (EU)”, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU Nguyễn Văn Thảo trả lời báo chí vào sáng 13/12, bên lề Hội nghị Ngoại vụ Toàn quốc lần thứ 20.
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) là thỏa thuận thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. Sau hơn một năm có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, EVFTA đã để lại tín hiệu tích cực cho hợp tác kinh tế hai nước.
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo trả lời báo chí vào sáng 13/12. Ảnh: Quốc Đạt. |
Hồi cuối tháng 11, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti từng cho biết hơn 60% doanh nghiệp EU phản ánh đã "được hưởng lợi" từ khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, theo kết quả khảo sát từ EuroCham. Việt Nam cũng hiện là đối tác thương mại đứng thứ 15 của EU, lần đầu vượt qua Singapore, ông Aliberti nói.
Đại sứ Thảo cũng thấy được cơ hội của Việt Nam trong EVFTA. Trong số 4 nước châu Á ký FTA với EU, ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore “không phải đối thủ cạnh tranh với Việt Nam ở một số mặt hàng chúng ta có thế mạnh, đặc biệt là nông - lâm - thủy, hải sản”, theo Đại sứ Thảo.
“Tuy nhiên, EVFTA không chỉ có thuận lợi mà còn nhiều khó khăn”, Đại sứ Thảo ngày 13/12 khẳng định.
Thị trường tiêu chuẩn cao, nhiều thách thức
“Làm việc với EU, thuận lợi cơ bản là chỉ cần hàng Việt Nam vào được một nước trong khối này là sẽ đi được tới 26 nước còn lại. Điều này khác với các hiệp định khác mà Việt Nam đã ký như CPTPP hoặc RCEP”, Đại sứ Thảo nói.
Tuy nhiên, EU là thị trường tiêu chuẩn cao. “Ngoài hàng rào thuế quan còn nhiều hàng rào phi thuế quan khác, như văn hóa tiêu dùng, khoảng cách địa lý, tiêu chuẩn xã hội”, theo Đại sứ Thảo.
Ngoài ra, một bất lợi là khi hàng hóa Việt Nam bắt đầu đổ nhiều vào EU, các rào cản sẽ được dựng lên, các tranh chấp khiếu kiện thương mại sẽ xảy ra. Vì thế, Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, Đại sứ Thảo nhận định.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị Ngoại vụ Toàn quốc lần thứ 20 sáng 13/12. Ảnh: Quốc Đạt. |
Để làm rõ hơn vấn đề, ông Thảo dùng hình ảnh một trận bóng đá để mô tả EVFTA.
“Chính phủ đã tạo ra một sân bóng tốt, luật lệ tốt, nhưng để có trận bóng hay thì cầu thủ phải giỏi, tức sản phẩm phải có tính cạnh tranh, doanh nghiệp cũng cần có đủ năng lực cạnh tranh”, ông Thảo nói.
“Sự phối hợp giữa các doanh nghiệp cũng cần như giữa các cầu thủ trong một đội bóng. Một cầu thủ không thể làm nên chiến thắng, nên các doanh nghiệp phải liên kết với nhau để tạo ra sức mạnh tổng thể”, Đại sứ Thảo nhấn mạnh. “Chúng ta cũng cần biết rõ luật lệ khi bước vào thị trường EU để tránh tổn thất không đáng có”.
Bốn lưu ý cho Việt Nam
Trước câu hỏi các địa phương của Việt Nam cần làm gì để có thể đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại với EU, ông Thảo nhấn mạnh vai trò của “chiến lược” và cách tiếp cận “bài bản, cụ thể”.
Đại sứ Thảo cho rằng đầu tiên, địa phương cần xác định được thế mạnh của mình, cũng như sản phẩm chủ lực nào của mình có thể vào được thị trường EU.
Hội nghị Ngoại vụ Toàn quốc lần thứ 20 diễn ra với chủ đề "Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của địa phương". Ảnh: Quốc Đạt. |
Châu Âu là thị trường tiêu chuẩn cao nên để sản phẩm vào được EU, điều tiếp theo các địa phương cần làm sau khi chọn lựa được lĩnh vực đầu tư và sản phẩm chủ lực là xây dựng kế hoạch tổng thể, nêu rõ điểm mạnh và từng bước cụ thể, theo Đại sứ Thảo.
“Chiến lược này cần được đầu tư thích đáng về con người và kinh phí. Khi triển khai kế hoạch này cần có tầm nhìn dài hạn”, ông Thảo nói.
Đại sứ Thảo cũng nhấn mạnh các địa phương khi hợp tác với EU không nên có tinh thần làm ăn ngắn hạn theo từng hợp đồng, từng thương vụ. “Hơn thế nữa, đó là tính bền vững. Không thể có các thị thường 'hôm nay mở cửa, mai đóng cửa' đối với EU”, ông Thảo nói.
Một lần nữa, Đại sứ Thảo nhấn mạnh sự phối hợp đồng bộ khi hợp tác với EU, đồng thời chỉ ra rằng EU có 27 nước thì Việt Nam đã có 15 cơ quan đại diện trong khối này.
“Đây có thể nói là hệ thống ‘cánh tay nối dài’ của các địa phương để thúc đẩy hợp tác kinh tế với Liên minh châu Âu. Các địa phương cần có phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện của Việt Nam tại EU”, Đại sứ Thảo nói. “Không chỉ vậy, cơ quan đại diện của EU tại Việt Nam cũng là những đầu mối mà địa phương nên bám sát để thúc đẩy hợp tác”.
Một đầu mối khác là hơn 1.000 doanh nghiệp lớn của EU đã và đang hoạt động tại Việt Nam. “Đây là những người đã hiểu Việt Nam, đã làm ăn với Việt Nam và rất dễ tiếp cận”, ông Thảo cho biết.
Không chỉ vậy, sự liên kết giữa địa phương và doanh nghiệp cũng là điều cần thiết vì EU “sẽ không phân biệt cà phê của Đắk Lắk hay của Kon Tum mà chỉ biết đó là cà phê Việt Nam”.
“Vì thế, các địa phương cần có sự liên kết với nhau để cùng xây dựng chương trình tiếp cận EU”, Đại sứ Thảo nhấn mạnh. “(Cách làm này) hiệu quả hơn nhiều”.