“Bất chấp đại dịch, xuất khẩu của Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU) tăng 11% trong 12 tháng đầu sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) được thực thi, và xuất khẩu của EU tăng 12%”, ông Cany ngày 25/11 nói trong lễ công bố Sách Trắng EuroCham 2021. “Đây là khởi đầu rất mạnh mẽ, nhưng mới chỉ là sự bắt đầu”.
Trong khi đó, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho biết Việt Nam hiện là đối tác thương mại đứng thứ 15 của EU, lần đầu tiên vượt qua Singapore.
Có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 sau 10 năm đàm phán, EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU.
EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.
Chủ tịch EuroCham Việt Nam, ông Alain Cany. Ảnh: B.N. |
Bước đầu thành công của EVFTA
Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho biết hơn 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát phản ánh đã "được hưởng lợi" từ khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, theo kết quả một khảo sát gần đây của EuroCham.
“Chúng ta phải công nhận rằng Việt Nam đã thực hiện một số cải cách để tuân thủ với EVFTA”, ông Aliberti nói. “EVFTA đã đưa đến một số kết quả tích cực. Chẳng hạn, Việt Nam hiện là đối tác thương mại đứng thứ 15 của EU, lần đầu tiên vượt qua Singapore”.
Đồng tình với Đại sứ Aliberti, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng cho rằng với những ưu thế của một hiệp định thế hệ mới, EVFTA thực sự là động lực thúc đẩy quan hệ thương mại hai chiều, dù Covid-19 vẫn đang hoành hành.
“Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đã đạt hơn 59 tỷ USD, tăng 1,4% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 41 tỷ USD”, ông Công cho biết.
“Làn sóng đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam ngày càng mạnh mẽ với tổng vốn đăng ký ước đạt 22,2 tỷ USD tính đến ngày 20/8, chiếm 5,55 % tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam”, ông Công nói.
Giorgio Aliberti, Đại sứ EU tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Thuấn. |
Dù vậy, thủ tục hành chính ở Việt Nam trước mắt vẫn gây khó khăn cho một số doanh nghiệp, theo Sách Trắng EuroCham 2021.
“35% doanh nghiệp EU cho rằng các thủ tục hành chính là rào cản lớn khi tận dụng EVFTA”, ông Aliberti nói. “Điều này có nghĩa chúng ta phải đi đến giai đoạn thực thi EVFTA thứ hai”.
Vẫn cần cải thiện môi trường kinh doanh
Hàng năm, EuroCham đều ban hành Sách Trắng - tài liệu tập hợp những kiến nghị để cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường thương mại giữa Việt Nam và EU.
Trong lễ công bố Sách Trắng EuroCham 2021 sáng 25/11, các tiểu ban của EuroCham đã thay mặt doanh nghiệp kiến nghị với cơ quan chức năng của Việt Nam.
John Paul Pullicino, đồng Chủ tịch Tiểu ban Dược phẩm EuroCham, bày tỏ hoan nghênh trước quyết định số 1661/QĐ-TTg gần đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhằm giảm gánh nặng hành chính trong lĩnh vực dược phẩm.
Tuy nhiên, ông Pullicino nhấn mạnh việc “thực thi nhanh” quyết định số 1661 là yếu tố then chốt để tạo điều kiện cho các loại thuốc mới đến với thị trường Việt Nam nhanh hơn.
“Ví dụ, trung bình chúng tôi cần 4-5 năm để được nhận phê duyệt và giấy phép lưu hành lần đầu tiên với loại thuốc mới vào Việt Nam”, ông Pullicino nói. “Thời gian này lâu hơn nhiều so với trung bình khoảng 1,5 năm của ASEAN”.
Đại diện các tiểu ban của EuroCham đưa ra kiến nghị tại lễ công bố Sách Trắng 2021 vào ngày 25/11. Ảnh chụp từ livestream buổi lễ. |
Đối với vấn đề lao động và đào tạo, EuroCham đề xuất Việt Nam cần sớm ban hành hướng dẫn chính thức về việc quốc gia nào được xem là nước nói tiếng Anh bản địa để tạo thuận lợi cho lao động người nước ngoài, vì điều này có tác động lớn tới ngành giáo dục và đào tạo.
Các doanh nghiệp ôtô châu Âu cũng đề nghị Việt Nam sớm tham gia hiệp định UNECE (1958) về quy định kỹ thuật với xe cơ giới, cũng như giảm 50% thuế trước bạ cho xe chạy điện trong khoảng thời gian từ 3-5 năm để khuyến khích sử dụng loại phương tiện này.
“Một rào cản lớn đối với sự phát triển của lĩnh vực hậu cần là tình trạng thiếu kho bãi cho công tác hậu cần, nhất là ở khu vực quanh TP Hồ Chí Minh và Hà Nội”, ông Hans Kerstens, đại diện tiểu ban Vận tải và Hậu cần của EuroCham, nói.
Ông Kerstens còn chỉ ra rằng trong các cuộc tham vấn do hải quan Việt Nam khởi xướng để xác định giá trị hàng nhập khẩu, phía hải quan thường đối chiếu với kho dữ liệu riêng để “thách thức” mức giá do doanh nghiệp khai báo.
Từ đó, ông Kerstens đề xuất chính phủ Việt Nam cho phép các cán bộ hải quan công khai căn cứ đằng sau mức giá trong kho dữ liệu trên cho doanh nghiệp nhập khẩu để giúp quá trình tham vấn giá minh bạch hơn.
Cuối cùng, ông Kersten đề xuất kết quả quá trình tham vấn giá cả nên có giá trị trong 12 tháng, miễn là giá trị khai báo không di chuyển ra khỏi ngưỡng chấp nhận được.