Giới chức các nước châu Âu hy vọng các biện pháp hạn chế mới sẽ khiến những người chưa tiêm “không còn lựa chọn nào khác” ngoài tiêm chủng.
Trong Liên minh châu Âu (EU), Áo là quốc gia quyết liệt nhất. Ngày 15/11, Áo tiên phong áp đặt lệnh phong tỏa đặc thù cho những người chưa tiêm chủng. Giờ đây, Vienna tiếp tục đưa ra chính sách chưa từng có đối với châu Âu: Bắt buộc toàn bộ người đủ điều kiện phải tiêm vaccine từ ngày 1/2/2022.
“Trong thời gian dài vừa qua, tôi và nhiều người khác tin vào khả năng thuyết phục người dân Áo tự nguyện đi tiêm vaccine”, Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg nói.
Nhưng Thủ tướng Schallenberg đã suy nghĩ lại. Ông tuyên bố động thái của chính phủ là “cách thức duy nhất để ngăn chặn vĩnh viễn vòng tuần hoàn giữa các đợt dịch và phong tỏa”.
Các biện pháp hạn chế
Chưa quốc gia EU nào học tập Áo trong việc bắt buộc tiêm chủng. Tuy vậy, nhiều chính phủ đã ban hành thêm các biện pháp hạn chế đối với người chưa tiêm, theo AP.
Nước Áo đã áp đặt lệnh buộc người dân tiêm vaccine từ ngày 1/2/2022. Ảnh: BBC. |
Kể từ ngày 22/11, Slovakia cấm những người chưa tiêm vaccine đến các cửa hàng không thiết yếu và trung tâm thương mại. Các đối tượng này cũng sẽ không thể góp mặt trong các sự kiện công cộng. Để được đi làm, họ phải xét nghiệm hai lần một tuần.
“Đây là biện pháp 'phong tỏa' đối với những người chưa tiêm vaccine”, Thủ tướng Slovakia Eduard Heger cảnh báo. “Một kỳ nghỉ Giáng sinh vui vẻ không có nghĩa là Giáng sinh không có Covid-19”, ông nói. Theo Thủ tướng Heger, để đạt được mục tiêu này, Slovakia cần tăng tỷ lệ tiêm chủng.
Tỷ lệ tiêm đủ hai mũi vaccine của Slovakia mới đạt 45,3% trong 5,5 triệu dân. Hôm 16/11, nước này ghi nhận con số kỷ lục 8.342 ca mắc mới trong ngày.
Tại Cộng hòa Czech, những người chưa tiêm vaccine bị cấm đến nhà hàng, quán bar, tiệm làm đầu, bảo tàng và khách sạn. Chỉ trẻ em từ 12 đến 18 tuổi được miễn áp dụng các biện pháp này.
“Mục đích chính là thúc đẩy người dân tiêm chủng”, Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Czech Adam Vojtech nói. Tỷ lệ tiêm chủng của quốc gia Trung Âu này đang là khoảng 58%.
Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis hôm 18/11 tuyên bố thắt chặt các biện pháp hạn chế với người chưa tiêm chủng, khi số ca mắc mới vẫn ở mức cao.
Kể từ ngày 22/11, chỉ những người đã tiêm chủng được đến những nơi công cộng trong nhà như rạp chiếu phim, nhà hát, quán bar, tiệm làm đầu và phòng gym, kể cả khi có kết quả xét nghiệm âm tính.
Các biện pháp hạn chế mới khiến nhiêu nhà hàng tại Hy Lạp trở nên trống vắng. Ảnh: Anadolu. |
“Đây là hành động trước mắt nhằm bảo vệ người dân, cũng như gián tiếp thúc giục mọi người tiêm vaccine”, ông Mitsotakis nói.
Tại Đức, các thủ hiến bang đã thống nhất nhiều biện pháp để kiềm chế đại dịch, bao gồm hạn chế đối với những người chưa tiêm vaccine và những khu vực có nguy cơ quá tải hệ thống y tế.
“Đây là thời điểm hành động”, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói. Quốc gia Trung Âu này đang xem xét buộc toàn bộ nhân viên y tế tiêm vaccine. Một số chợ Giáng sinh truyền thống tại Đức cũng chỉ mở cửa đối với những ai đã tiêm chủng.
“Cuộc chiến giữa người với người”
Không phải ai cũng đồng tình với các biện pháp hạn chế, kể cả các chính trị gia. Bà Clare Daly, thành viên Nghị viện châu Âu người Ireland, cảm thấy giận dữ. Theo bà, các nước đang xâm phạm quyền tự do cá nhân.
“Các quốc gia đang ngăn chặn những người có khả năng được đi làm việc”, bà phàn nàn. Bà gọi quyết định phong tỏa toàn diện của Áo là “kịch bản khủng khiếp”.
Ngay tại quê hương Ireland, nơi có tỷ lệ tiêm chủng tới 76%, bà Daly cũng cảm thấy những chỉ trích nhằm vào nhóm người chưa tiêm vaccine: “Gần như đang có phát ngôn thù ghét chống lại những người chưa tiêm vaccine”, bà nói.
Một số loại vaccine – như đậu mùa và bại liệt – đã trở thành điều bắt buộc ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy vậy, phong trào chống vaccine vẫn luôn tồn tại trong một bộ phận dân số.
Một cuộc biểu tình chống quy định về vaccine tại Rome, Italy. Ảnh: ABC News. |
Trong tuần qua, khoảng 10.000 người đã tập trung ở thủ đô Prague, Cộng hòa Czech để phản đối các biện pháp hạn chế đối với những người chưa tiêm chủng.
“Không có quyền tự do cá nhân nào là tuyệt đối”, giáo sư Paul De Grauwe tại Trường Kinh tế London (LSE), nói. “Quyền tự do không tiêm vaccine cần được hạn chế để đảm bảo quyền tự do sống khỏe mạnh của những người khác”.
Bên trong châu Âu, tại từng quốc gia, ở các nhóm cộng đồng và thậm chí trong mỗi gia đình, một cuộc chiến ngầm đang nổ ra giữa những người đã và chưa tiêm chủng.
Giáo sư Birgitte Schoenmakers tại Đại học Leuven cho biết một bệnh nhân của bà đã bị bố mẹ đuổi khỏi nhà vì không chịu tiêm vaccine.
“Đây đã trở thành cuộc chiến giữa người với người”, bà than thở.