Tại nhiều thành phố châu Âu, đại dịch lúc này dường như chưa từng tồn tại. Tại Cologne, Đức, hàng nghìn người từng xuống phố dạo chơi để đếm ngược tới 11h ngày 11/11, thời điểm bắt đầu mùa lễ carnival hàng năm, trong khi không khí ở các hàng quán tại Paris và Amsterdam vẫn náo nhiệt như thường lệ.
Nhưng những ngày này có thể sẽ là tiếng hoan hô cuối cùng trong lúc một làn sóng Covid-19 nữa đang quét qua châu Âu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca mắc và số ca tử vong khắp lục địa già đã tăng lần lượt 7% và hơn 10% trong tuần qua, khiến đây là khu vực duy nhất trên thế giới có hai chỉ số này đang tăng. Gần 2/3 số ca mắc mới toàn cầu, khoảng 1,9 triệu ca, là ở châu Âu.
Dù vậy, số ca nhập viện và tử vong ở đây nói chung thấp hơn nhiều so với một năm trước, ngoại trừ ở Trung Âu và Đông Âu - hai vùng có độ phủ vaccine thấp hơn đáng kể.
Do biện pháp phòng dịch ở mỗi nước khác nhau, khó có thể đưa ra kết luận chung cho cả lục địa, theo Guardian.
Nhưng các chuyên gia đồng ý rằng nguyên nhân gây ra làn sóng hiện tại là sự kết hợp của tỷ lệ tiêm chủng thấp, hiệu quả vaccine giảm dần ở người tiêm sớm, cùng tâm lý chủ quan của người dân sau khi chính quyền nới lỏng trong mùa hè.
Đồ họa: Guardian. |
Sự trở lại của lệnh phong tỏa
Độ phủ tiêm chủng của châu Âu cao nhất ở miền Nam, với Bồ Đào Nha, Malta và Tây Ban Nha có tỷ lệ tiêm đủ hai mũi cho hơn 80% người dân, trong khi Italy cách không xa phía sau với tỷ lệ 73%, theo dữ liệu từ Our World in Data.
Những nước trên cũng có số ca mắc mới trung bình mỗi ngày trong một tuần trở lại thấp nhất trong cả châu Âu, với tỷ lệ 100 ca trên 1 triệu người. Nhưng con số này đang tăng dần, thậm chí là tăng mạnh ở những nơi có độ phủ vaccine thấp.
Tại Trieste (Italy) - thành phố từng nổ ra nhiều cuộc biểu tình lớn hồi tháng 10 để phản đối yêu cầu trình chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính (để được vào nơi làm việc), số ca mắc mỗi ngày đã tăng hơn gấp đôi.
“Chúng ta đã trở lại những ngày đen tối của đại dịch”, người phụ trách một phòng chăm sóc tích cực tại Trieste nói hồi tuần trước, sau khi các ca nhập viện ở đây bùng nổ. 90% trong số ấy là người chưa tiêm chủng và hầu hết liên quan trực tiếp tới các vụ biểu tình.
Hà Lan, Pháp và Đức - ba nước có độ phủ tiêm chủng chỉ thấp hơn những nước đi đầu một vài điểm phần trăm - cũng bắt đầu chứng kiến số ca mắc gia tăng.
Dù có 73% dân số đã tiêm chủng đầy đủ, Hà Lan phải phong tỏa một phần trong 3 tuần từ ngày 13/11, sau khi số ca mắc lập kỷ lục mới. Quán bar, nhà hàng và cửa hàng thiết yếu phải đóng cửa từ 22h, dịch vụ không thiết yếu sẽ ngưng hoạt động từ 18h, các buổi gặp gỡ ở nhà riêng chỉ được đón tối đa 4 khách.
Một đám đông phản đối quy định thẻ xanh y tế tại quảng trường chính ở thành phố Trieste, Italy vào tháng 10. Ảnh: Anadolu Agency. |
Từng là nước nới lỏng đa số biện pháp giới hạn trong mùa hè, Hà Lan hiện ghi nhận trung bình 609 ca mắc mới trên một triệu người mỗi ngày trong một tuần trở lại. Điều này khiến chính phủ phải quay lưng lại với cam kết dỡ bỏ mọi quy định giới hạn vào cuối năm.
Ở Pháp, gần 69% dân số đã tiêm chủng đầy đủ, theo Our World in Data. Từ mùa hè, Pháp yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng, xuất trình thẻ xanh Covid-19 khi vào nhà hàng, quán bar, lên máy bay hoặc tàu điện đường dài. Dù vậy, ca mắc mới ở Pháp vẫn tăng ở mức 2 con số mỗi tuần trong suốt một tháng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết từ ngày 1/12, người trên 65 tuổi và người trong nhóm rủi ro chưa tiêm mũi tăng cường sẽ không còn được cấp thẻ xanh y tế; đồng thời chương trình tiêm mũi nhắc lại sẽ được mở rộng cho người từ 50 tuổi trở lên.
Đức - nơi 66,5% người dân tiêm đầy đủ - đang đứng trước bờ vực làn sóng thứ 4 và có thể là làn sóng nghiêm trọng nhất. 5 ngày qua, Đức chứng kiến tỷ lệ ca mắc mới mỗi ngày chạm mức cao nhất trong 2 năm trở lại, với 48.640 ca mắc mới vào ngày 12/11.
Lãnh đạo cơ quan kiểm soát dịch bệnh Đức cảnh báo các phòng chăm sóc tích cực (ICU) đang gặp áp lực chưa từng có. Các bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cũng đang cân nhắc lệnh phong tỏa.
So với phần lớn Tây Âu, Áo có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất (62,8%) và tỷ lệ ca mắc cao nhất (hơn 1.000 ca trên một triệu người/ngày). Từ 15/11, Áo chính thức áp lệnh phong tỏa đối với người chưa tiêm chủng ở hai vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và có thể đưa ra quy định tương tự trên phạm vi toàn quốc.
Nhân viên kiểm tra thẻ xanh y tế của khách hàng tại một quán cafe ở Paris vào tháng 9. Ảnh: New York Times. |
Ngày 12/11, Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg cho biết người chưa tiêm chủng ở vùng Thượng Áo và Salzburg sẽ chỉ được ra khỏi nhà với lý do thiết yếu, như mua tạp hóa hoặc đi khám.
Áo, Thụy Sĩ và Đức có tỷ lệ người chưa tiêm chủng cao nhất Tây Âu, nhưng nguyên nhân cụ thể không rõ ràng, theo Guardian. So với các nước ở miền Nam châu Âu như Italy hoặc Tây Ban Nha, làn sóng Covid-19 ở ba nước này đến nay đều tương đối nhẹ.
Yếu tố chính trị có thể liên quan tới tỷ lệ tiêm chủng thấp, theo Marco Wanderwitz, Ủy viên đặc biệt phụ trách Đông Đức, nhận định. “Có mối liên hệ rõ ràng giữa việc ủng hộ đảng cực tả Giải pháp khác cho nước Đức (AfD) và tâm lý bài vaccine”, ông Wanderwitz nói. Tư tưởng bài vaccine cũng được đảng Tự do cực tả (FPO) ở Áo đón nhận.
Tiêm chủng cần đi cùng biện pháp phòng ngừa
Trong khi đó, tại miền Trung Âu và Đông Âu, các yếu tố như sự nghèo túng, giáo dục y tế yếu kém, tin giả và thái độ hoài nghi chính quyền đã khiến tỷ lệ tiêm chủng ở hai vùng này ở mức thấp nhất châu Âu. Vì thế, trong số 10 nước có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 mỗi ngày cao nhất EU có tới 9 nước Trung và Đông Âu.
Trong các nước Trung và Đông Âu, Romania và Bulgaria có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất, ở mức 22 người trên một triệu dân, cao hơn 30 lần so với Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Bất chấp lượng vaccine dồi dào, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở Romania và Bulgaria thấp nhất trong 27 nước EU, lần lượt chỉ là 34,5% và 23,04%.
Người dân xếp hàng bên ngoài một bệnh viện tại Bulgaria để tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào đầu năm nay. Ảnh: AFP. |
Cả hai nước nói trên gần đây phải siết chặt hơn nữa biện pháp chống dịch, trong khi Latvia - một nước cũng có tỷ lệ tiêm chủng thấp - đã phải phong tỏa bốn tuần từ giữa tháng 10. Cộng hòa Czech, Slovakia và Nga cũng phải siết chặt giới hạn chống dịch.
Tại Tây Âu, câu hỏi lúc này là liệu các nước trong khu vực này có thể kiểm soát làn sóng trước mắt mà không cần ban bố lệnh phong tỏa toàn diện hay không. Theo các chuyên gia, câu trả lời nhiều khả năng là có, nhưng mấu chốt nằm ở các biện pháp giãn cách xã hội, lệnh đeo khẩu trang và bắt buộc tiêm chủng.
“Nếu một trong những phương diện này yếu kém, chúng ta sẽ chứng kiến tình hình như những gì đang xảy ra ở nhiều nước châu Âu”, giáo sư miễn dịch học Antonella Viola thuộc Đại học Padua của Italy, nói.
Hans Kluge, Giám đốc WHO của khu vực châu Âu, tuần trước từng yêu cầu nhà chức trách các nước cần đẩy nhanh triển khai tiêm chủng, bao gồm tiêm cho trẻ em và mũi tiêm nhắc lại cho nhóm rủi ro. “Đa số người nằm viện và tử vong vì Covid-19 hiện nay là người chưa tiêm chủng đầy đủ”, ông nói.
“Vaccine đã làm được những gì chúng hứa hẹn: Ngăn ngừa bệnh nặng và đặc biệt là giảm ca tử vong”, ông Kluge nhận định. “Nhưng chúng chỉ là vũ khí mạnh nhất nếu được dùng kết hợp với các biện pháp phòng ngừa”.
Theo ông Kluge, nếu được áp dụng “đúng đắn và thống nhất”, các biện pháp phòng ngừa “cho phép chúng ta tiếp tục sống cuộc sống bình thường”. Ông ước tính 200.000 người có thể sẽ được cứu sống nếu 95% người dân châu Âu đeo khẩu trang.
“Các biện pháp phòng ngừa không những không tước đoạt quyền tự do của con người mà còn bảo đảm các quyền đó”, ông Kluge nói.