Các nước Bắc Âu đang nằm trong danh sách "những điểm phải đến trước khi chết" của ngày càng nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ "thiên niên kỷ" hay thế hệ Y (sinh ra trong giai đoạn đầu những năm 1980 đến đầu những năm 2000) ở Trung Quốc. Theo South China Morning Post, họ đang là những người chi tiêu nhiều hơn bao giờ hết.
Một số sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để đến Bắc cực tìm kiếm trải nghiệm khác biệt. Các nhà quan sát cho biết họ nhận thấy sự gia tăng ồ ạt số lượng ảnh selfie của những người trẻ Trung Quốc chụp tại Bắc Âu cũng như các địa điểm gần Bắc cực, nơi có thể chiêm ngưỡng hiện tượng bắc cực quang.
Chris Zhong đang tiết kiệm tiền cho chuyến du lịch 10 ngày tại Iceland mùa đông này. Cậu đã lên kế hoạch tham quan những ngọn núi lửa, suối nước nóng và sông băng xứ băng đảo, nhưng quan trọng hơn hơn là "săn" bắc cực quang.
"Một vài người bạn của tôi đã ở đó năm ngoái, và tôi vô cùng ấn tượng với những tấm ảnh mà họ chụp", SCMP dẫn lời chàng trai 26 tuổi đang làm việc cho một công ty tài chính ở Bắc Kinh.
Hiện tượng bắc cực quang kỳ thú có thể chiêm ngưỡng ở những đất nước Bắc Âu. Ảnh: AFP. |
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Du lịch Trung Quốc và Ctrip, hãng lữ hàng online lớn nhất nước này, hiện Nga, Đan Mạch và Thụy Điển là những nơi có sự gia tăng nhanh nhất về số lượng du khách Trung Quốc trong quý đầu năm nay.
"Họ muốn khác biệt. Ngày nay nếu bạn muốn chia sẻ ảnh đến Bangkok hay Hong Kong trên mạng xã hội, sẽ chẳng có ai cảm thấy thích thú", Jacques Penhirin, quản lý cấp cao của hãng tư vấn Oliver Wyman có trụ sở tại London, cho hay. "Song nếu đó là chuyến thám hiểm của bạn ở Bắc cực, sẽ có người phát cuồng".
Không giống cha mẹ mình, những bạn trẻ thành thị như Zhong sinh ra trong thời kỳ kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Hầu hết họ là con một và được người lớn trong nhà hỗ trợ nhiều về tài chính. Do đó, họ thường có thói quen tiêu dùng thoải mái.
Một nghiên cứu gần đây của cơ quan du lịch Singapore cho biết giới trẻ Trung Quốc tiêu nhiều hơn gấp 2 lần so với mức trung bình của giới trẻ châu Á. Khi những điểm đến nổi tiếng ở châu Á đã trở nên quá bình thường, thế hệ Y Trung Quốc muốn tìm đến những nơi đặc biệt và độc đáo hơn.
Hãng nghiên cứu thị trường Fung Business Intelligence cho biết chủ nghĩa cá nhân đang lên ngôi trong giới trẻ Trung Quốc. Họ muốn thể hiện bản thân bằng những thương hiệu cao cấp, những phiên bản "limited" (số lượng hạn chế) và những món đồ hay dịch vụ đặt riêng cho từng cá nhân.
"Thế hệ hậu 1980 và 1990, những người dành hàng đống thời gian trên mạng xã hội, có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi bạn bè họ trên WeChat và các KOL ('key opinion leader', hiểu nôm na là người tạo được ảnh hưởng trên mạng xã hội)", một báo cáo của hãng nghiên cứu kết luận.
Một nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc và Viện nghiên cứu Tencent cho hay 73% người sinh trong thập niên 1980 và 1990 ở Trung Quốc cứ 15 phút lại vào các ứng dụng mạng xã hội một lần.