Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ phóng tên lửa thất bại trì hoãn tham vọng vũ trụ của Trung Quốc

Thất bại trong lần phóng thứ hai của tên lửa đẩy Trường Chinh-5 sẽ làm cản trở hàng loạt kế hoạch chinh phục vũ trụ đầy tham vọng của Trung Quốc.

Mang theo một vệ tinh thông tin thử nghiệm, tên lửa lớn nhất của Trung Quốc đã cất cánh lúc 19h23 ngày 2/7 theo giờ địa phương từ Trung tâm Không gian Văn Xương bên bờ biển thuộc đảo Hải Nam, miền nam nước này.

Tuy nhiên, 40 phút sau, hãng thông tấn Xinhua đăng tải dòng tiêu đề tuyên bố vụ phóng đã thất bại nhưng không đưa thêm chi tiết.

Tham vọng lớn của kẻ đến sau

Được gọi là "Chubby 5" vì kích thước khổng lồ với đường kính 5 m và chiều cao 57 m, tên lửa Trường Chinh-5 được thiết kế để mang 25 tấn tải trọng lên quỹ đạo thấp, nhiều hơn gấp hai lần so với các tên lửa đẩy trước đây của Trung Quốc.

Theo Joan Johnson-Freese, giảng viên trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ, chuyên gia về chương trình không gian của Trung Quốc, thất bại trong vụ phóng lần này sẽ làm trì hoãn thêm một loạt kế hoạch chinh phục không gian của Trung Quốc, bao gồm chương trình đưa tàu thăm dò và sau đó là con người lên Mặt Trăng.

ten lua Truong Chinh 5 cua Trung Quoc anh 1
Lần phóng thứ hai tên lửa thế hệ mới Trường Chinh-5 của Trung Quốc đã thất bại hôm 2/7. Ảnh: CNN.

"Vì Trường Chinh-5 mang theo công nghệ mới nên thất bại này chỉ ra rằng công nghệ tên lửa là cực kỳ phức tạp và cho thấy vì sao nhiều nước không phát triển công nghệ này", bà nói.

Trước vụ phóng, Johnson-Freese từng nhận định tên lửa này sẽ mang lại cho Trung Quốc "khả năng mang tải trọng lớn" để phát triển một trạm không gian lớn cũng như tiếp cận các điểm đến liên hành tinh.

Trung Quốc đã công bố kế hoạch đưa robot thăm dò lên khoảng tối của Mặt Trăng vào cuối năm nay và tới Sao Hỏa vào khoảng năm 2020. Tất cả sứ mệnh tương lai sẽ phụ thuộc vào Trường Chinh-5.

Hôm 2/7, các quan chức cho biết vụ phóng mới đây sẽ giúp hoàn thiện thiết kế của tên lửa, bao gồm khả năng đưa một trạm không gian vào quỹ đạo "trong 1 hoặc 2 năm tới".

Được công bố vào năm 2001, dự án Trường Chinh-5 ban đầu đã chịu sự trì hoãn kéo dài do thách thức về tài chính và khó khăn về công nghệ khi Trung Quốc lần đầu phát triển động cơ tên lửa dùng nhiên liệu lỏng hoàn toàn.

Cuối cùng, Trường Chinh-5 đã được ra mắt vào tháng 11 năm ngoái tại Trung tâm Không gian Văn Xương mới được xây dựng. Vụ phóng đầu tiên cũng đã thành công.

Nhóm chế tạo khẳng định khả năng của Trường Chinh 5 giờ sánh ngang với tên lửa Delta IV lâu nay vẫn được coi là mạnh nhất trên thế giới do Mỹ thiết kế.

"Hai tên lửa đang ở ngang hàng dù hỗn hợp nhiên liệu khác nhau có nghĩa tên lửa Delta mạnh hơn một chút", He Wei, người tham gia thiết kế Trường Chinh-5 nói với CNN trước vụ phóng hôm 2/7.

"Tên lửa Delta đã trải qua nhiều năm thí nghiệm trong khi đây mới là lần phóng thứ hai của Trường Chinh-5 nên chúng tôi sẽ tiếp tục sửa đổi và cải tiến để hoàn thiện và tăng tính chắc chắn của tên lửa", He Wei cho biết.

Trung Quốc có khởi đầu chậm trễ trong cuộc đua chinh phục vũ trụ. Phải đến năm 1970, sau khi Mỹ lần đầu tiên đưa người lên Mặt Trăng, Trung Quốc mới phóng vệ tinh đầu tiên vào vũ trụ.

Tuy nhiên, các thập kỷ sau đó, Trung Quốc đã bơm hàng tỷ USD vào hoạt động nghiên cứu và đào tạo. Kể từ năm 2003, Trung Quốc đã tổ chức chuyến "đi bộ trong không gian", đáp robot tự hành lên Mặt Trăng, vận hành một phòng thí nghiệm vũ trụ mà họ hy vọng sẽ mở đường cho một trạm không gian nặng 20 tấn.

Trung Quốc cũng gửi 5 phi hành đoàn vào vũ trụ trong khoảng thời gian này và trở thành 1 trong 3 nước duy nhất trên thế giới, sau Nga và Mỹ, đạt được thành công như vậy.

Mũi Canaveral của Trung Quốc?

Trung tâm Không gian Văn Xương chỉ mở cửa cho hơn 10 cơ quan báo chí nước ngoài tiếp cận trong vụ phóng tên lửa hôm 2/7. Bãi phóng nằm ở thành phố Văn Xương với dân số 600.000 người tại bờ biển phía đông đảo Hải Nam.

Được hoàn thành vào năm 2014, Văn Xương là trung tâm vũ trụ thứ 4 và là trung tâm mới nhất của Trung Quốc. Khác với 3 địa điểm còn lại được xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh ở vùng núi và sa mạc, vị trí bên bờ biển của Văn Xương cho phép dễ dàng vận chuyển các vật liệu bằng đường biển.

ten lua Truong Chinh 5 cua Trung Quoc anh 2
Tên lửa Trường Chinh 7 tại Trung tâm Không gian Văn Xương, Hải Nam, Trung Quốc, ngày 25/6/2016. Ảnh: News China.

Do Trái Đất quay nhanh nhất ở đường xích đạo nên vị trí gần đường xích đạo của địa điểm này cũng có lợi cho các vụ phóng khi tăng vận tốc quỹ đạo cho tên lửa.

Được bao bọc bởi một vùng cây xanh tốt, trung tâm vũ trụ là một nguồn lợi lớn độc đáo đối với các quan chức du lịch địa phương và các nhà phát triển bất động sản.

Trong khi việc ra vào trung tâm bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ, các quan chức địa phương vẫn tìm cách thu hút du khách đến với trung tâm này.

Ở khu vực bên ngoài, các căn hộ cao cấp và khách sạn sang trọng đang được xây dựng dở dang cùng tấm biển quảng cáo về trung tâm vũ trụ với những hàng cọ trải khắp thành phố.

Truyền thông Trung Quốc bày tỏ hy vọng Văn Xương có thể trở thành Mũi Canaveral của nước này. Mũi Canaveral là điểm thu hút khách du lịch hàng đầu ở bang Florida của Mỹ nhờ 2 trung tâm vũ trụ được đặt tại đây.

Hợp tác song phương về chương trình vũ trụ giữa Washington và Bắc Kinh không hề tồn tại từ khi Quốc hội Mỹ cấm NASA làm việc với Trung Quốc vì vấn đề an ninh quốc gia vào năm 2011.

Tên lửa Trường Chinh thất bại sau khi rời bệ phóng Chiều 2/7, Trung Quốc phóng tên lửa Trường Chinh-5 từ đảo Hải Nam. Vụ phóng được cho đã thất bại do một sự cố bất ngờ.

Trung Quốc phóng tên lửa Trường Chinh thất bại

Trung Quốc thất bại trong việc phóng tên lửa đẩy hạng nặng Trường Chinh-5 từ đảo Hải Nam lên quỹ đạo trong ngày hôm nay.

Trung Quốc sắp phóng tên lửa đẩy mạnh nhất lần thứ 2

Trung Quốc sẽ phóng tên lửa đẩy hạng nặng Trường Chinh 5 thứ hai từ đảo Hải Nam lên quỹ đạo vào ngày 2/7.

Tuyết Mai (Theo CNN)

Bạn có thể quan tâm