Trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc Tiangong-1 (Thiên Cung 1) được phóng lên quỹ đạo vào năm 2011 và đã tới thời hạn nó cần trở về Trái đất bằng cách rơi xuống đại dương một cách có kiểm soát. Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định, Thiên Cung 1 dường như đang rơi tự do trong không gian, trong khi Trung Quốc mất kiểm soát đối với trạm này.
Điều này có nghĩa, trạm vũ trụ của Trung Quốc có thể rơi xuống Trái đất bất cứ lúc nào. Cơ quan Kỹ thuật Vũ trụ Trung Quốc (CMSE) thừa nhận "kết nối từ xa" với trạm không gian Thiên Cung 1 đã thất bại.
Thomas Dorman, nhà thiên văn nghiệp dư thường xuyên theo dõi chuyển động của các vệ tinh, tin rằng Trung Quốc đã mất kiểm soát Thiên Cung 1. Ông nói với Space.com rằng, cho tới nay, việc Trung Quốc chưa thông báo công khai về sự an toàn của trạm không gian nặng 8 tấn đồng nghĩa họ đã mất kiểm soát với nó.
Chuyên gia lo ngại trạm vũ trụ Thiên Cung 1 của Trung Quốc sẽ rơi tự do xuống khu dân cư. Ảnh: Getty |
Cũng như các vệ tinh bị mất liên lạc khác, Thiên Cung 1 sẽ vỡ và bị đốt cháy trên đường trở về Trái đất dưới dạng kim loại nóng chảy. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo khả năng “một ngày thực sự tồi tệ” xảy ra nếu mảnh vỡ khổng lồ rơi xuống khu vực đông dân. Mảnh vỡ nặng và ở nhiệt độ cao có thể gây sát thương cực kỳ nghiêm trọng.
Trạm Thiên Cung 1 được trang bị quan sát Trái đất và thăm dò môi trường không gian. Nó có nhiều ứng dụng và cung cấp các dữ liệu khoa học có giá trị cho việc nghiên cứu về tài nguyên khoáng sản, đại dương và rừng, thủy văn môi trường giám sát và hệ sinh thái, sử dụng đất đai, giám sát môi trường tại các kiểm soát nhiệt và thảm họa đô thị trong trường hợp khẩn cấp.
Truyền thông Trung Quốc từng đưa tin, các quan chức nước này cố gắng liên lạc với Thiên Cung 1. Tuy nhiên, những tháng gần đây không có thông báo về tình trạng của trạm không gian này, khiến các chuyên gia nhận định nó đã gặp sự cố và sự kiện có thể là bài thử nghiệm liệu Trung Quốc sẽ cởi mở hơn về vấn đề không gian của họ hay không.