Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sao Diêm Vương từng có hồ và sông nitơ lỏng?

Nitơ lỏng có thể từng chảy thành hồ và các con sông trên bề mặt sao Diêm Vương, thậm chí chúng còn xuất hiện bên dưới các lớp băng. Đây là phát hiện mới nhất của tàu New Horizon.

ho va song tren sao Diem Vuong anh 1

Các con sông nitơ có thể từng chảy trên sao Diêm Vương. Ảnh: NASA

Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu gửi về trái đất của tàu vũ trụ New Horizon để nghiên cứu quá trình biến đổi khí hậu và áp suất trên sao Diêm Vương.

Họ cho rằng có giai đoạn nhiệt độ và áp suất tại đây đã tăng lên, làm các khối băng nitơ tan chảy thành dạng lỏng. “Chất lỏng có thể đã tồn tại trên bề mặt sao Diêm Vương”, tạp chí New Scientist hôm 21/3 dẫn lời nhà khoa học Alan Stern, trưởng nhóm phân tích dữ liệu của dự án New Horizons.

Nếu thực tế đúng như những gì giới khoa học nghiên cứu thì phát hiện mới có thể giúp giải thích một số đặc điểm địa hình trên bề mặt sao Diêm Vương, đặc biệt là những dấu tích được nghi là do quá trình bào mòn của dòng chảy tạo ra.

Nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận sau khi kết hợp bản đồ chụp chi tiết bề mặt sao Diêm Vương với những mô hình nghiên cứu các vùng khí hậu.

Trên trái đất, các vùng khí hậu xuất hiện do hành tinh nghiêng 23 độ so với trục của mặt trời. Vì thế, vùng nhiệt đới sẽ tập trung ở đường xích đạo, theo Daily Mail.

Tuy nhiên, do sao Diêm Vương nghiêng đến 120 độ nên vùng nhiệt đới có thể nằm xa hơn về phía cực bắc. Nghiên cứu sự thay đổi của vùng nhiệt đới và cực bắc, các nhà khoa học phát hiện sao Diêm Vương đã trải qua giai đoạn “khí hậu cực đoan” khi trục của nó nghiêng 103 độ cách đây 800.000 năm.

Trong giai đoạn này, thay đổi nhiệt độ và áp suất có thể đã khiến các khối băng nitơ tan chảy. Phát hiện này thực sự làm thay đổi cách nhìn nhận của mọi người về sao Diêm Vương, ông Stern nói thêm.


Lâm Nguyên

Bạn có thể quan tâm