Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phi thuyền Mỹ lần đầu tiếp cận thành công sao Diêm Vương

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo tàu vũ trụ New Horizons đã tới quỹ đạo sao Diêm Vương sau khi vượt qua 4,8 tỷ km trong hơn 9 năm.

Sao Diêm Vương trong một ảnh do tàu New Horizons chụp. Ảnh: NASA

NASA phóng New Horizons trong năm 2006 nhằm nghiên cứu hệ Mặt Trời. Mục đích của chuyến bay là giúp con người có cái nhìn cận cảnh đối với sao Diêm Vương (Pluto), hành tinh lạnh lẽo nằm ở rìa Thái Dương Hệ và Charon, vệ tinh lớn nhất của nó. Việc New Horizons hoạt động tốt sau 9,5 năm lang thang trong vũ trụ là một kỳ tích.

Theo NASA, tàu đến gần quỹ đạo của sao Diêm Vương lúc 7h49 ngày 14/7 (giờ Washington). New Horizons là phi thuyền đầu tiên của nhân loại tiếp cận sao Diêm Vương, vật thể từng là một hành tinh trong hệ Mặt Trời. Nó cũng cung cấp những hình ảnh rõ nét nhất về hành tinh lùn.

Tuy nhiên, NASA chỉ có thể ăn mừng thực sự vào lúc 20h53 ngày 14/7, khi tàu gửi tín hiệu đầu tiên về trái đất, cho thấy nó tiếp cận mục tiêu thành công. Trước đó, tàu đã gửi hình ảnh sao Diêm Vương và vệ tinh Charon về trái đất khi nó bay tới gần.

Khả năng hoạt động tốt của New Horizons sẽ mở ra cơ hội lớn để các nhà khoa học nghiên cứu sao Diêm Vương và trở thành mốc để NASA công bố với toàn thế giới về sự thành công của nỗ lực tiếp cận Diêm Vương tinh. Sau đó, các chuyên gia sẽ tiếp tục họp nhằm xác định pin hạt nhân của tàu vũ trụ có đủ điện để nó tiếp tục hành trình bay ra ngoài Thái Dương Hệ hay không.

Sao Diêm Vương là vật thể lớn nhất trong Vành đai Kuiper, vùng không gian có khoảng 10.000 thiên thể đủ các kích thước. Các nhà khoa học cho rằng Vành đai Kuiper chứa dấu tích về quá trình hình thành Thái Dương Hệ từ 4 tỷ năm trước. Các chuyên gia hy vọng New Horizons có thể bay ngang các vật thể lớn trong Vành đai Kuiper để cung cấp số liệu cho các nhà khoa học.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm