Samsung và SK Hynix sẽ ngừng bán linh kiện cho Huawei trong bối cảnh chính quyền Mỹ thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc. Theo Chosun Ilbo và một số hãng tin Hàn Quốc, các công ty sẽ tạm ngừng giao dịch từ ngày 15/9, thời điểm bộ quy tắc giới hạn mua bán với Huawei có hiệu lực.
Huawei tiếp tục mất thêm nguồn cung ứng linh kiện để sản xuất điện thoại. Ảnh: Reuters. |
Theo The Verge, các biện pháp trừng phạt được đưa ra vào tháng 8, nối tiếp một loạt hạn chế thực hiện từ 2019. Theo đó, chính quyền của ông Donald Trump cấm các công ty bên ngoài nước Mỹ bán linh kiện sản xuất bằng công nghệ của Mỹ cho Huawei, trừ khi được sự chấp thuận đặc biệt.
Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hãng công nghệ Trung Quốc, Huawei đứng trước nguy cơ không thể sản xuất được chipset Kirin. Ngược lại, các đối tác cũng thiệt hại khá lớn khi mất hợp đồng cung ứng linh kiện cho nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới trong quý II/2020.
Tập đoàn chip bán dẫn Đài Loan TSMC đã ngừng giao dịch với Huawei vào tháng 5, sau khi áp dụng nhiều biện pháp giới hạn. Huawei gọi những quy tắc do chính quyền Mỹ đưa ra là “tùy tiện và ác độc”.
Chính phủ Trung Quốc ủng hộ SMIC, công ty sản xuất chip bán dẫn lớn nhất nước này, thay chân các đối tác khác để cung cấp linh kiện cho Huawei. Tuy nhiên, chính quyền của ông Donald Trump cũng đe dọa trừng phạt SMIC. Trước thông tin đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ “bá quyền trắng trợn”.
Trước áp lực cấm vận từ Mỹ, Huawei ngày càng có ít lựa chọn nguồn cung ứng linh kiện để sản xuất điện thoại. Tuy nhiên, xuất hiện thông tin cho rằng, Qualcomm - một công ty chip của Mỹ - đã vận động chính quyền dỡ bỏ các hạn chế và cho phép hãng này giao dịch với tập đoàn Trung Quốc.
Chính quyền Donald Trump lập luận rằng hạ tầng viễn thông của Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia, đồng thời cáo buộc hãng này đánh cắp bí mật thương mại và vi phạm lệnh trừng phạt Iran.
Cấm vận Huawei là một phần của cuộc chiến thương mại lớn hơn giữa Trung Quốc và Mỹ. Gần đây, căng thẳng giữa 2 bên tiếp tục leo thang khi ông Trump ra lệnh TikTok phải tự nguyện bán mình cho công ty của nước này, sau đó tuyên bố chặn giao dịch với WeChat.