Ngày 15/5, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu các công ty sản xuất chip bán dẫn sử dụng công nghệ Mỹ phải có giấy phép đặc biệt mới có thể tiếp tục bán hàng cho Huawei.
Ngay lập tức, TSMC – đối tác gia công vật liệu bán dẫn lớn nhất thế giới – nói lời tạm biệt với Huawei Technologies. Thậm chí HiSilicon, công ty con của hãng, cũng không thoát khỏi cảnh “bất lực” khi khó có khả năng cung cấp chip giải cứu gã khổng lồ này.
Mất đi TSMC và HiSilicon đồng nghĩa với việc Huawei mất đi cánh tay phải của mình. Ảnh: Taskboot. |
Tuy nhiên, giới chuyên gia pháp lý lạc quan cho rằng Huawei vẫn có khả năng lách luật khi dựa vào nguồn cung chip bán dẫn từ các bên thứ 3 như Samsung, MediaTek, hay SK Hynix.
Hơn 3 tháng sau, tức ngày 17/8, ông Trump chính thức xóa tan hy vọng của gã khổng lồ công nghệ Huawei khi mở rộng lệnh cấm, Theo đó, mọi công ty cung cấp chip có liên quan đến công nghệ Mỹ trong quá trình sản xuất sẽ phải xin phép Bộ thương mại nước này nếu muốn bán sản phẩm cho Huawei.
Đối mặt lệnh cấm kép, số phận của công ty rơi vào thế “nghìn cân treo sợi tóc”.
Huawei đang đối mặt khủng hoảng
Theo nhận định của ông Geoff Blaber - Phó chủ tịch công ty nghiên cứu CCS Insight – công nghệ Mỹ đang có mặt ở khắp mọi nơi trong thế giới bán dẫn. Huawei gần như không còn bất cứ lựa chọn nào để mua được những loại chip quan trọng. Cho đến ngày 14/9, Huawei Technologies chỉ còn hơn 2 tuần để nhanh chóng tích trữ các sản phẩm chip bán dẫn từ những nhà cung cấp.
“Tuy ngành công nghiệp bán dẫn mang tính toàn cầu, công nghệ lõi của ngành này vẫn phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ”, ông Blaber cho biết.
Sau ngày 15/9, không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra với tương lai của Huawei. Nikkei Asian Review. |
Theo các nhà phân tích, nếu nguồn nguyên liệu sản xuất cạn kiệt, sản lượng thiết bị cầm tay của Huawei có thể sẽ giảm tới 75% vào năm 2021. Trước rủi ro này, nhiều đối tác cung cấp thậm chí đã phải chấp nhận chuyển giao những lô hàng chưa thành phẩm cho Huawei.
“Không có gì đáng ngạc nhiên khi Huawei đánh thức nhiều nhà cung cấp vào 4 giờ sáng hay tổ chức các cuộc gọi hội nghị vào nửa đêm. Công ty này đang rơi vào giai đoạn sinh tồn hỗn loạn và liên tục thay đổi kế hoạch của mình”, một nguồn tin trong ngành chia sẻ với Nikkei.
Sau ngày 15/9, chuỗi cung ứng vật liệu bán dẫn thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều thiệt hại khi không tìm được khách hàng hay hợp đồng mới thay thế.
Theo Nikkei Asian Review, Huawei Technologies đang có đủ số lượng chip phục vụ mảng viễn thông trong vòng 2 năm. Tuy nhiên công ty vẫn cần tập trung tích trữ chip xử lý cho lĩnh vực sản xuất smartphone nếu không muốn biến mất khỏi thị trường đầy tính cạnh tranh này.
Quý II/2020, Huawei vượt mặt Samsung để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia nhận định những thành tựu mà Huawei có được chủ yếu đến từ sự ủng hộ của thị trường nội địa.
Trong hội nghị thượng đỉnh công nghệ Trung Quốc 2020, Giám đốc mảng Kinh doanh Tiêu dùng của Huawei – Richard Yu – đã xác nhận sự kết thúc của dòng chip xử lý Kirin, một sản phẩm do chính công ty phát triển. Đây chính là hậu quả mà Huawei phải hứng chịu từ những đòn trừng phạt của ông Trump.
Huawei vỡ mộng SMIC
Đáp trả lệnh cấm của Nhà Trắng ngày 15/5, các quỹ do chính phủ Trung Quốc hỗ trợ đã bơm 2,25 tỷ USD vào Tập đoàn sản xuất vật liệu bán dẫn quốc tế (SMIC). Trung Quốc đang đặt cược vào SMIC với hy vọng nâng cao năng lực sản xuất và chế tạo của công ty này, phần nào đó đưa ngành bán dẫn Trung Quốc thoát khỏi cái bóng mang tên “công nghệ Mỹ”.
Theo báo cáo, vốn đăng ký của SMIC đã nhảy vọt từ 3,5 tỷ USD lên con số 6,5 tỷ USD nhờ các khoản đầu tư.
Những gì SMIC thể hiện vẫn chưa đủ để "chữa lành" vết thương của Huawei. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết SMIC hiện chưa đủ năng lực sản xuất chip bán dẫn mà Huawei cần, bao gồm vi xử lý Kirin 1100 (tiến trình 5 nm) hay Kirin 810 (tiến trình 7 nm).
“SMIC không có khả năng sản xuất bất cứ thứ gì gần tiến trình 7 nm”, Jan-Peter Kleinhans, Giám đốc dự án IT Security tại Neue Verantwortung nhận xét.
Theo nhận định của Android Central, SMIC đang đi sau TSMC những 4 năm. Hiện tại, nhà máy của SMIC chỉ có năng lực sản xuất 6.000 tấm bán dẫn tiến trình 14 nm mỗi tháng. Con số này tương đối khiêm tốn so với nhu cầu của gã khổng lồ công nghệ Huawei. Mặc dù vậy, SMIC đang cố gắng gia tăng công suất chế tạo lên 35.000 tấm/tháng.
Trong một báo cáo của công ty chứng khoán Nhật Bản Nomura Holdings, SMIC sản xuất lỗi đến 70% số lượng chip tiến trình 14 nm. Tỷ lệ lỗi của chip 14 nm do SMIC sản xuất cao đến mức Huawei không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc trông chờ vào đối tác gia công chính là TSMC cho các tấm bán dẫn có tiến trình dưới 16 nm.
"Vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa TSMC và SMIC về công nghệ, độ ổn định và tính tin cậy", Gu Wenjun, nhà phân tích tại ICWise chia sẻ với SCMP.
Không chỉ thế, SMIC đều đang sử dụng linh kiện, phần mềm và vật liệu dựa trên công nghệ Mỹ. Điều đó đồng nghĩa với việc SMIC cũng là đơn vị không được Mỹ cấp phép giao dịch với Huawei trừ phi công ty này được Bộ Thương mại Mỹ chấp thuận. Nếu SMIC tiếp tục cung cấp chip cho Huawei sau ngày 15/9, công ty này sẽ vi phạm lệnh hành pháp của chính quyền ông Trump và khiến giới chức Washington nổi giận.
Trung Quốc nỗ lực tìm giải pháp
Vào khoảng thời gian cuối năm 2018 đầu năm 2019 khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung diễn ra căng thẳng, các công nghệ chip cốt lõi của tập đoàn MIPS Technologies (Mỹ) bắt đầu được chuyển giao cho một công ty Trung Quốc mang tên CIP United.
Thông qua một loạt giao dịch phức tạp liên quan đến những công ty ở quần đảo Cayman và Samoa, CIP United giờ đây nắm trong tay quyền cấp phép công nghệ chip bán dẫn cho mọi khách hàng ở Trung Quốc, Hong Kong và Macau.
Công nghệ lõi sẽ là nhân tố giúp Trung Quốc thoát khỏi sự phụ thuộc của Mỹ. Ảnh: Financial Times. |
Theo Reuters, CIP có tham vọng đưa Trung Quốc bắt kịp ngành công nghệ bán dẫn đang do Mỹ thống trị. Hiện nay, công nghệ chip bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, từ điện thoại thông minh cho đến vũ khí tiên tiến.
Nếu thành công, giấy phép của MIPS sẽ là bàn đạp giúp Trung Quốc hoàn thành mục tiêu Made in China 2025 - tự cung tự cấp trong những ngành công nghiệp chiến lược.
Ngoài ra, một quan chức thuộc hiệp hội ngành công nghiệp cho biết Trung Quốc có khả năng sẽ nhập khẩu ít nhất 300 tỷ USD lô hàng vật liệu bán dẫn trong năm 2020.
“Sau năm 2013, sản lượng nhập khẩu chip của chúng tôi đã vượt qua con số 200 tỷ USD. Trong năm 2018 và 2019 giữ ở mức 300 tỷ USD. Nếu không có gì thay đổi, Trung Quốc sẽ vẫn nhập khẩu hơn 300 tỷ USD trong năm nay”, vị quan chức công bố.
Không chỉ thế, Trung Quốc còn rót vốn đầu tư cho công cụ thiết kế Empyrean Software hay các nhà cung cấp thiết bị khác như Naura Technology. Tuy nhiên, nếu xét về mặt công nghệ, các công ty Trung Quốc vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước để theo chân Mỹ.