Sau khi chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ siết chặt các lệnh cấm tiếp cận nguồn cung cấp chip của gã khổng lồ công nghệ Huawei hôm 17/8, 38 chi nhánh của công ty này tại 21 quốc gia đã bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen. Như vậy, có tổng cộng 152 chi nhánh của Huawei bị cấm kể từ tháng 5/2019.
Dưới nhiệm kỳ ông Trump, Huawei chịu nhiều thiệt hại lớn chưa từng thấy. Ảnh: Reuters. |
Với những quy tắc mới, Huawei sẽ không còn khả năng vượt qua lệnh trừng phạt bằng cách tìm nguồn cung ứng thông qua bên thứ 3, cắt đứt hoàn toàn cơ hội mua chip bán dẫn được phát triển hoặc sản xuất bởi công nghệ Mỹ của công ty Trung Quốc này.
“Thật khó để tưởng tượng viễn cảnh Huawei có thể lật ngược tình thế. Ngay cả khi vận dụng mọi nguồn lực của một công ty cũng không thể gây dựng nên toàn bộ dây chuyền công nghiệp. Không thể”, Yang Guang, Giám đốc Nghiên cứu Mảng Cung cấp Dịch vụ tại Strategy Analytics nhấn mạnh.
Tương lai của Huawei liệu có còn sáng sủa?
Theo giới phân tích, Huawei đang không có nhiều sự lựa chọn. Các con đường tìm kiếm nguồn cung chất bán dẫn phục vụ cho các trạm 5G, smartphone, hay thậm chí hoạt động kinh doanh điện toán đám mây của Huawei đều đã bị chặn.
“Những lệnh hạn chế mới nhất đã khiến chuỗi cung ứng của công ty Trung Quốc này bị tổn hại nghiêm trọng, đặc biệt là nguồn cung chip bán dẫn cho mảng kinh doanh điện thoại thông minh và điện toán đám mây, cũng như các phòng nghiên cứu công nghệ của Huawei trên toàn thế giới”, Charlie Dai, nhà phân tích tại Forrester nhận xét.
Chính quyền ông Trump đang chặn đứng mọi ngã rẽ của Huawei. Ảnh: Taskboot. |
Đáng nói, tương lai của Huawei giờ đây đang phải chịu nhiều áp lực từ những nhà cung cấp chip của Mỹ như Qualcomm. Theo WSJ, Qualcomm đang cố gắng thuyết phục chính quyền ông Trump cho phép công ty này bán chip tự sản xuất cho công ty Trung Quốc, bao gồm cả những dòng chip 5G cao cấp sử dụng trên smartphone.
Hiện tại, Huawei chỉ có thể "nuôi" hy vọng hai nhà cung cấp chip bán dẫn là Qualcomm và MediaTek sẽ xin được giấy phép cung cấp chip từ chính phủ Mỹ.
Qualcomm - công ty kiếm được phần lớn lợi nhuận từ việc cấp bằng sáng chế cho các dòng điện thoại hiện đại - đã công bố thỏa thuận cấp phép mới vào tháng 7/2020 sau khi Huawei đồng ý thanh toán một lần để giải quyết các tranh chấp liên quan đến vấn đề cấp phép kéo dài nhiều năm giữa đôi bên.
Theo Jia Mo, nhà phân tích đến từ Canalys, phán quyết mới nhất của chính phủ Mỹ không đồng nghĩa với việc “cắt đứt 100% nguồn cung cấp chip cho Huawei”, mục đích chính của chính quyền ông Trump thực hiện chính là giành lại quyền kiểm soát các hoạt động mua bán chip của công ty này.
Kể cả trong trường hợp Huawei tự xây dựng và phát triển công nghệ sản xuất chip bán dẫn của riêng mình, việc nói không với 100% công nghệ Mỹ trong dây chuyền sản xuất chip dường như là điều không tưởng, theo chuyên gia phân tích Sheng Linghai, công ty nghiên cứu Gartner.
Huawei không có nhiều sự lựa chọn
Phán quyết mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ dựa trên những hạn chế mà chính phủ nước này ban bố hồi tháng 5, khiến một loạt hãng công nghệ phải ngừng hợp tác với Huawei, trong đó có TSMC, đối tác gia công chip lớn nhất cũng sẽ buộc phải có giấy phép nếu muốn bán chip cho Huawei.
Mỹ hiện tại vẫn là quốc gia chiếm ưu thế về công nghệ bán dẫn, từ phần mềm thiết kế, thiết bị sản xuất cho đến quy trình chế tạo so với Trung Quốc.
Mất đi đối tác gia công chip bán dẫn lớn lớn nhất (TSMC), Huawei đang dần phải hứng chịu tổn thất lớn. Ảnh: Financial Times. |
Trong hội nghị thượng đỉnh công nghệ Trung Quốc 2020, Richard Yu – Giám đốc Kinh doanh Tiêu dùng của Huawei đã xác nhận dòng smartphone cao cấp Mate 40 sẽ là sản phẩm cuối cùng trang bị chip xử lý Kirin do công ty này phát triển.
“Chúng tôi đang rơi vào tình huống khó khăn, các dòng smartphone của Huawei giờ đã mất đi nguồn cung cấp chip. Đây là một tổn thất lớn đối với chúng tôi”, ông Yu chia sẻ.
Ngay cả khi Huawei tìm kiếm cơ hội tăng trưởng mới trong các lĩnh vực không phụ thuộc nhiều vào chip bán dẫn như máy tính cá nhân, màn hình thông minh hay dịch vụ đám mây, việc để các mảng dịch vụ này đủ khả năng bù đắp được khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là một thách thức lớn.
"Nhiều lệnh trừng phạt áp đặt lên Huawei chưa hẳn là dấu chấm hết cho công ty này. Nó sẽ chỉ khiến gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn khi giao dịch với các nhà cung cấp công nghệ Mỹ", Gary Yang, đối tác sáng lập công ty đầu tư Sky Saga Capital, đánh giá lạc quan về triển vọng phát triển trong tương lai của Huawei.
Trong chiến dịch Clean Network (mạng lưới sạch) được khởi động đầu tháng 8/2020, chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ ngăn chặn các thông tin cá nhân nhạy cảm của công dân Mỹ và tài sản trí tuệ của nhiều doanh nghiệp (bao gồm những nghiên cứu vaccine Covid-19) được lưu trữ và xử lý trên nền tảng điện toán đám mây do các công ty Trung Quốc như Alibaba, China Mobile, China Telecom, Baidu hay Tencent điều hành.