Đêm 17/8, Mỹ đã công bố thêm các biện pháp nhằm cắt bỏ Huawei Technologies khỏi chuỗi công nghệ toàn cầu. Bộ Thương mại Mỹ cho biết Mỹ sẽ bổ sung 38 chi nhánh của Huawei tại 21 quốc gia vào “danh sách thực thể”, nâng tổng số lên 152 kể từ lần đầu công bố danh sách vào tháng 5/2019.
Những "đòn kết liễu" của Mỹ
"Chúng ta không muốn linh kiện của họ xuất hiện tại Mỹ vì họ theo dõi chúng ta", Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ trong cuộc phỏng vấn trên kênh "Fox and Friends" vào tối 17/8, theo giờ Mỹ.
Chỉ trong vài tiếng đêm 17/8, Mỹ đã hai lần công bố các quy định mới hạn chế Huawei. Ảnh: AFP. |
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tố cáo Huawei đã thông qua bên thứ 3 nhằm né tránh các quy định của Mỹ. Đồng thời, ông nhấn mạnh quy tắc mới yêu cầu bất kỳ công ty nào sử dụng phần mềm hay thiết bị chế tạo của Mỹ đều bị cấm hoặc phải được Mỹ cho phép.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng cho rằng việc thay đổi quy tắc trên sẽ ngăn chặn khả năng Huawei lách luật của Mỹ trong việc sản xuất chip nhớ.
Đó chưa phải miếng đánh cuối cùng của Mỹ với Huawei trong đêm qua. Sau vài tiếng, Bộ Thương mại Mỹ lại công bố thêm chi tiết trong quy định mới, trong đó cấm Huawei mua chip từ các công ty sản xuất chip hoặc các nhà cung ứng linh kiện điện tử không thuộc Mỹ, nếu như họ sử dụng công nghệ hoặc phần mềm của Mỹ trong quá trình chế tạo.
Bloomberg dẫn lời một quan chức Bộ Thương mại Mỹ xác nhận tất cả các công ty sản xuất chip, không quan trọng là của nước nào, đều sẽ phải tuân theo quy định nếu dùng phần mềm và công nghệ Mỹ.
Quy định này coi như đã đóng sập cánh cửa để Huawei mua chip từ bất cứ đối tác nước ngoài nào, dù đó là chip hệ thống (SoC) của MediaTek, cảm biến máy ảnh của Sony, chip nhớ của Samsung, SK Hynix, các loại cảm biến STMicroelectronics và hàng chục đối tác quen thuộc khác, theo nhận định của Nikkei.
Trước đó, dòng chip Kirin mà Huawei tự hào đã bị kết liễu vì quy định mà Mỹ đưa ra vào tháng 5. Ảnh: HiSilicon. |
Sau hơn 1 năm kể từ khi đưa Huawei vào danh sách thực thể nhằm hạn chế mua bán công nghệ với các công ty Mỹ, quy định mới như một đòn kết liễu, đóng hết mọi cửa để Huawei có thể phát triển sản phẩm viễn thông hay smartphone.
Trên trang Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Mike Pompeo nhận định Mỹ đã "tung ra một cú đánh trực tiếp tới Huawei" và "siết chặt hơn nữa khả năng mua lại các công nghệ Mỹ của Huawei, qua đó họ có thể xâm nhập mạng lưới thế giới và thông tin bí mật của người Mỹ".
Toàn bộ ngành bán dẫn bị ảnh hưởng
Độ phủ của các phần mềm và công nghệ Mỹ trong sản xuất chip là rất lớn. Synopsys và Cadence Design Systems là hai công ty hàng đầu về phần mềm thiết kế chip, và phần lớn công ty trong ngành đều sử dụng hai phần mềm này. Các thiết bị quan trọng như quang khắc thì phần lớn do Applied Materials và Lam Research, hai công ty Mỹ cung cấp.
Trước đó, đối tác gia công TSMC đã quay lưng với Huawei vì lệnh cấm. Ảnh: Nikkei. |
Tác động của lệnh cấm này cũng có thể khiến cho Trung Quốc trả đũa các công ty Mỹ như Apple, qua đó gây hại cho các đối tác cung cấp bán dẫn của Apple. JPMorgan Chase nhận định lệnh cấm sẽ ảnh hưởng xấu tới các công ty chip châu Âu.
Ngoài ra, lệnh cấm cũng có thể ảnh hưởng tới cả các công ty gia công sản phẩm có sử dụng linh kiện Huawei như FIH Mobile, công ty con của Foxconn. Với tác động lớn như vậy, Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ cho rằng lệnh cấm có thể khiến toàn bộ ngành bán dẫn bị đứt gãy.
"Quy định này sẽ khiến cho toàn bộ ngành bán dẫn bị đứt gãy. Chúng tôi ngạc nhiên và lo ngại về việc chính quyền bất ngờ thay đổi quan điểm so với cách tiếp cận hẹp trước đó, nhằm mục đích đảm bảo an ninh quốc gia trong khi giảm thiểu thiệt hại cho các công ty Mỹ.
Quy định này sẽ khiến cho toàn bộ ngành bán dẫn bị đứt gãy.
John Neuffer, Chủ tịch, CEO Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ
Chúng tôi nhắc lại quan điểm của mình là kinh doanh các sản phẩm không nhạy cảm, thương mại với Trung Quốc giúp thúc đẩy nghiên cứu và sáng tạo trong ngành bán dẫn tại Mỹ, góp phần quan trọng vào sức mạnh của nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ", ông John Neuffer, Chủ tịch và CEO Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ cho biết.
Trước khi đưa ra quy định mới, Mỹ đã dần giới hạn Huawei mua lại chip nước ngoài từ các công ty gia công chip như TSMC hay SMIC. Các smartphone của Huawei sở hữu nhiều công nghệ nổi bật, trong đó dòng chip Kirin do công ty con HiSilicon thiết kế và các đối tác gia công là một điểm nhấn. Những con chip của HiSilicon cũng xuất hiện trên các thiết bị viễn thông của Huawei.
Mọi cánh cửa đóng lại với Huawei
Sau lệnh cấm của Mỹ, TSMC đã lập tức dừng nhận các đơn hàng của Huawei. Ngoài TSMC, không một công ty nào có thể đáp ứng nhu cầu gia công các dòng chip Kirin của Huawei, và tới đầu tháng 8 công ty này thừa nhận thất bại. Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh công nghệ Trung Quốc 2020, Richard Yu - CEO mảng Kinh doanh Tiêu dùng của Huawei, xác nhận dòng smartphone cao cấp Mate 40 sẽ là sản phẩm cuối cùng trang bị chip xử lý Kirin do Huawei phát triển.
Quy định mới áp dụng cho mọi đối tác cung cấp chip cho Huawei, đem lại một viễn cảnh đen tối cho công ty này. Ảnh: Asian Age. |
“Do những tác động của đợt trừng phạt thứ 2 của Mỹ, việc sản xuất chip sẽ dừng lại sau ngày 15/9. Rất có thể đây sẽ là thế hệ cuối cùng của dòng chip Kirin. Huawei đã dành hơn 10 năm phát triển chip, đây là một tổn thất lớn đối với chúng tôi”, ông Yu chia sẻ tại hội nghị.
Sau đó, Huawei đã tính tới việc mua chip của MediaTek để dùng trên các mẫu smartphone của mình. Họ cũng tìm tới công ty sản xuất chip Trung Quốc UNISOC Communications để có thêm phương án. Thậm chí Qualcomm cũng là một phương án mà Huawei tính tới, nếu công ty này có thể xin giấy phép từ Bộ Thương mại Mỹ.
"Chúng tôi thấy Huawei đã thử mọi nền tảng chip, bao gồm cả các nền tảng từ MediaTek và Qualcomm sau lệnh cấm từ tháng 5. Họ không muốn phải từ bỏ vị trí trong mảng smartphone vất vả mới giành được", Nikkei dẫn lời một lãnh đạo trong ngành công nghệ.
Lệnh cấm của Mỹ đồng nghĩa Huawei sẽ phải từ bỏ rất nhiều linh kiện từ các hãng khác như cảm biến ảnh Sony, RAM SK Hynix hay chip nhớ của Micron. Ảnh: iFixit. |
Tuy nhiên, với quy định mới của Mỹ, MediaTek, Samsung hay mọi công ty khác đều sẽ cần có giấy phép nếu muốn bán chip cho Huawei. Thậm chí, quy định này có thể mở rộng ra với các công ty sản xuất màn hình, vì mọi loại màn hình đều cần tới các vật liệu do các công ty Mỹ như Corning, 3M hay Applied Materials cung cấp.
Không chỉ các công ty bán hàng trực tiếp cho Huawei, mà mọi công ty có mặt trong một chuỗi cung ứng mà Huawei góp phần đều sẽ phải xin giấy phép, Nikkei dẫn nhận định của luật sư Harry Clark thuộc công ty Orrick.
"Huawei đã trữ sẵn linh kiện đủ cho ngắn hạn, do vậy lệnh cấm mới chưa tác động ngay lập tức tới công ty Trung Quốc. Chúng tôi đang theo dõi sát sao liệu chính phủ Mỹ có thay đổi quy định sau kỳ bầu cử vào tháng 11, và Bắc Kinh sẽ phản ứng thế nào nếu lệnh cấm vẫn giữ nguyên sau thời gian đó", Jonah Cheng, Giám đốc đầu tư và nhà phân tích tại J&J Investment nói với Nikkei.