Thông cáo báo chí từ chính quyền Samoa xác nhận rằng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Thủ tướng Samoa Fiame Naomi Mata'afa đã gặp gỡ và thảo luận về "biến đổi khí hậu, đại dịch và hòa bình, an ninh".
Truyền thông địa phương đã được mời đến để chứng kiến việc ký kết một thỏa thuận, nhưng không có câu hỏi nào được đưa ra.
Thỏa thuận cũng bao gồm một ký kết giúp xây dựng phòng thí nghiệm lấy dấu vân tay của cảnh sát, bên cạnh một học viện cảnh sát đã được công bố trong nước theo cam kết trước đó về "nâng cao năng lực" cho việc thực thi pháp luật ở Quần đảo Solomon.
Thông cáo cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho những lĩnh vực khác nhau của Samoa và sẽ có một khuôn khổ mới cho các dự án trong tương lai "sắp được quyết định và đồng thuận".
"Samoa và Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi sự hợp tác lớn hơn nhằm thực hiện các lợi ích và cam kết chung", thông cáo cho biết.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và Thủ tướng Samoa Fiame Naomi Mata’afa tham dự lễ ký kết thỏa thuận giữa hai nước tại Apia, ngày 28/5. Ảnh: AFP. |
Chi tiết của thỏa thuận không rõ ràng. Tuy nhiên, một bản dự thảo thỏa thuận bị rò rỉ trước đó giữa Trung Quốc và các quốc gia Thái Bình Dương vạch ra kế hoạch mở rộng an ninh và tham gia kinh tế của Bắc Kinh vào khu vực này.
Vụ rò rỉ đã khiến các nhà lãnh đạo phương Tây thúc giục đối tác trong khu vực từ chối bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm mở rộng phạm vi an ninh của mình trên toàn khu vực.
Phái đoàn Trung Quốc đã đến thăm Quần đảo Solomon và Kiribati trong tuần này.
Họ đến Samoa vào ngày 27/5 trước khi bay tới Fiji trong chiều 28/5, nơi ông Vương sẽ gặp Thủ tướng Frank Bainimarama và tham dự một cuộc họp của ngoại trưởng từ các nước Thái Bình Dương.
Các điểm dừng khác dự kiến ở Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea và Đông Timor.
Bộ trưởng Ngoại giao mới của Australia Penny Wong đã có mặt tại Fiji vào ngày 27/5, tìm cách thu hút các quốc đảo sau khi Quần đảo Solomon khiến Canberra bất ngờ vào tháng trước vì ký một hiệp ước an ninh trên phạm vi rộng với Trung Quốc.
Bà Wong nói với các phóng viên ở thủ đô Suva của Fiji: “Chúng tôi đã bày tỏ mối quan ngại của mình một cách công khai về thỏa thuận an ninh. Cũng như các hòn đảo khác ở Thái Bình Dương, chúng tôi nghĩ rằng sẽ có những hậu quả".