Ông Vương Nghị sẽ đến thăm Quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea, Timor Leste và Fiji từ ngày 26/5 đến ngày 4/6. Chuyến thăm được các chuyên gia Thái Bình Dương đánh giá là “phi thường và chưa từng có”.
Tuy nhiên, những mập mờ và hạn chế nghiêm trọng đối với truyền thông đang làm dấy lên lo ngại về những bí mật xung quanh chuyến thăm, đặc biệt là sau khi một thỏa thuận về an ninh giữa Trung Quốc và Solomon bị rò rỉ trên mạng cách đây 3 tháng, khiến nhiều nước tỏ rõ quan ngại.
Thông tin mập mờ
Theo Guardian, chuyến thăm đánh dấu sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc trong khu vực khi nước này muốn củng cố các mối quan hệ và ký kết các thỏa thuận kinh tế, cơ sở hạ tầng và an ninh.
Điểm dừng chân đầu tiên của ông Vương Nghị là Quần đảo Solomon vào ngày 25/5, nơi ông được cho là sẽ xây dựng một liên minh đã được quốc tế chú ý trong vài tháng qua, sau khi dự thảo thỏa thuận an ninh do hai chính phủ ký kết bị rò rỉ.
Bất chấp những đồn đoán trong nhiều tuần, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối trả lời các câu hỏi về chuyến đi, và chỉ cho đến ngày 24/5, chính phủ Trung Quốc mới đưa ra một vài thông tin ít ỏi. Thậm chí sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân từ chối xác nhận chính xác thời điểm ông Vương Nghị sẽ đến quần đảo Solomon.
(Từ trái sang) Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare, Bộ trưởng Ngoại giao Quần đảo Solomon Jeremiah Manele, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh, ngày 9/10/2019. Ảnh: Reuters. |
Các nhà báo tìm cách đưa tin về chuyến thăm đến Quần đảo Solomon cho các cơ quan truyền thông quốc tế nói rằng họ đã bị chặn tham dự sự kiện báo chí, trong khi số phóng viên được phép tiếp cận bị hạn chế về khả năng đặt câu hỏi.
Georgina Kekea, chủ tịch Hiệp hội Truyền thông của Quần đảo Solomon, cho biết việc thu thập thông tin về chuyến thăm của ông Vương tới đất nước này nói riêng, và cả chuyến công du nói chung rất khó khăn.
“Chúng tôi đã hỏi xin thông tin về chương trình chuyến thăm để có thể quay video hoặc phỏng vấn nhưng không được đáp ứng. Tôi không biết thế là sao nữa, có lẽ là họ hạn chế báo chí, tôi đoán vậy”, bà Kekea nói.
Bà cho biết chỉ có một sự kiện báo chí được lên kế hoạch vào ngày 26/5 tại Honiara trong chuyến thăm 2 ngày của ông Vương, nhưng chỉ các nhà báo từ hai cơ quan truyền thông của Quần đảo Solomon, đài truyền hình quốc gia và phương tiện truyền thông Trung Quốc mới được phép tham dự.
Những phóng viên như Kekea, những người thường làm việc cho các hãng truyền thông quốc tế như Guardian và Al Jazeera, đã không được cấp phép vào sự kiện này.
“Chúng tôi biết rằng biên giới của Quần đảo Solomon đã bị đóng cửa từ năm 2020, nên không có nhà báo quốc tế để đưa tin dù đó là một sự kiện được quốc tế quan tâm. Vì vậy, một số phóng viên của chúng tôi trở thành người làm việc cho các tổ chức quốc tế, nhưng chúng tôi không được trao cơ hội để trở thành một phần của nhóm truyền thông được phép có mặt trực tiếp”, bà nói.
Kekea cho biết lý do được đưa ra là lo ngại về Covid-19, nhưng bà cảm thấy đó "chỉ là một cái cớ".
Kekea nói thêm rằng từ quy định chương trình mà bà đã xem, báo chí sẽ chỉ có cơ hội hỏi Bộ trưởng Vương Nghị 2 câu, gồm một câu hỏi của nhà báo Quần đảo Solomon và một câu hỏi từ truyền thông Trung Quốc.
“Chúng tôi khá lo lắng, chúng tôi đáng lẽ có quyền tự do thoải mái để làm công việc của mình, nhưng ở những sự kiện này, chúng tôi dường như bị cản trở”.
Thỏa thuận bí mật
Vẫn còn những bí mật xung quanh văn bản thỏa thuận an ninh được ký kết giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon. Thỏa thuận đã không được công khai hoặc chia sẻ với các thành viên của quốc hội Solomon, dù phe đối lập yêu cầu công khai.
Ký kết giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon đánh dấu thỏa thuận an ninh song phương đầu tiên của Bắc Kinh tại vùng Thái Bình Dương.
Toàn văn thỏa thuận này đến nay vẫn được giữ bí mật, nhưng bản dự thảo văn kiện bị rò rỉ trên mạng hồi cuối tháng 3 cho phép tàu Trung Quốc “được cập cảng, tiếp tế hậu cần, tạm dừng và quá cảnh tại Quần đảo Solomon”.
Sau khi bị rò rỉ, thỏa thuận này lập tức gây ra lo ngại từ New Zealand, Australia và Mỹ vì viễn cảnh Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Quần đảo Solomon.
Thủ đô Honiara, Quần đảo Solomon ở Thái Bình Dương. Ảnh: AFP. |
Dorothy Wickham, một nhà báo kỳ cựu của Quần đảo Solomon, đã viết vào đầu tháng này rằng kể từ khi dự thảo thỏa thuận an ninh bị rò rỉ, bà đã thấy một cuộc “ỉm tin” đối với giới truyền thông, điều bà chưa từng nhận thấy trong suốt 3 thập kỷ làm báo.
Về chuyến thăm sắp tới, Wickham viết trên Twitter: "Hãy hy vọng chúng ta được đối xử một cách tôn trọng, và họ sẽ tổ chức một cuộc họp báo sau khi tất cả thủ tục hoàn tất”.
Nhiều người dự kiến Trung Quốc sẽ ký thêm các thỏa thuận với Quần đảo Solomon trong chuyến thăm của họ, cũng như tìm cách ký thỏa thuận với các quốc gia Thái Bình Dương khác trong chuyến công du.
Vanuatu vừa ký kết với Trung Quốc về việc xây dựng một phần mở rộng đường băng mới tại sân bay Pekoa trên đảo Santo, cho phép các máy bay lớn hơn có thể tiếp cận để vận chuyển viện trợ nhân đạo.
Có lo ngại rằng Kiribati có thể ký một thỏa thuận với Trung Quốc, trao cho nước này quyền đánh cá đặc biệt trong Khu bảo tồn Quần đảo Phoenix (PIPA), nơi từng là một trong những khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới cho đến khi chính phủ Kiribati năm ngoái tuyên bố mở hoạt động đánh bắt cá thương mại.
Tiến sĩ Anna Powles, giảng viên cao cấp về nghiên cứu an ninh tại Đại học Massey ở New Zealand, nói rằng trong khi Australia, New Zealand và Mỹ theo dõi chặt chẽ chuyến công du Thái Bình Dương của Trung Quốc, họ hầu như không thể làm gì để ngăn chặn các quốc gia Thái Bình Dương có chủ quyền ký kết giao dịch với Trung Quốc.
“Đây là những quốc gia có chủ quyền, họ sẽ theo đuổi thỏa thuận dựa trên lợi ích quốc gia. Những gì Australia, New Zealand và Mỹ có thể làm là tìm cách trở thành đối tác tốt hơn và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đó, để khi các thỏa thuận như thế này được thực hiện, các nước - đặc biệt là New Zealand và Australia - có thể hỗ trợ các quốc gia Thái Bình Dương đạt được thỏa thuận tốt nhất, cũng như làm giảm không gian hoạt động của Trung Quốc”, tiến sĩ Powles nói.