Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đội tàu cá Trung Quốc 'vơ vét' khắp thế giới

Đội tàu cá Trung Quốc đang “vơ vét” vùng biển của nhiều quốc gia trên thế giới, đe dọa cuộc sống của nhiều người dân địa phương và gây ra mối lo ngại về an ninh hàng hải.

Trung Quoc khai thac ca trai phep anh 1

"Những tàu cá này làm cạn kiệt nguồn thủy sản của chúng tôi nhanh khủng khiếp, chúng tôi giờ rơi vào nợ nần", Kajo Panyin, ngư dân 53 tuổi sống tại một làng chài ở Axim, Ghana, cho biết, đề cập đến các tàu đánh cá trái phép của Trung Quốc ở vùng biển nước này.

Họ đi từ vùng biển được cấp phép xâm nhập đến vùng nước thuộc chủ quyền của Ghana, đánh bắt những loại cá vốn quyền khai thác chỉ dành cho ngư dân địa phương.

Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Hoạt động trái phép của các đội tàu này được cho là để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo ở Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy mục tiêu quân sự của Bắc Kinh.

Trước tình trạng đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia ngày 23/5 công bố sáng kiến hàng hải nhằm ngăn chặn hoạt động này.

Nguồn thủy sản của nhiều nước kiệt quệ

Đội tàu cá hùng hậu của Trung Quốc đã châm ngòi căng thẳng tại nhiều vùng biển.

Theo chỉ số về đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), Trung Quốc liên tục xếp hạng chót trong 152 quốc gia có bờ biển, do vi phạm đánh bắt và để xảy ra nhiều sự cố nhất.

Trung Quoc khai thac ca trai phep anh 2

Một tàu hải quân Ecuador xua đuổi tàu đánh cá vào ngày 7/8 sau khi một đội tàu chủ yếu mang cờ Trung Quốc bị phát hiện ở Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters.

Tại Ghana, nhà chức trách quy định vùng nước trong phạm vi 6 hải lý từ bờ biển chỉ thuộc quyền khai thác của ngư dân địa phương, nhưng tàu cá Trung Quốc phớt lờ điều này.

Trong khi đó, ở quốc gia láng giềng Sierra Leone, nơi nghề đánh bắt thủy sản chiếm 12% nền kinh tế, người dân cho biết sản lượng khai thác của họ đang sụt giảm nhanh chóng do nạn đánh bắt cá quá mức trên quy mô lớn trong nhiều năm nay. Nhiều ngư dân ở nước này đổ lỗi cho các đội tàu nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.

Vùng biển của các nước Nam Mỹ khác cũng ghi nhận việc đánh bắt trái phép của các tàu Trung Quốc, bao gồm Peru.

“Họ luôn xuất hiện ở vùng biển này, từ Ecuador tới Argentina. Công việc của chúng tôi là xua đuổi, không để họ tiến vào bên trong vùng biển Peru", Eduardo Atkins, sĩ quan chỉ huy tàu tuần duyên Peru, cho biết.

Đặc biệt, vào tháng 8/2020, khoảng 300 tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép gần vùng biển quanh quần đảo Galapagos của Ecuador. Nhà chức trách Ecuador thời điểm đó cho biết số tàu cá Trung Quốc nhiều chưa từng có, cáo buộc họ tắt hệ thống định vị và đổi tên tàu để che giấu danh tính.

Theo một ước tính vào năm 2021, gần 250 tàu cá nước ngoài, trong đó có 243 tàu mang cờ Trung Quốc, đã khai thác trên vùng biển này suốt 73.000 giờ đồng hồ và vơ vét hàng nghìn tấn mực, cá.

Nhiều quốc gia châu Á cũng tố tàu cá Trung Quốc đánh bắt hải sản phi pháp. Vào năm 2021, hàng trăm tàu Trung Quốc đã tiến vào vùng biển xung quanh Đường giới hạn phía Bắc, biên giới trên biển giữa Hàn Quốc và Triều Tiên ở Hoàng Hải, South China Morning Post đưa tin.

Trung Quoc khai thac ca trai phep anh 3

Một tàu câu mực quy mô lớn của Trung Quốc neo đậu tại đảo Ulleung của Hàn Quốc. Ảnh: Cơ quan Ngư nghiệp Hàn Quốc.

Ông Park Tae Won, một ngư dân, chia sẻ các tàu cá Trung Quốc đang “quét sạch mọi thứ, từ các loài cá sống gần bề mặt đến động vật có vỏ dưới đáy biển”.“Họ khai thác mà không quan tâm đến những thiệt hại đối với sinh vật biển”, ông nói.

Tháng 10/2020, nhà chức trách Malaysia đã bắt giữ 6 tàu cá Trung Quốc, cáo buộc các ngư dân đã xâm nhập trái phép vùng biển nước này.

Vào năm 2021, hơn 200 tàu đánh cá Trung Quốc tập trung xung quanh bãi đá ngầm đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

"Sự việc ở đá Ba Đầu có quy mô chưa từng có và đáng chú ý: số lượng lớn nhất các tàu cá Trung Quốc tập trung tại một rạn san hô ở Trường Sa và ở đó trong vài tuần", Samir Puri và Greg Austin, hai nghiên cứu viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Chiến lược (IISS), cho biết vào thời điểm đó.

"Mũi tên" trúng nhiều đích

Hoạt động trái phép của nhiều tàu cá Trung Quốc gây lo ngại cho nhiều quốc gia ven biển, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân địa phương và tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho hệ sinh thái.

"Trong 5 năm qua, đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc đã gây ra những sự biến đổi lớn. Họ khiến các ngư trường nhỏ kiệt quệ, khai thác hết nguồn cá vốn là nguồn sống của người dân địa phương", ông Steve Trent, đồng sáng lập quỹ bảo tồn Environmental Justice Foundation, cho biết.

Ở Sierra Leone, nhiều ngư dân cũng chia sẻ lượng cá đã giảm đi đáng kể. “Nhiều năm trước, chỉ đứng từ đây, bạn cũng có thể nhìn thấy cá bơi dưới nước, thậm chí có cả những con lớn. Thế nhưng, giờ đây không còn nữa. (Chúng tôi) đang thấy ít cá hơn bao giờ hết", Joseph Fofana - một ngư dân 36 tuổi - cho biết.

Anh nói chỉ kiếm được khoảng 4,38 USD sau 14 tiếng lênh đênh giữa biển trên một con tàu “nhồi nhét” với 20 người đàn ông.

Trung Quoc khai thac ca trai phep anh 4

Tàu hàng lạnh Trung Quốc Fu Yuan Yu Leng 999 đã bị chặn lại trong khu bảo tồn biển Galápagos năm 2017. Trên tàu này có khoảng 300 tấn cá, chủ yếu là cá mập, bao gồm cả các loài được bảo vệ. Ảnh: Vườn quốc gia Galápagos.

Trong khi đó, một số chuyên gia cũng cảnh báo các cộng đồng ven biển ở Sierra Leone đang đối mặt với hậu quả tàn khốc từ việc khai thác thủy sản quá mức và bất hợp pháp của đội tàu nước ngoài, trong đó khoảng 40% là tàu cá Trung Quốc.

“Các đội tàu Trung Quốc đã thu lợi từ nghề cá trong suốt 30 năm và tác động lên nguồn thủy sản là rất khủng khiếp”, Stephen Akester, cố vấn của Bộ Thủy sản và Tài nguyên biển Sierra Leone, cho biết.

“Nguồn thủy sản đang cạn kiệt, ngư dân khốn khổ, các gia đình chết đói. Nhiều người chỉ có thể ăn một bữa mỗi ngày", ông nói.

Giới chức Sierra Leone cũng báo cáo thiệt hại 29 triệu USD mỗi năm do hoạt động đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều quốc gia ở châu Phi và Nam Mỹ, chẳng hạn Ecuador, Ghana,... cũng phải chịu tác động tương tự.

Bên cạnh vấn đề về kinh tế, các nhà chức trách và chuyên gia cũng bày tỏ mối lo ngại về an ninh. Họ cho rằng đội tàu đánh cá khổng lồ là công cụ để Bắc Kinh thực hiện những yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung Quốc, bao gồm tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.

Trong khi 75% đội tàu đánh cá thuộc sở hữu tư nhân, chính phủ Trung Quốc vẫn duy trì hiện diện đáng kể trong ngành khai thác thủy sản.

Bên cạnh đó, hải quân, hải cảnh và lực lượng bán vũ trang do chính phủ quản lý cũng thường tham gia cùng đội tàu cá trong các hoạt động gây hấn ở Biển Đông.

Conor Kennedy và Andrew Erickson, hai chuyên gia hàng đầu của Mỹ, cũng đánh giá các đội tàu là “lực lượng do nhà nước (Trung Quốc) tổ chức, phát triển và kiểm soát, hoạt động theo một chuỗi chỉ huy quân sự trực tiếp, tiến hành các hoạt động do nhà nước Trung Quốc bảo trợ”.

Ông Erickson nói lực lượng dân quân đã được tích hợp với đội tàu đánh cá của Trung Quốc và đây là đội tàu lớn nhất thế giới với hơn 187.000 tàu thuyền.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Shuxian Luo và Jonathan Panter của Đại học Johns Hopkins từng khẳng định rằng với số lượng lớn, ngay cả khi đó là những tàu cá thuần túy không vũ trang, cũng có thể trở thành một lực lượng quân sự hiệu quả nếu hoạt động dưới sự chỉ huy của các tàu dân quân hàng hải.

"Dù chỉ được triển khai với số lượng hạn chế, các tàu đánh cá vẫn có thể kiềm chế, hoặc thậm chí là ngăn chặn hoàn toàn khả năng các tàu chiến chỉ đạo chiến tranh chống tàu ngầm và triển khai máy bay trực thăng”, ông Luo và Panter viết.

Cuộc sống thuyền viên Indonesia trên tàu TQ bị ném thi thể xuống biển Cái chết của 4 thuyền viên Indonesia làm việc cho tàu cá Trung Quốc dẫn đến những lời kêu gọi ở Jakarta về siết chặt quy định, thậm chí tạm ngừng tuyển dụng lao động.

Bộ Tứ tung sáng kiến hàng hải ngăn tàu Trung Quốc vét cạn cá biển

Quan chức Mỹ cho biết nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia ngày 24/5 sẽ công bố sáng kiến hàng hải nhằm hạn chế đánh bắt cá trái phép tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trung Quốc phản ứng với ông Biden sau phát ngôn về Đài Loan

Bắc Kinh khẳng định sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia trong vấn đề Đài Loan, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết can thiệp quân sự để bảo vệ hòn đảo trước Trung Quốc đại lục.

Hải Linh - Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm