Người chủ tiệm tóc kỹ tính, lời thúc giục của cô giáo, vết thương sau dịch là những chuyện được kể trong Saigon Talk tuần này.
|
Vết thương nào rồi cũng lành
Thành phố đang hồi sinh. Tôi xách xe máy chạy vòng vòng cho thỏa nhiều ngày phải ở bí bách trong phòng. Cứ chạy mà không có điểm dừng.
Từ chợ Tân Định rẽ sang Hai Bà Trưng, vòng qua Hồ Con Rùa, ngang Dinh Độc Lập, quẹo ra nhà thờ Đức Bà… Những con đường vẫn vậy, cây cối vẫn xanh dù đã chứng kiến biết bao nhiêu sự tổn thương của Sài Gòn.
Tôi dừng xe mua một ly nước mía - thức uống mà tôi "thèm thuồng" suốt mấy tháng thành phố đóng cửa. Vẫn 10.000 đồng cho một ly nước mà tôi hay đùa là “to bằng cái xô”. Giá vẫn vậy dù chủ của nó có vẻ cũng đã phải chật vật suốt nhiều tháng liền.
Rải rác các con đường là nhiều tấm bảng “cho thuê nhà”, “sang nhượng mặt bằng”, “bán nhà”… được treo. Một số quán vẫn im lìm như chưa hẹn ngày trở lại. Đọc báo, tôi biết được tin nhiều quán cà phê vốn quen thuộc nay đã quyết định đóng cửa chỉ vì không trụ nổi sau dịch.
Đó có lẽ là những vết thương mà thành phố này mang theo sau những chuỗi ngày dịch bệnh kéo dài. Nhưng mà vết thương thì tôi vẫn tin sẽ có ngày lành lặn, vấn đề là thời gian.
- Anh Minh
Người chủ tiệm tóc kỹ tính
Bình thường mới được hơn 1 tuần, tui mới dám đặt lịch để đi “tân trang” lại quả đầu. Chèn ơi, tui không dám chụp lại dung nhan mình suốt những tháng qua. Một cậu con trai vốn chăm chút cho bản thân mà phải nuôi tóc dài bất đắc dĩ.
Salon anh Lâm là quán quen của tui. Xưa nay ổng vốn kỹ tính, làm gì cũng lâu. Trước giờ tui toàn chọn giờ ít khách nhất để đi nên không biết lúc đông khách thì ổng sẽ làm thế nào.
Đợt này tui không còn sự lựa chọn nào khác. Khách đặt lịch kín, mỗi người như được bố trí một khung giờ. Tui nghĩ là có kỹ tính mấy thì cũng sẽ bớt đi vài phần để tranh thủ "hốt" thêm khách. Nhưng với ông Lâm thì không.
Ổng vẫn kỹ tính y như dị. Mỗi "quả đầu" ổng mân mê lâu thật lâu như sợ để lọt một cọng tóc thừa nào sẽ làm xấu đi "tác phẩm" của ổng.
- Cắt vậy ổn rồi đó anh. Anh tỉa nữa em thấy nôn dùm mấy khách đang chờ luôn á.
- Tao làm nghề này nào giờ vẫn vậy mà. Đông hay vắng khách thì vẫn vậy, có khác gì.
- Ủa có khi nào khách họ chờ mệt quá họ bỏ về hông?
- Khách đã quen thì họ biết phong cách mình làm việc rồi. Nhưng họ vẫn chọn tới là xác định chờ. Mày ý kiến nữa tao cắt xấu ráng chịu.
Kể ra tánh ổng cứ dị, hèn gì tui cũng đâu bỏ ổng được.
- Bình Yên.
"Ngừng than thở và đứng lên vận động đi nào"
Nếu là những ngày học trực tiếp ở trường, giờ ra chơi, các em nam sinh sẽ chạy ngay xuống sân để đá bóng, chơi bóng rổ, đuổi nhau khắp hành lang. Còn các nữ sinh sẽ ào ra ngay khỏi lớp chạy xuống căn tin, nạp vào người những ly trà sữa, bánh tráng trộn... Sau khi chuông reo hết giờ, bạn cũng chưa nhìn thấy đám nhóc trở lên, vì còn chưa chạy nhảy và ăn uống thỏa sức.
Mấy tuần nay học online, học sinh ngồi cả ngày một chỗ, trước mặt là màn hình máy tính, điện thoại, sách vở, bài tập. Nhu cầu ăn uống vẫn duy trì nhưng cơ hội vận động lại rất ít. Nên mình đã quy đổi tất cả hình thức thưởng phạt thành thể thao để khuyến khích các em vận động mỗi ngày.
Đúng 22h mỗi tối, các em sẽ chụp màn hình ghi nhận bước chân đi bộ trong ngày, từ app của điện thoại. Phần thưởng sẽ được quy đổi tùy theo số bước chân đạt được mỗi ngày.
Ngược lại, nếu học sinh nào vào học trễ, hay bị nhắc nhở, thay vì khiển trách hoặc điểm trừ, mình yêu cầu học sinh hít đất, tập thể dục, chạy bộ, đi bộ trong nhà rồi gửi video cho cô.
Các em học sinh của mình còn thách đấu với nhau về một số trò vận động thể lực. Một số em không quen vận động, bắt đầu nản tập luyện, mình sẽ nửa thật nửa đùa: "Ngừng than thở và đứng lên vận động đi nào!".
Vận động nào, để có tinh thần sẵn sàng và cả thể chất mạnh khỏe để thích nghi với những ngày “bình thường mới”.
- Nguyên Nhi
Bạn đọc có thể gửi câu chuyện của mình về hộp mail Saigontalk@zing.vn. Những câu chuyện đó sẽ được chọn và đăng ở Saigon Talk vào chủ nhật hàng tuần.