Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sách viết bằng tiếng Anh phổ biến khắp châu Âu

Ngày càng nhiều thanh thiếu niên chọn đọc sách bằng tiếng Anh dựa theo những gợi ý trên mạng xã hội, mặc dù ngôn ngữ này không phải tiếng mẹ đẻ của họ.

Nhiều người trong giới xuất bản châu Âu lo rằng giới trẻ đang bỏ bê tiếng mẹ đẻ. Ảnh: Ilvy Njiokiktjien/NYT.
xu huong doc anh 1
xu huong doc anh 1

Nhiều người trong giới xuất bản châu Âu lo rằng giới trẻ đang bỏ bê tiếng mẹ đẻ. Ảnh: Ilvy Njiokiktjien/NYT.

Theo NYT, khi nhà văn Jennifer Egan đến Hà Lan để quảng bá cho cuốn tiểu thuyết The Candy House (tạm dịch: Căn nhà kẹo), bà bỗng nhận ra một hiện tượng đáng kinh ngạc. Phần lớn sách độc giả đem đến xin ký tặng không phải là bản dịch tiếng Hà Lan mà là bản sách viết bằng tiếng Anh.

Theo nhà xuất bản Hà Lan De Arbeiderspers, khoảng 65% doanh số bán cuốn The Candy House tại đất nước này là bản tiếng Anh.

Nhà văn Egan chia sẻ: "Tôi cảm thấy độc giả thậm chí còn có vẻ hối lỗi khi đưa tôi một bản sách bằng tiếng Hà Lan để ký tặng. Và tôi nói: 'Đừng như vậy! Tôi ở đây để ký tặng sách cho độc giả mà'".

Nguy cơ thị trường sách dịch suy giảm

Trình độ tiếng Anh của người dân tại châu Âu ngày càng tăng và độc giả bắt đầu chủ động mua sách ngoại văn từ Mỹ và Anh mà ngó lơ các bản dịch sang ngôn ngữ địa phương. Hiện tượng này đặc biệt phổ biến tại các nước như Scandinavi, Hà Lan và đặc biệt là Đức - một trong những thị trường sách lớn nhất thế giới.

Các nhà xuất bản ở các quốc gia này, cũng như các đại lý ở Mỹ và Anh, lo ngại hiện tượng này có thể làm suy giảm thị trường sách dịch, đồng nghĩa với việc các tác giả sẽ kiếm được ít tiền hơn và ít cơ hội để sách của họ được xuất bản ở nước ngoài hơn.

Sách tiếng Anh bán ra nước ngoài thường là sách bìa mềm giá rẻ, được các nhà xuất bản Mỹ và Anh in dưới dạng ấn bản xuất khẩu. Phiên bản này rẻ hơn nhiều so với bản bìa cứng ở Mỹ và rẻ hơn nhiều so với bản sách dịch vốn phải tuân theo mức giá tối thiểu ở các quốc gia như Đức.

Simon Dikker Hupkes, biên tập viên từ nhà xuất bản Atlas Contact của Hà Lan, cho hay: “Chúng tôi đang ở giữa thời kỳ chuyển đổi" và rằng việc nhiều độc giả ngó lơ các bản dịch tiếng Hà Lan "khiến chúng tôi hơi đau lòng".

xu huong doc anh 2

Nhiều hiệu sách châu Âu ra chiến lược tập trung quảng bá ấn bản tiếng Anh ở quầy tiểu thuyết dành cho giới trẻ. Ảnh: Ilvy Njiokiktjien/NYT.

Sức ảnh hưởng của mạng xã hội

Doanh số bán sách bằng tiếng Anh đã tăng nhanh trong những năm gần đây, một phần vì sách hiện lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok. Các nhà sách ở Hà Lan cho biết, giới trẻ Hà Lan thích mua sách bằng tiếng Anh có bìa gốc giống những cuốn sách họ nhìn thấy và muốn đăng lên BookTok.

Tại một số hiệu sách ở Amsterdam, quầy sách dành cho giới trẻ chủ yếu bán sách bằng tiếng Anh và chỉ có một số ít sách tiếng Hà Lan.

Leon Verschoor, một người bán sách tại hiệu sách Martyrium ở Amsterdam, cho biết ông đã chứng kiến ​​một sự thay đổi đáng kể khi bắt gặp những thanh niên không bao giờ chọn đọc sách bằng tiếng Hà Lan.

Khi hiện tượng này làm suy giảm doanh số bán các tựa sách dịch ra tiếng nước ngoài, các nhà xuất bản châu Âu sẽ gặp khó khăn hơn trong việc bù đắp chi phí khi họ mua bản quyền dịch và xuất bản một tác phẩm từ Mỹ hoặc Anh.

Theo người làm xuất bản, các tựa sách "bom tấn" vẫn sẽ tiếp tục được dịch, nhưng sách các tác giả hạng trung có thể sẽ gặp khó khăn hơn.

Christian Schumacher-Gebler, giám đốc điều hành của Tập đoàn xuất bản Bonnier ở Đức, cho biết điều này có thể ảnh hưởng đến các tác giả theo nhiều cách. Họ sẽ mất tiền bán bản quyền dịch sách, cao hơn số tiền họ nhận được từ doanh số bán các bản sách xuất khẩu rẻ tiền. Ngoài ra, sách tiếng Anh được gửi đến châu Âu có thể không bán chạy được nếu không có công ty địa phương nào điều hành các khâu tiếp thị.

Schumacher-Gebler nói: “Nhà xuất bản ở Anh hay Mỹ đơn giản là không có sẵn chiến lược quảng bá ở Pháp, Đức hoặc Hà Lan".

Để đối phó với hiện tượng này, một số nhà xuất bản Hà Lan đã bắt đầu phát hành sách dịch dưới tựa gốc bằng tiếng Anh, với bìa tương tự hoặc giống với thiết kế ban đầu. Đơn cử, bản dịch tiếng Hà Lan tiểu thuyết Yellowface của R.F Kuang trông giống hệt bản gốc, tựa tiếng Anh cũng được giữ nguyên.

Asha Hodge, 19 tuổi, tự nhận mình là một người ham đọc sách, cho biết cô thích đọc bằng tiếng Anh hơn vì cô thích đăng bài về sách bằng tiếng Anh trên tài khoản Instagram của mình.

Cô Hodge là thành viên của nhóm trò chuyện gồm 35 người có tên “Dutch Booksta Girlies”, gồm những thiếu nữ kết bạn với nhau trên Instagram và thảo luận về sách. Hodge cho biết các thành viên nhóm đều thích đọc sách bằng tiếng Anh hơn.

Các hiệu sách đã thích ứng với xu hướng này bằng cách nhập thêm phiên bản tiếng Anh của những cuốn sách nổi tiếng hoặc tập trung quảng bá ấn bản tiếng Anh ở quầy tiểu thuyết dành cho giới trẻ.

Quan điểm của những người bán sách trước hiện tượng này vẫn còn trái chiều. Người thì cho rằng giới trẻ đang bỏ rơi ngôn ngữ mẹ đẻ, người thì cho rằng việc giới trẻ đọc sách là một tín hiệu đáng mừng rồi, không cần biết họ đọc bằng ngôn ngữ nào.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng

Bài liên quan

Lý do Hàn Quốc xuất khẩu sách thành công

Lý do Hàn Quốc xuất khẩu sách thành công

Là một phần làn sóng Hallyu - cùng phim truyền hình, âm nhạc và các dịch vụ văn hóa - sách Hàn Quốc ngày càng có chỗ đứng trên văn đàn thế giới, được độc giả ưa chuộng.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm