Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng thai giáo là một trong những phương pháp quan trọng giúp kích thích sự phát triển tiềm năng về thể lực và trí tuệ của trẻ ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ.
Hiện nay, nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng thai giáo. Nhưng ở Việt Nam, khái niệm này còn khá mới mẻ với các ông bố, bà mẹ trẻ.
Một số cuốn sách được xuất bản, mang đến kiến thức cô đọng cùng hướng dẫn cụ thể về cách thực hiện thai giáo như Rủ chồng thai giáo, Cẩm nang bố mẹ kể con nghe, Cẩm nang dành cho mẹ bầu và thai nhi…
Cuốn sách hướng dẫn các bà mẹ đọc truyện cho con nghe trong quá trình mang thai. Ảnh: N.S. |
Những mẩu chuyện ngắn dành cho bố mẹ và con
Cẩm nang bố mẹ kể con nghe là phiên bản nằm trong bộ Cẩm nang dành cho mẹ bầu và thai nhi. Bộ sách tổng hợp những câu chuyện nhỏ dành cho các bậc phụ huynh, hướng dẫn họ đọc và thực hành với con ngay từ khi em bé còn nằm trong bụng mẹ.
Những câu chuyện ấy giúp cha mẹ và em bé dần hình thành sự tương tác, giúp gắn chặt sợi dây liên kết với nhau hơn.
Trong đó, cuốn Cẩm nang mẹ kể con nghe bắt đầu với vai trò của người mẹ trong việc thực hiện thai giáo. Vì mẹ là người có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi, nên mọi hành động, cảm nhận của mẹ sẽ tác động không nhỏ tới em bé.
Với cuốn cẩm nang này, nhóm tác giả khuyên các bà mẹ nên bắt đầu thai giáo bằng cách kể chuyện trực tiếp cho con nghe chứ không thông qua sự hỗ trợ của công nghệ. Hành động này vừa tạo sự gần gũi, vừa giúp bé làm quen với giọng của mẹ sau này.
Sau mỗi mẩu truyện ngắn là một bài thơ. Đây cũng chính là quãng nghỉ để mẹ có thể dành thời gian thủ thỉ, tâm tình cùng bé; đồng thời nhìn lại nội dung mà cuốn sách muốn truyền tải.
Cuốn sách hướng dẫn các ông bố đọc truyện cho con nghe. Ảnh: K.Đ. |
Nhóm tác giả cũng gợi ý các mẹ nên đọc sách hoặc kể chuyện cho bé vào khung giờ buổi tối, vì đây là khoảng thời gian nhạy cảm với cơ quan thính giác của em bé, nhờ thế mà hiệu quả thai giáo sẽ được nâng cao hơn.
Nhiều người thường nghĩ thai giáo là bổn phận dành cho phụ nữ mà không biết rằng người bố cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tương tác, kết nối với con.
Điều này được thể hiện rõ trong phiên bản Cẩm nang bố kể con nghe. Sách chỉ ra rằng ngoài giọng nói từ mẹ, trẻ nhỏ cũng rất thích thú với thanh âm trầm ấm từ bố.
Có bố cục tương tự cuốn cẩm nang dành cho mẹ, nhưng ở phiên bản này, nhóm tác giả đã khéo léo biến tấu để lời văn được ngắn gọn, cô đọng, phù hợp giọng đọc của bố hơn.
Ngoài những câu chuyện nhỏ sinh động, có nội dung tích cực, các bài thơ ngắn trong cuốn cẩm nang cũng hướng dẫn bố sử dụng câu từ đơn giản, dễ hiểu khi đọc sách cùng con.
Khi tuyển chọn những câu chuyện thai giáo thú vị để đưa vào sách, nhóm tác giả còn mong muốn gửi gắm niềm vui, gợi mở tri thức về thế giới đa sắc màu cho trẻ.
Bên cạnh đó, sách cũng chỉ ra vai trò của người cha trong sự hình thành và phát triển cảm xúc, trí tuệ của trẻ nhỏ. Chẳng những thế, khi bố thực hiện thai giáo cũng giúp mẹ quên bớt mệt mỏi trong quá trình mang thai, gắn kết tình cảm gia đình và không cảm thấy đơn độc trên hành trình 9 tháng 10 ngày gian khổ này.
Cuốn sách của tác giả nam đầu tiên tại Việt Nam viết về thai giáo. Ảnh: Thu Huệ. |
Mẹo nhỏ “dụ” chồng thai giáo
Phạm Ngọc Thắng (1990) là người sáng lập ứng dụng Mamibani về thai giáo và nuôi dạy con thông minh sớm. Anh cũng được gọi là “chuyên gia thai giáo nam giới” ở Việt Nam.
Khi viết cuốn Rủ chồng thai giáo, anh mong muốn chia sẻ 10 mẹo nhỏ giúp các mẹ bầu “dụ” chồng yêu thương vợ con nhiều hơn.
Bằng nhiều cách khác nhau, khi thực hiện thai giáo, người mẹ sẽ truyền tới thai nhi chất dinh dưỡng, trí tuệ và cảm xúc. Đây là 3 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của thai nhi cả trước và sau khi ra đời.
Cuốn sách của ông bố 9X này kể về những trải nghiệm thú vị, nỗi niềm trăn trở từ ngày đầu biết đến thai giáo và quá trình tác giả thực hành cho đến thời điểm xây dựng ứng dụng Mamibabi.
Là cây bút nam nam đầu tiên viết sách về thai giáo ở Việt Nam, tác giả chỉ ra 3 nguyên nhân chính khiến người chồng chưa thực sự quan tâm tới thai giáo, khiến mẹ bầu luôn cảm thấy mệt mỏi, đơn độc: Cám dỗ từ xã hội, áp lực công việc và sự bực dọc, cằn nhằn thường xuyên từ các bà vợ trong quá trình mang thai.
Tác giả hy vọng với cuốn sách này, những lời khuyên của anh sẽ ít nhiều giúp các mẹ có thể “lôi kéo” chồng dành nhiều thời gian cho mình và con hơn, đồng thời giúp mẹ bầu có một thai kỳ nhẹ nhàng, vui vẻ.
Theo tác giả, thai giáo có nhiều tác dụng đối với sự phát triển của một em bé. Do được truyền những cảm súc tích cực từ cha mẹ, em bé sẽ có chỉ số EQ (chỉ số cảm xúc) cao hơn. IQ (chỉ số thông minh) cũng phát triển hơn nhờ những tác động hàng ngày trong suốt thai kỳ.
Kinh nghiệm thai giáo cùng vợ của tác giả đã cho thấy em bé khi sinh ra ăn ngon, ngủ ngon, biết phân biệt sáng - tối nên rất hợp tác với bố mẹ trong sinh hoạt hàng ngày.
Bên cạnh đó, nếu được nghe bố mẹ trò chuyện, đọc sách hoặc mở những bản nhạc có ca từ trong sáng, dễ hiểu, em bé sẽ sớm phát triển khả năng ngôn ngữ và năng khiếu nghệ thuật.
Nhằm tăng tính xác thực và khách quan, tác giả còn đưa ra hàng loạt ví dụ về những nhân vật nhờ thai giáo mà thành tài như: “Giáo sư biết tuốt” nhí Minh Khang, thần đồng piano Evan Le…
Cuối cuốn sách còn có những bức tranh tô màu Mandala giúp mẹ thực hành thai giáo bằng mỹ thuật. Hoạt động này giúp mẹ bầu và thai nhi thư giãn, đồng thời tăng trí thông minh và khả năng cảm thụ nghệ thuật của con.