Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mẹ Việt nuôi dạy thế nào để con trở thành đứa trẻ hạnh phúc?

Trong thời đại smartphone, trẻ con thường được đáp ứng đầy đủ vật chất, công nghệ cao, nhưng điều gì mới thực cần thiết cho mỗi đứa trẻ?

Trong cuốn sách Kỉ luật mềm của trái tim, tác giả Nguyễn Thị Thu đã chia sẻ ý kiến cho rằng điều quan trọng nhất với mỗi đứa trẻ có lẽ chính là việc nuôi dưỡng năng lực nội tâm mạnh mẽ. Tác giả đưa ra những gợi ý gần gũi và rất dễ thực hiện giúp trẻ phát triển ngay trong lòng đời sống đô thị ồn ào, khói bụi, chật chội.

Để nuôi dưỡng năng lực nội tâm của trẻ thơ điều đầu tiên cha mẹ cần chính là tạo được cảm giác bình an cho con bởi “gia đình là nơi dạy trẻ về cảm xúc”, và cha mẹ chính là những người quan trọng nhất chi phối những cung bậc cảm xúc trong gia đình.

Ki luat mem cho trai tim nguyen thi thu anh 1
Bìa sách Kỉ luật mềm của trái tim.

Theo tác giả, hạnh phúc của một gia đình thường đến từ những bữa cơm sum vầy, bởi bữa cơm sum vầy lại chính là cơ hội tốt nhất để cha mẹ và con cái có thể trò chuyện cùng nhau, tạo nên những giây phút thấu hiểu tốt nhất.

Sự bình an trong gia đình cũng đến từ việc chúng ta biết thưởng thức cuộc đời một cách bao dung nhất. Đó là điều tác giả Nguyễn Thị Thu luôn trăn trở trong quá trình nuôi dạy con của mình. Bằng những tình huống rất thực tiễn mà ai cũng có thể phải trải qua trong cuộc đời, cô đã chia sẻ cùng cha mẹ những ý hướng giải quyết thấu đáo.

Cô chia sẻ mỗi người mẹ đừng bao giờ trói buộc cuộc đời mình bởi những đánh giá của người khác, để có thể tự tin với những khiếm khuyết của mình. Bởi vậy, không cần phải đặt cho mình áp lực trở thành cha mẹ hoàn hảo trong mắt con cái, hãy cùng học hỏi trao đổi với con, để có thể cùng con trưởng thành.

Điều con cái cần ở cha mẹ không phải là sự hoàn hảo, mà chính là nụ cười. Rất nhiều đứa trẻ khi được hỏi rằng: “Khi nào con cảm thấy hạnh phúc nhất?”, đã trả lời “Đó là khi bố mẹ cười”. Nụ cười là ánh sáng rực rỡ, tạo năng lượng tích cực, và sưởi ấm gia đình.

Từ sự bình an được tạo nên bởi gia đình, sẽ khiến trẻ cảm thấy tin tưởng cha mẹ.

Cha mẹ hãy cố gắng học cách để trở thành những người bạn đồng hành của con, để con được phép mắc sai lầm, và kiên trì cùng con sửa chữa, hoàn thiện. Chỉ có như vậy mới có thể tạo dựng nên một mối liên hệ tin tưởng bền chặt vững vàng, giữa cha mẹ và con cái.

Quá trình nuôi dưỡng năng lực nội tâm của con là quá trình cần nhiều kiên trì và công sức. Trong đó, việc dành thời gian cùng con trải nghiệm thiên nhiên nguyên sơ cũng là điều vô cùng quan trọng được tác giả Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh trong cuốn sách của mình.

Những trải nghiệm thiên nhiên nguyên sơ giúp kích thích giác quan cơ bản của con người, nuôi dưỡng sự tò mò và hứng thú, khiến chúng ta thấy rung cảm và làm cho tính cảm thụ được phong phú hơn.

Tính cảm thụ phong phú là yếu tố cơ bản nhất để hình thành nên tư duy sáng tạo và trí tưởng tượng.

Ki luat mem cho trai tim nguyen thi thu anh 2
Việc dành thời gian cùng con trải nghiệm thiên nhiên nguyên sơ cũng là điều vô cùng quan trọng.

Trải nghiệm thiên nhiên cũng luôn được đi kèm trong các yếu tố của văn hóa, lịch sử, chúng thấm dần vào tâm hồn, nhân cách và trí tuệ của mỗi đứa trẻ, như mạch nguồn theo chúng suốt đời.

Xem trọng thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên với tâm thế khiêm nhường, cảm tạ chính là chìa khóa giáo dục quan trọng dành cho con, để con trưởng thành hạnh phúc.

Trong Kỉ luật mềm của trái tim, Nguyễn Thị Thu đã chia sẻ với độc giả một số phương pháp cần thiết để bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên cho những đứa trẻ ở thành phố. Cha mẹ nên cùng con quan sát các hiện tượng thiên nhiên như mưa, gió, bão, sấm chớp… khi có cơ hội, hoặc cùng con trồng một cái cây, nuôi một loại động vật hay cho con về vùng nông thôn mỗi tháng một lần để con có thể nhận biết được đom đóm bay, ngắm sao trời, nghe tiếng ếch nhái kêu…

Cứ từng chút một, sẽ dần giúp năng lực nội tâm của mỗi đứa trẻ trở nên giàu có, hạnh phúc.

Kỉ luật mềm của trái tim của tác giả Nguyễn Thị Thu, không đi sâu vào phân tích những kỹ năng ứng dụng một cách cứng nhắc giúp con giỏi giang hay thành đạt, mà chú trọng chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, được trải nghiệm bằng nỗ lực và tình yêu trong quá trình nuôi dạy con của tác giả. Mỗi phần trong cuốn sách đều được trình bày mạch lạc, rõ ràng, giúp các bậc cha mẹ dễ tiếp cận, và chia sẻ.

Tác giả Nguyễn Thị Thu cũng là dịch giả của nhiều cuốn sách nuôi dạy con của Nhật như Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn, Cha mẹ Nhật dạy con tự lập, Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản (tập 2)…


Thủy Nguyệt

Bạn có thể quan tâm