Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sách self-help và văn học đã kết hợp với nhau như thế nào

Theo Beth Blum, nhà nghiên cứu văn học tại Đại học Harvard, sách self-help và văn học đã có sự tác động lẫn nhau từ cuối thế kỷ 19.

sach self-help anh 1

Ảnh minh họa sách self-help. Nguồn: The Nation.

Self-help là một thể loại từng bị giới học thuật chối bỏ trong thời gian dài đầu thế kỷ 19. Các tác giả sách self-help không được coi trọng cho đến khi nền đại công nghiệp chứng tỏ rằng đặc tính trị liệu của sách self-help là cần thiết trong cuộc sống. Cùng văn học, sách self-help nâng đỡ tinh thần và đưa ra bài học về cuộc sống có ích cho độc giả vào những tình huống nhất định. Hai thể loại này tác động lẫn nhau và đem lại các giá trị mới.

Trao đổi giá trị

Tại một nhà sách địa phương, Beth Blum (Nhà nghiên cứu văn học đến từ đại học Harvard) quan sát thấy cuốn tiểu thuyết How to Be Human của Paula Cocozza, được bày bán bên cạnh cuốn self-help của tác giả Heather Havrilesky có tên How to Be a Person in the World.

Blum chợt nảy ra một giả thiết rằng sách self-help và sách văn học dường như có chung những câu hỏi. Chúng có cùng đối tượng phản ánh nhưng sử dụng các diễn ngôn khác nhau. Sau khi tìm hiểu sâu hơn về lịch sử xuất bản, Blum mới khẳng định rằng, tiểu thuyết và sách tự lực đã có sự tác động lẫn nhau để thay đổi từ cuối thế kỷ 19.

Sách tự lực và sách văn học trong lịch sử được ví như những người bạn đồng hành trái tính. Tuy nhiên, lớp độc giả của hai thể loại này rất khuyến khích các cây bút đưa chúng lại gần nhau. Vì vậy, những cây bút văn học đã bắt chước ngôn ngữ và cách gói ghém thông điệp của sách self-help trong các tác phẩm. Chẳng hạn How Should a Person Be? (Sheila Heti), How to Live Safely in a Science Fictional Universe (Charles Yu) , How to Get Filthy Rich in Rising Asia (Mohsin Hamid), How to Be Happy (Eleanor Davis)...

sach self-help anh 2

Tác giả Beth Blum (bên trái), Louis Menand (người giành giải thưởng Pulitzer) và cuốn sách bàn về sự tác động của Self-help với văn học hiện đại, The Self-help Compulsion. Ảnh: Beth Blum.

"Mặc dù self-help thường được quảng bá như một liều thuốc giải độc, nó đại diện cho sự khoa trương trí tuệ và chủ nghĩa duy tâm thẩm mỹ. Còn văn học từ lâu đã xác định mục tiêu là chống lại lối mô phạm công cụ của những giáo thuyết cứng nhắc. Dù vậy, self-help đã góp phần vào việc định hình văn học hiện đại", Beth Blum nhận định.

Sách self-help thúc đẩy việc giải phóng văn học khỏi lối nghĩ mòn sử dụng một thể loại như công cụ nhằm đưa ra các lời khuyên chung chung. Thay vào đó, tác giả văn học nên tự do sáng tác, hướng điểm nhìn vào những thứ vi mô hơn trong tâm hồn mỗi người.

Đó có thể là sự giằng xé, đau đớn, hạnh phúc của mảnh đời riêng. Quan điểm cổ điển coi văn học như sự chuẩn bị cho cuộc sống dần dần bị thay thế. Độc giả sẽ chú ý hơn vào các diễn ngôn hiện đại hướng về việc tự ý thức và tự chăm sóc bản thân như các bài học trong sách self-help.

Thực hành đọc sách self-help tạo ra thách thức mới

Sách self-help bị cho là mánh lới quảng cáo khiến chữ viết chỉ còn là nguyên liệu thô cho các kế hoạch làm giàu nhanh chóng. Các câu hỏi lớn của cuộc đời như làm sao để hạnh phúc, làm sao để giàu có, làm sao để sống tốt... bỗng chốc bị lược thành một vấn đề nhỏ chỉ cần đọc hết một cuốn sách là có giải pháp.

Trong một bài phân tích về lớp công chúng nữ của sách self-help, nhà xã hội học Wendy Simonds đã phát hiện ra rằng: "Người đọc sách tự lực có nhiều khả năng lật đổ uy quyền vật chất của văn bản hơn là trong tiểu thuyết: họ lướt qua, đọc nửa chừng và bỏ dở cuốn sách, chỉ đọc những chương mà họ nghĩ sẽ liên quan đến họ hoặc tình huống cụ thể của họ, hoặc thậm chí sử dụng một cuốn sách bằng cách đọc bìa sau và lướt nhanh qua nó trong hiệu sách".

sach self-help anh 3

Ảnh minh họa cho phương pháp đọc đa phương tiện. Nguồn: iStock.

Thực hành đọc như vậy ngày càng lan rộng trong thời đại văn hóa kỹ thuật số và sách self-help hiện là “một phần của mạng lưới phương tiện truyền thông tâm lý rộng lớn”. Boris Kachka, một nhà báo chuyên về văn học và ngành xuất bản, phàn nàn: “Ngày nay, các cửa hàng (hoặc trang web) đều tràn ngập các hướng dẫn, giai thoại và bài giảng. Không thể phủ nhận sách self-help là đối tượng chính của phương pháp đọc đa phương tiện, đa văn hóa".

Phương pháp này đặt ra thách thức mới cho các cây bút văn học. Làm sao để tác phẩm văn chương vẫn giữ được năng lực chữa lành mà không trở thành giáo lý như một số cuốn sách self-help đơn thuần. Điều này phụ thuộc vào tính thẩm mỹ của mỗi cây bút.

Vai trò của sách self-help

Theo Bruce Robbins (giáo sư Ngôn ngữ Anh tại Đại học Columbia), sách self-help là một kho lưu trữ chung về kinh nghiệm của con người. Dòng sách này là một trong những thể loại đem lại lợi nhuận cao nhất trong 30 năm qua với khoảng 150 đầu sách mới được xuất bản mỗi tuần. Nhu cầu tiếp cận sách self-help chủ yếu được thúc đẩy bởi sự sợ hãi, lo lắng và bất an.

sach self-help anh 4

BookTuber Matt D'Avella và cuốn sách Nghệ thuật tinh tế của việc "đếch" quan tâm. Ảnh: Matt D'Avella.

Các nhà nghiên cứu kinh tế nhấn mạnh sự di chuyển của giai cấp vào cuối thế kỷ 19 đã tạo ra nỗi lo lắng mới về việc thể hiện bản thân trong các tầng lớp trung lưu đầy tham vọng.

Các nhà xã hội học và học giả về tôn giáo vạch ra cách mà sự bất thường của thời đại công nghiệp hiện đại, đô thị hóa và phân công lao động đã tạo ra một khoảng trống mà tri thức self-help có thể lấp đầy.

Các nhà sử học thảo luận về vai trò của sách self-help như một nhân tố trong “sự hỗn loạn của thời điểm chuyển giao thế kỷ”. Họ kết luận rằng “đặc tính trị liệu” ở các sản phẩm truyền thông đại chúng được hình thành rõ nét hơn.

Cùng văn học, sách self-help đem lại sự chữa lành cần thiết cho con người. Chúng đã phát huy tốt giá trị của mình trong bối cảnh nhu cầu tự chăm sóc bản thân ngày càng tăng.

Đọc sách self-help thế nào cho hiệu quả

Độc giả chia sẻ về trải nghiệm đọc sách self-help và cách để những thông điệp, bài học, động lực từ sách đến gần với thực tế hơn.

Trải nghiệm cận tử của một bác sĩ thần kinh Mỹ

Eben Alexander cho biết những gì mà ông đã trải qua đã giúp ông nhận ra rằng cái chết của cơ thể và bộ não không đồng nghĩa với sự chấm dứt của ý thức.

Đức Huy

Bạn có thể quan tâm