Là thạc sĩ chuyên ngành Quản lý rừng nhiệt đới bền vững, học bổng toàn phần Eramus Mundus do Liên minh châu Âu tài trợ, Phan Quốc Dũng đã đầu tư tất cả tâm huyết cho cuốn sách Được rồi, bay thôi! - Du học sao cho không nhọc.
Cuốn sách tựa một cuốn cẩm nang thu nhỏ những điều mà một người có ý định đi du học cần biết.
Cuốn sách Được rồi, bay thôi! - Du học sao cho không nhọc do NXB Thế giới phát hành. Ảnh: Trần Xuân Tiến. |
Đọc sách, chúng ta sẽ biết đến hàng loạt “thuật ngữ chuyên ngành” trong lĩnh vực du học như #Utachi (cha mẹ ta chi, du học tự túc), #Tadishin (ta đi ta xin, săn học bổng) hay #Taditaway (ta đi ta vay, chủ động tìm kiếm tài chính cho du học).
Đồng thời, kể lại nhiều câu chuyện tình huống thực tế, Phan Quốc Dũng đã giúp độc giả cảm thấy gần gũi và dễ tiếp cận về đề tài du học.
Bằng giọng văn hóm hỉnh, Phan Quốc Dũng cũng gửi đến độc giả thông điệp với góc nhìn đa chiều: con đường du học không trải hoa hồng mà ngược lại tiềm ẩn rất nhiều “điều phải lo”.
Phan Quốc Dũng tâm sự: “Hành trình đó chỉ dành cho những người có đam mê và hoài bão đủ lớn, có sự chuẩn bị kỹ càng để sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách và khó khăn. Du học không đơn giản là đi để có cái mác 'sang chảnh' khoe với mọi người mà là hành trình của sự thay đổi và trưởng thành”.
Thế nên, để hiện thực hóa ước mơ du học, nếu chỉ có đam mê, hoài bão thôi là chưa đủ, theo Phan Quốc Dũng, chúng ta cần có những tố chất khác như chịu thay đổi, chịu được áp lực và chủ động trong cuộc sống, và những bước chuẩn bị hành trang, lên kế hoạch kỹ lưỡng.
Đồng thời, tác giả gợi ý lựa chọn các loại hình du học, lập kế hoạch săn học bổng, những lưu ý khi học tập và sinh sống ở nước ngoài…
Kết cấu cũng cuốn sách đơn giản, dễ hiểu. Chương một chia sẻ về việc hình thành ước mơ du học, cách để tìm kiếm các cơ hội du học và các hình thức du học phổ biến. Chương hai trình bày về cách lập kế hoạch du học, con đường tìm kiếm học bổng và chinh phục nó.
Chương ba là hành trình khám phá chân trời mới và chinh phục tấm bằng Thạc sĩ ở nước ngoài của tác giả. Đó cũng chính là hành trình dài của một chàng trai Việt hiện thực hóa ước mơ du học bằng nỗ lực và phấn đấu đã trải qua.
Đọc sách, độc giả như thể đi cùng hành trình ấy với Phan Quốc Dũng, để cùng học hỏi và cùng chiêm nghiệm.
Đáng chú ý, trong sách, anh cũng bật mí một vài bí kíp hiệu quả để nâng cao khả năng ngoại ngữ như "nghe thụ động, viết nhật ký”...
Theo tác giả, ngoại ngữ giờ đây được coi như một tấm hộ chiếu trong hành trang khám phá thế giới. Không chỉ trau dồi khả năng nghe hiểu, ngoại ngữ cần được mài giũa thành kỹ năng và quy đổi ra điểm số trên các chứng chỉ quốc tế.