Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đọc sách self-help thế nào cho hiệu quả

Độc giả chia sẻ về trải nghiệm đọc sách self-help và cách để những thông điệp, bài học, động lực từ sách đến gần với thực tế hơn.

Ảnh minh họa: Six_Seconds.
sach truyen cam hung anh 1
sach truyen cam hung anh 1

Ảnh minh họa: Six_Seconds.

Dòng sách tự lực (self-help) hay sách phát triển bản thân (self-improvement) thường là đề tài gây nhiều tranh cãi về tính hiệu quả và ứng dụng của nó. Các vấn đề như nên đọc như thế nào cho hiệu quả, có nên đọc self-help không, hay thậm chí nghiện self-help có thể đem lại tác hại gì… được thảo luận thường xuyên.

Song, thực tế là thị trường sách self-help vẫn tăng dần trong những năm qua. Số liệu thống kê của ngành xuất bản năm 2022 cho thấy dòng sách tham khảo, kỹ năng chiếm 28,4 % số lượng sách (tăng 150% so với năm trước), cho thấy nhu cầu của độc giả đối với dòng sách này là rất lớn.

“Với mình, đây là loại sách dễ đọc, dễ cảm. Ai cũng có thể tìm được bản thân trong những cuốn sách này. Bởi vì ai chẳng có tính trì hoãn, lười biếng, thiếu kỹ năng sắp xếp thời gian hoặc quản lý tài chính cá nhân”, Nguyễn Thu Hà, một độc giả tại Hà Nội, chia sẻ.

Vậy vấn đề nằm ở chỗ chúng ta nên đọc như thế nào, làm sao để đưa những thông điệp, bài học và động lực từ sách ra thực tế, đem lại sự thay đổi cho chính người đọc.

Chọn đọc sách phù hợp

Trong thể loại sách self-help cũng chia ra từng chủ đề nhỏ như sách kỹ năng cá nhân, quản lý, tài chính, khởi nghiệp… Từ đó, mỗi người, tại mỗi thời điểm khác nhau với những nỗi lo riêng sẽ tìm cho mình lời khuyên phù hợp.

Thi Thi - độc giả tại TP.HCM - cho biết sau khi chọn đúng loại sách, cô thường sẽ lướt qua mục lục để tìm xem tiêu đề nào phù hợp với bản thân lúc đó rồi mới đọc chứ không đọc một mạch hết một cuốn sách self-help.

“Mình cảm thấy self-help không xấu, nhưng mỗi người, mỗi hoàn cảnh sẽ có hướng giải quyết khác nhau. Vì thế ngay cả khi có cuốn nào làm mình tâm đắc quá, mình cũng chỉ giới thiệu cho bạn bè nếu thấy họ đang gặp vấn đề tương tự chứ không phải gặp ai cũng nói về nó được”, cô nói.

Sách self-help là những cuốn đem lại năng lượng tích cực và giúp người đọc rút ra bài học. Ảnh minh họa: Bigstock.
sach truyen cam hung anh 2
sach truyen cam hung anh 2

Sách self-help là những cuốn đem lại năng lượng tích cực và giúp người đọc rút ra bài học. Ảnh minh họa: Bigstock.

Ngoài ra, self-help có thể được xem như cách gọi chung của những cuốn sách truyền cảm hứng, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, bài học… mà trên thực tế độc giả cũng có thể tìm thấy những bài học tương tự ở các thể loại sách khác.

“Nói rằng bản thân chưa từng đọc sách self-help thì cũng không hẳn, vì mình thường tìm thấy năng lượng và bài học từ những cuốn sách lịch sử, triết học hơn. Mình học được nhiều từ các nguyên thủ quốc gia, những nhà quân sự, hay thậm chí là từ văn hóa, lối sống của các nước khác trên thế giới… Với mình sách self-help là bất kỳ cuốn sách nào cho mình cảm giác: ‘Ồ, mình muốn trở thành một người như vậy’ hay ‘mình sẽ thử điều này’, quan trọng là nó phù hợp với bản thân”, độc giả Thiên Thanh đưa ra một góc nhìn khác về khái niệm self-help.

Mục đích của việc học hỏi

Tuy nhắm tới mục đích tích cực như phát triển bản thân, sách self-help thường bị lên án là không có hiệu quả thực tế mà chỉ cho người đọc một loại "động lực ảo". Nghĩa là nguồn động lực chỉ được khơi gợi một cách mạnh mẽ trong lúc đọc hoặc vừa đọc xong, nhưng sau khi gấp sách lại thì khí thế này không kéo dài lâu và người đọc dễ dàng quay lại với thói quen cũ.

“Bởi vì sách bảo dậy sớm để thành công, nhưng dậy sớm xong làm gì tiếp để thành công thì sách không nói. Cũng giống như việc vỡ ra', động lực đến từ bên ngoài sẽ không tồn tại được lâu nếu như nó không chuyển hóa thành động lực bên trong. Đọc sách và nghĩ mình sẽ thành công như tác giả nếu mình dậy sớm được như tác giả, động lực này sẽ biến mất khi trang sách gấp lại, không còn ai thúc đẩy nữa. Nhưng nếu biết mình dậy sớm để làm gì, vì điều gì, thì sẽ duy trì được lâu thật lâu”, độc giả Nguyễn Thu Hà bày tỏ.

Cô cho biết bản thân cũng đã thực hành một vài điều học được trong sách self-help như yêu bản thân, tha thứ cho người khác chính là tha thứ cho bản thân mình... Với Hà, đây là những điều cô cho rằng mình cần học và bắt đầu học một cách có mục đích, có lý do.

Phát triển bản thân là một hành trình lâu dài và đòi hỏi nhiều nỗ lực để thoát ra khỏi những thói quen, suy nghĩ cũ. Chỉ đọc sách và thực hành theo đôi khi là chưa đủ, bởi điểm cốt lõi của khái niệm self-help (hay tự lực) nằm ở chỗ người đọc có thể đem những bài học của người khác biến thành bài học của bản thân hay không.

Khi nào đọc self-help trở thành nghiện self-help

Khái niệm “nghiện self-help” ngày nay không còn xa lạ, đó cũng là một lý do phổ biến khiến nhiều người tỏ ra quan ngại với dòng sách này. Vậy khi nào việc đọc self-help trở thành nghiện self-help?

Sách self-help chỉ là một nguồn tham khảo mà từ đó người đọc có thể rút ra bài học để tự giúp mình, hoặc cũng có thể là tự hại mình.

Độc giả Nguyễn Thành Công

Với Nguyễn Thành Công (TP.HCM), đó là khi người đọc trở nên bị ám ảnh bởi những tấm gương thành công, muốn bản thân cũng nhanh chóng đạt được thành tựu để rồi khi thất bại lại tiếp tục quay về tìm lời khuyên từ trong sách.

“Mình đã chứng kiến một người thân làm ăn liên tục thất bại nhưng thay vì dừng lại và tìm ra nguyên nhân thất bại, họ lại đưa câu chuyện của người này người kia đã thất bại rất nhiều lần trước khi thành công. Họ có niềm tin rằng đến một lúc nào đó mình cũng sẽ đạt được thành tựu như thế mà không biết rằng những gì sách viết chỉ là một phần bề nổi rất nhỏ trong cuộc đời một ai đó”, anh nói.

Còn với Thi Thi, dấu hiệu của một người “lậm self-help” là khi người đọc tiếp thu quá nhiều lý thuyết và thường xuyên chia sẻ lại những lý thuyết đó với những người không có nhu cầu lắng nghe dễ khiến họ cảm thấy khó chịu. Bên cạnh đó, bài học từ các tác giả sách cũng cần được áp dụng khéo léo cho từng trường hợp.

“Có thể tác giả nào đó áp dụng được những điều trong sách là vì họ ở Mỹ hoặc nước nào đó khác Việt Nam, hay vì họ lớn lên trong môi trường không có quá nhiều rào cản... Muốn làm theo họ thì mình cũng không thể bỏ qua các yếu tố ngoại cảnh được. Trong khi người lậm self-help thì thường nghĩ rằng họ làm được thì mình cũng làm được, rồi mất thời gian thử tới thử lui các phương pháp mà không hiệu quả”, độc giả Thi Thi chia sẻ.

“Không chỉ có sách, mà bây giờ trên báo chí, mạng xã hội cũng nhan nhản những bài viết chia sẻ cách kiếm tiền, làm giàu nhanh chóng và không khó hiểu khi chúng cực kỳ hút người xem. Xét cho cùng thì ai cũng muốn thành công, muốn mình tốt hơn, sách self-help chỉ là một nguồn tham khảo mà từ đó người đọc có thể rút ra bài học để tự giúp mình, hoặc cũng có thể là tự hại mình”, Nguyễn Thành Công kết luận.

Bài liên quan

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm