Sách Đắc nhân tâm. Ảnh: F.N. |
Hiện nay, sách self-help được chia thành một số dòng nhỏ. Tiêu biểu là sách kỹ năng cá nhân; quản lý, tài chính; khởi nghiệp... Sách kỹ năng thường khá phổ biến vì đáp ứng nhiều nhu cầu và khi đọc xong độc giả sẽ “nâng cấp” được ngay một kỹ năng nào đó như giao tiếp hay nấu ăn.
Còn sách tài chính sẽ vĩ mô hơn nhưng một số tác giả hiện nay cũng đã đơn giản hóa kiến thức thành chỉ dẫn cụ thể về vấn đề quản lý tiền bạc hay quản trị nhân sự. Dòng sách khởi nghiệp có thể được viết dưới dạng hồi ký hoặc các câu chuyện về vĩ nhân lại dạy cách nhận biết rủi ro và bắt đầu công việc kinh doanh độc lập.
Điều quan trọng người đọc cần lưu ý ở dòng sách self-help là cam kết hành động của bản thân với các chỉ dẫn của tác giả. Để việc đọc sách self-help không trở thành thói quen lãng phí thời gian, độc giả cũng cần phải biết "bước ra khỏi vùng an toàn" và áp dụng những gì mình học trong sách.
Lý giải về việc một số người cho rằng dòng sách này dần trở nên sáo rỗng, dịch giả Ngô Thế Vinh nhận định: “Ai đọc mà không áp dụng thì sẽ thấy nó hơi mang tính hô hào vô nghĩa. Điểm này nhiều người thường viện ra để chê sách khởi nghiệp. Nhưng ai dám mạo hiểm thì sẽ thấy rất hữu ích”.
Từ góc nhìn cá nhân, ông Võ Đình Trí (thành viên của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu AVSE Global) lại thấy rằng dòng sách này nên được gọi là sách phát triển bản thân (self-improvement). Bởi sách đem lại tính ứng dụng trong việc hình thói quen và cá kỹ năng cơ bản.
Trong quá trình trải nghiệm của bản thân, ông Trí nhận thấy những lời khuyên trong sách đã giúp ích cho việc giao tiếp, cư xử và điều hòa các mối quan hệ. Không phủ nhận rằng vấn đề được đặt ra trong dòng sách này có dấu hiệu bị lặp lại, tuy nhiên, điều người đọc cần quan tâm là việc tác giả xử trí ra sao.
“Cá nhân tôi thấy rằng trên thị trường có rất nhiều đầu sách phát triển bản thân. Có cuốn hay cuốn dở. Vì vậy người đọc cần phải lựa chọn theo các tiêu chí như tác giả (họ có chuyên môn ra sao, có nền tảng học thuật như nào) và các lý lẽ trong sách (chúng được lập luận bằng chứng cứ khoa học, kết quả nghiên cứu xác thực đến đâu)”, ông Trí cho biết.
Mỗi cuốn sách đều mang lại một giá trị nhất định cho người đọc. Sách self-help tập trung vào những kỹ năng và trải nghiệm của cá nhân. Điểm mạnh của dòng sách này chính là đem đến cho người đọc những cái nhìn từ tổng quan tới chi tiết của một vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Đó có thể là giao tiếp ứng xử, những mối quan hệ...
Chẳng hạn cuốn Đắc nhân tâm đưa ra những quy tắc về việc ứng xử, cuốn Quà tặng diệu kỳ tập trung vào câu hỏi làm sao để bản thân sống lạc quan hơn.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, sách tự lực hay sách phát triển bản thân đã phát triển rất mạnh mẽ từ đầu thế kỷ 19. Ngày nay, chúng trở nên đa dạng hơn rất nhiều. Mỗi người đều có thể tìm thấy cho mình một cuốn sách phù hợp với bản thân.
Ví dụ một nhân viên văn phòng sẽ tìm tới những cuốn sách liên quan tới cuộc sống thú vị xảy ra chốn văn phòng, cách ứng xử nơi công sở…
“Đa phần sách self-help tới từ những trải nghiệm cá nhân, giải quyết vấn đề cá nhân trong bức tranh muôn màu muôn vẻ của cuộc sống nên chắc chắn mỗi độc giả cần ít nhất đọc thử một cuốn sách thuộc dòng này”, đại diện Công ty Cổ Phần sách Bách Việt cho biết.