Những cuốn self-help hay nhất đầu năm 2023 được tạp chí Marie Claire bình chọn. Ảnh: Marie Claire. |
Sách self-help, đúng với tên gọi của nó, là dòng sách đưa ra cho người đọc những cách để cải thiện vấn đề của bản thân. Sách hướng vào các nội dung như trầm cảm, lo lắng, thiếu tự tin, rắc rối trong các mối quan hệ với bản thân hoặc người khác. Tác giả sẽ đưa ra bài học và lời khuyên thông qua chiêm nghiệm của bản thân về đời sống. Tuy nhiên, nhiều độc giả cho rằng dòng sách self-help đang bị bão hòa bởi những tác giả không có uy tín. Họ cho rằng thông điệp chúng đưa ra quá mơ hồ và không mới mẻ.
Độc giả mong đợi một cuốn sách self-help như nào
Nguyễn Thùy Dương (23 tuổi, sống tại Hà Nội) bắt đầu đọc các cuốn self-help từ khi còn là học sinh cấp 2. Dù đã trưởng thành nhưng Dương cảm thấy những lời khuyên trong các cuốn sách self-help vẫn giúp phát triển bản thân và giải quyết rắc rối cuộc sống. Do đó, trong một năm Dương vẫn mua từ hai đến ba cuốn thể loại này. Một cuốn sách chỉ dày khoảng 150-250 trang, Dương có thể đọc trong một buổi tối.
Gần đây, Dương nhận thấy nội dung của một số cuốn sách self-help bị thiếu sáng tạo. Nhiều thông điệp bị lặp lại ở các tác phẩm khác. "Tác giả đưa ra nhiều đoạn văn chung chung về hạnh phúc, tâm linh. Vẫn hướng đến mục tiêu thay đổi thói quen, loại bỏ sự tự ti nhưng mình thấy chỉ số ít cuốn sách đưa ra được các câu chuyện hấp dẫn hay các câu nói có giá trị", Dương chia sẻ.
Bên cạnh đó, độc giả này cũng nhắc tới cuốn sách Khi bạn đang mơ thì người khác đang nỗ lực như một ví dụ cho cuốn self help bản thân trông đợi. Dương cho rằng, những chỉ dẫn như: "Chỉnh đồng hồ sớm hơn năm phút", "Đôi khi cần là một người ích kỷ" là những thông điệp mới phù hợp với thế hệ gen Z hơn.
Sách Khi bạn đang mơ thì người khác đang nỗ lực. Ảnh: Reader. |
Không chỉ Dương, Chu Ngọc Mai (27 tuổi, trú tại Ba Đình, Hà Nội) cũng đồng tình với quan điểm rằng sách self-help cần đưa ra những kế hoạch thay đổi cụ thể chứ không phải chỉ vài khái niệm qua loa. Để phát triển bản thân, Mai thường tìm đến những tác giả có nền tảng học thuật về tâm lý. Họ có thể là một chuyên gia hoặc một bác sĩ. Cách viết của họ có cơ sở khoa học hơn so với những tác giả viết theo lối văn học.
Mặt khác, Ngọc Mai cũng thấy rằng những cuốn sách có trang trí, trình bày đẹp thường đem lại trải nghiệm đọc tốt hơn, đặc biệt với dòng sách self-help. "Với cá nhân mình, những cuốn sách self-help không phải đọc sâu, bởi nó không như dòng sách khoa học, phải nghiền ngẫm. Vì vậy các đoạn highlight câu nói, tranh ảnh đẹp mắt giữ người đọc tập trung vào cuốn sách thay vì bị xao nhãng bởi các yếu tố khác như internet, điện thoại... là cần thiết. Hơn nữa, khi lật lại mình có thể dễ dàng tìm được đoạn cần đọc", Ngọc Mai cho biết.
Làm sao để chọn một cuốn self-help tốt
Các biên tập viên của tờ New York Times cho rằng trước việc thị trường sách self-help ngày càng nhiều, độc giả cần cân nhắc đến những yếu tố như tác giả, nội dung trong cuốn sách dựa trên bằng chứng nghiên cứu hay quan điểm cá nhân, những lời cam kết tác giả đề ra.
Người đọc đang ngày càng ngán ngẩm với những dòng tiêu đề hứa hẹn như "Thay đổi bạn trong một tháng" hay "Thay đổi thói quen trong hai tuần" đều là những lời suông. Bởi họ nhận ra tác dụng của sách self-help chỉ đến khi người đọc thực hiện những lời khuyên trong đó một cách có kỷ luật.
Các độc giả trẻ cũng thường tránh những cuốn sách đưa ra yêu cầu như: “Hãy nghĩ về khoảng thời gian bạn gặp khó khăn và cách bạn vượt qua nó” hoặc “Sức mạnh của suy nghĩ tích cực sẽ giúp bạn đạt được ước mơ của mình”. Họ cần phương pháp cụ thể để sắp xếp lại cuộc sống hoặc đối diện với các khó khăn. Các phương pháp đó cần chứng mình bằng cơ sở khoa học. Do đó, người đọc nên chọn một tác giả uy tín có kinh nghiệm trong việc nghiên cứu tâm lý, xã hội.
Cuốn The Definitive Book of Body Language lần đầu được xuất bản năm 2004. Đến nay nó vẫn nằm trong nhiều danh sách must read của các bảng xếp hạng sách. Ảnh: SocialLife |
Theo trang Book Editing Associates, những cuốn self-help được yêu thích trên thị trường thường là cuốn sách đem lại cho độc giả một kế hoạch cụ thể cách để thay đổi bản thân. Cuốn The Definitive Book of Body Language của Allan và Barbara Pease là một ví dụ. Nó được coi như một khóa học về ngôn ngữ cơ thể. Mặc dù viết về một đề tài khoa học được nghiên cứu trong hàng thập kỷ nhưng tác giả trình bày theo cách dễ hiểu với các tiêu đề như "13 cử chỉ phổ biến nhất bạn sẽ thấy hàng ngày", "Cử chỉ bàn tay và ngón tay cái"... Nội dung chương tiếp tục chia nhỏ thành các tiểu mục. Mỗi mục, người đọc có thể hiểu được một khái niệm mới có giá trị.
Các ví dụ trực quan là điều cần thiết. Người đọc đã chán với những câu chuyện của người nổi tiếng trên các bảng xếp hạng. Họ cần nhân vật mới, những câu chuyện thời sự hơn và một góc nhìn độc đáo. Chẳng hạn như cuốn I Can Make You Thin, cuối mỗi chương đều là một câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất về quá trình giảm cân của một người nào đó, số lượng họ đã giảm và hình ảnh của họ trước và sau.
Hiện nay, nhiều người cũng mong muốn tiếp cận dòng sách self-help dưới dạng audiobooks hơn. Một số cuốn sách ebook đã tặng kèm bản sách nói hoặc mọi người có thể tìm kiếm trên các ứng dụng nghe sách trực tuyến.