Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm đang là sự kiện được người yêu đọc sách và người làm xuất bản trên cả nước đón chờ. Ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn - chia sẻ góc nhìn về giải thưởng từ một người sáng tác, người làm xuất bản.
Giải thưởng uy tín sẽ khích lệ người cầm bút
- Với tư cách là một nhà văn, ông đánh giá như thế nào về các giải thưởng dành cho sách và văn chương ở nước ta hiện nay?
- Từ trước đến nay, ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, các giải thưởng đều có tác dụng khích lệ người cầm bút, khẳng định đóng góp của họ và chất lượng của tác phẩm. Nếu chúng ta trao giải thưởng không đúng, sẽ tạo nên nghi ngờ trong lòng bạn đọc, các tác giả tâm huyết cũng cảm thấy những tác động tiêu cực.
Trong vòng 10-20 năm trước, có những giải thưởng được trao không đúng. Thế nhưng, những năm gần đây, các giải thưởng đã khác đi, biên độ trong việc trao giải thưởng đã được mở rộng. Thêm vào đó, tính chính xác nhất định của các giải thưởng, sự đón nhận của dư luận và truyền thông của báo chí, cùng giá trị giải thưởng được nâng cao… các yếu tố này đã tạo nên niềm hứng khởi.
Chúng khiến cho giới chuyên môn tin vào giải thưởng, từ đó bạn đọc cũng mong chờ cuốn sách nhiều hơn. Sau Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn năm 2021, hay Giải thưởng Tác giả Trẻ, bạn đọc đã tìm đọc và đón nhận các tác phẩm đó, theo tôi là một dấu hiệu đáng mừng.
Ông Nguyễn Quang Thiều tham gia Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia hôm 20/9. Ảnh: Duy Anh. |
Các giải thưởng văn học lớn trên thế giới như Nobel Văn chương, Pulitzer, Goncourt, Booker đều có tính chính xác cao và được trao cho những tác phẩm xứng đáng. Vì vậy, chúng không chỉ có ảnh hưởng ở quốc gia trao giải, mà còn ảnh hưởng đến độc giả ở nhiều nước khác.
Muốn tạo nên một giải thưởng có chất lượng, cách nhìn nhận, đánh giá của giải thưởng phải thay đổi để chọn ra tác phẩm giá trị. Để làm được điều này, hội đồng sơ khảo, chung khảo đóng vai trò quan trọng. Những người làm công tác chấm giải phải thấu hiểu sự biến động của nghệ thuật, của thi pháp cũng như các vấn đề mà cuốn sách đề cập.
- Với tư cách là giám đốc của một nhà xuất bản, theo ông Giải thưởng Sách quốc gia có ảnh hưởng như thế nào tới người làm sách?
- Theo tôi, giải thưởng này mang lại một niềm vui cho người làm sách, vì Giải thưởng Sách quốc gia có những khác biệt so với các giải thưởng khác. Không chỉ tác giả được giải thưởng mà đơn vị xuất bản cũng được vinh danh tại giải thưởng.
Ban tổ chức trao giải cho cả người khám phá, công bố và phát hiện cuốn sách đó. Tôi cho đó là một khác biệt lớn của giải thưởng, nó góp phần tác động đến giới xuất bản.
Vài năm trở lại đây, các nhà xuất bản mới suy nghĩ và đợi chờ giải thưởng này. Trước kia họ cảm thấy rất mơ hồ về giải thưởng và không để ý lắm, nhưng khi Giải thưởng Sách quốc gia bắt đầu trao cho những cuốn sách có giá trị thực sự, thì ngay lập tức các nhà xuất bản có cái nhìn khác về giải thưởng.
Theo tôi, làm tốt các công tác tuyên truyền, chuẩn hóa quy trình xét giải, mở rộng biên độ giải thưởng, từ đó, sẽ tạo ra nhiều giá trị cho giải thưởng này.
- Ông đánh giá như thế nào về sức lan tỏa của giải thưởng trong cộng đồng?
- Tôi cho rằng bạn đọc luôn chờ đợi những giá trị mà giải thưởng mang lại. Ngoài dư luận trong cộng đồng đọc sách, dư luận từ các nhà phê bình, thì giải thưởng cũng tạo ra những luồng dư luận nhất định.
Đã có một thời gian, một số giải thưởng không đạt được sự đồng thuận của những người viết, các nhà phê bình và công chúng. Nhưng vài năm trở lại đây, có khá nhiều giải thưởng đã tìm được sự đồng thuận từ phía các nhà văn, độc giả và giới phê bình.
Độc giả trước kia thờ ơ với các giải thưởng văn chương trong nước thì nay bắt đầu để ý tới các giải thưởng. Tôi cho đây là sự lan tỏa tích cực.
- Là người tham gia hội đồng cuối cùng để xét Giải thưởng Sách quốc gia, ông ấn tượng nhất với cuốn sách nào lọt vào vòng chung khảo năm nay?
- Năm nay, tôi ấn tượng với cuốn Văn minh vật chất của người Việt của Phan Cẩm Thượng, đây là một cuốn sách nghiên cứu dày và kỹ lưỡng. Tác giả không phải là người làm nghiên cứu hàn lâm, nhưng với tất cả tình yêu của ông dành cho di sản văn hóa dân tộc, cùng với tư duy đầy khoa học và cách tiếp cận có hệ thống với các chứng cứ, tư liệu lịch sử, tác giả đã cho ra đời một cuốn sách rất giá trị.
Sách Văn minh vật chất của người Việt. Ảnh: Duy Anh. |
Một cuốn sách giành nhiều giải thưởng là điều bình thường
- Hội Nhà văn và Hội Xuất bản đều có những giải thưởng dành cho sách và văn chương, theo ông các giải thưởng này có sự cạnh tranh không?
- Tôi cho rằng giữa các giải thưởng không có sự cạnh tranh. Ở mỗi hội đồng, sẽ có những tiêu chí riêng để xét giải. Nhưng các tiêu chí này phải đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định.
Từ đó, tác phẩm đoạt giải mới được đón nhận ở một bộ phận lớn những người làm nghề và bạn đọc. So với các quốc gia khác, Việt Nam còn ít giải thưởng dành cho sách nói chung và văn chương nói riêng. Ở Mỹ có tới hàng trăm giải thưởng cho sách và văn chương, từ giải thưởng của các hội nghề nghiệp, giải thưởng của các quỹ dành cho sáng tác, quỹ văn hóa và các quỹ xã hội khác.
Ban tổ chức trao giải cho cả người khám phá, công bố và phát hiện cuốn sách. Tôi cho đó là một khác biệt lớn của giải thưởng, nó góp phần tác động đến giới xuất bản.
Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Khi một tác phẩm có tác động tích cực tới đời sống tinh thần của độc giả hay một khía cạnh nào đó về văn hóa thì theo tôi nó đều có giá trị cả. Tôi mong muốn đến một ngày nào đó, có những giải thưởng của các tập đoàn kinh tế lớn. Với khoản tiền thưởng lớn, các nhà văn có thể chuyên tâm hơn cho sự nghiệp sáng tác. Tôi rất hoan nghênh điều đó.
Các giải thưởng nếu được chọn lựa đúng, tôn vinh đúng, thì nó luôn mang lại hiệu quả và những tác động tích cực cho xã hội và bản thân tác giả.
- Qua 5 năm, theo ông Giải thưởng Sách quốc gia cần làm gì để hoàn thiện hơn?
- Với Giải thưởng Sách quốc gia, chúng ta cần xem lại một số vấn đề. Trước hết, việc truyền thông phải được mở rộng hơn nữa, để bạn đọc thấy rằng giải thưởng này có giá trị.
Thứ hai, tôi nghĩ chúng ta phải thường xuyên thay đổi các thành viên trong ban sơ khảo và chung khảo để tạo nên những cái nhìn khác biệt.
Thứ ba, chúng ta phải vượt qua được những vùng cấm bên trong, với những cuốn sách mà chúng ta cho là “nhạy cảm”.
Ở các giải thưởng, ban sơ khảo, ban chung khảo rất quan trọng, họ phải xác lập được giá trị thực sự của cuốn sách, và có khả năng nhìn nhận ảnh hưởng của cuốn sách trong thời gian tới, khi nó được trao giải.