Sách nói Bố già. Ảnh: VoizFM. |
Theo Hiệp hội các nhà xuất bản sách nói (APA), thị trường sách nói tại Mỹ đang tiếp tục tăng trưởng, với doanh thu tăng thêm 9%, lên 2 tỷ USD vào năm 2023. Tại châu Âu, thị trường sách nói cũng đang phát triển mạnh mẽ. Theo đó, 46% độc giả Đức cho biết đã nghe sách nói hoặc podcast trong năm qua và gần một phần ba độc giả ở Pháp và Tây Ban Nha cũng làm điều tương tự.
Nhìn chung, thị trường sách nói toàn cầu sơ bộ đã đạt giá trị 6,83 tỷ USD vào năm 2023 và doanh số dự kiến sẽ đạt 8,67 tỷ USD vào năm 2024, theo Grand View Research.
Các chiến lược bản địa hóa
Tại Đức, tổng doanh thu sách nói của nước này đạt khoảng 300 triệu euro vào năm 2022, theo Colin Hauer, CEO của Hörbuch Hamburg, một trong những nhà xuất bản sách nói lớn nhất của Đức. Thị trường sách nói nước này cũng đã ghi nhận sự tăng trưởng ổn định, đặc biệt là kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19. Trong năm 2023, khoảng một nửa trong số 85 triệu người dân Đức đã sử dụng sách nói, podcast hoặc nghe phim truyền hình.
Chantal Restivo-Alessi, Giám đốc kỹ thuật số kiêm CEO phụ trách mảng ngôn ngữ nước ngoài của nhà xuất bản HarperCollins, đã lưu ý đến những khác biệt đáng kể giữa các quốc gia như Đức, với lịch sử phát triển sách nói từ lâu, và các thị trường mới nổi ở châu Âu và châu Mỹ Latinh. "Bạn thực sự phải hiểu thị trường, tôn trọng văn hóa của họ và hiểu cách hoạt động trong từng tình huống cụ thể", bà nhận xét.
Thị trường sách nói đang phát triển rất đa dạng. Ảnh: Pocket lint. |
Helena Gustafsson, Giám đốc nội dung tại Storytel, công ty sách điện tử, sách nói có trụ sở tại Thuỵ Điển, cũng chia sẻ rằng ở các nước Bắc Âu, lượng tiêu thụ sách nói đã đạt đến mức ấn tượng. Ví dụ, tại Thụy Điển, sách nói hiện chiếm 35% doanh thu của các nhà xuất bản. Lượng sách bán ra của họ cũng có tới 64% là sách nói.
Lee Jarit, tân Giám đốc quan hệ đối tác của nền tảng sách nói Audible, cũng chia sẻ về cách tiếp cận của họ trong việc thâm nhập vào các thị trường mới, đặc biệt là Brazil và Nhật Bản.
Ngành công nghiệp sách nói của Brazil vẫn còn non trẻ khi Audible thâm nhập thị trường. Do đó, họ đã đầu tư mạnh vào việc sản xuất 1.500 đầu sách nói của Brazil, trong đó sử dụng người kể chuyện là người nổi tiếng.
Ông Jarit cho biết: "Chúng tôi biết mình sẽ phải đầu tư rất lớn để tạo nên một danh mục nội dung âm thanh hoàng tráng, đủ sức thu hút người Brazil đến với mảng xuất bản mới này". Ngoài ra, công ty cũng tập trung các nỗ lực tiếp thị vào sự tiện lợi của sách nói, khi người dùng Brazil có thể vừa nghe sách nói, vừa làm các công việc hàng ngày. Tính năng này rất hấp dẫn đối với những người đi làm ở những thành phố như São Paulo, nơi nổi tiếng về thời gian di chuyển dài.
Tại Nhật Bản, nơi sách nói hầu như không được biết đến trước khi Audible thâm nhập vào đây, doanh nghiệp này cũng đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thuyết phục các nhà xuất bản địa phương. Tại đây, Audible cũng nhấn mạnh vào việc sử dụng người kể chuyện là người nổi tiếng và các chương trình hợp tác với các tác giả hàng đầu như Haruki Murakami.
Tại các thị trường đã phát triển hơn như Mỹ và Vương quốc Anh, trọng tâm của Audible đã chuyển sang đổi mới mô hình phân phối nội dung và tìm cách tăng thêm doanh thu. Ví dụ, Audible đã giới thiệu một mô hình mới tạo sự linh hoạt hơn cho các nhà xuất bản và người sáng tạo trong việc nhận thu nhập đối với các dạng sản phẩm khác nhau.
Hai thị trường lớn này cũng đã thu hút sự tham gia của ông lớn nhạc số Spotify. Nền tảng này cũng đã ra mắt dịch vụ phát trực tuyến sách nói vào tháng 10/2023 và hiện sử dụng thuật toán riêng để đề xuất thêm sách nói cho những người dùng mới.
Sự đa dạng của các hướng phát triển mới
Trong bối cảnh sách nói còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhiều chiến lược phát triển thời gian tới cũng được các “ông lớn” trong thị trường cân nhắc.
Spotify đang tìm cách ứng dụng các công cụ AI vào việc đưa nội dung tiếp cận người dùng. Còn Audible cũng đã ra mắt một công cụ tìm kiếm AI, có tên là "Maven" để giúp khách hàng tìm sách bằng giọng nói.
Tại Storytel, họ đã giới thiệu công nghệ VoiceSwitcher, cho phép người nghe thay đổi người kể chuyện để phù hợp với sở thích hoặc tâm trạng cá nhân.
Robert Casten Carlberg, đồng sáng lập kiêm CEO của Nuanced, một công ty khởi nghiệp công nghệ có trụ sở tại Thụy Điển, đã chia sẻ cách công ty của ông đang sử dụng AI để hỗ trợ dịch thuật, hướng đi giàu tiềm năng đưa sách nói nhanh đến với các thị trường ngôn ngữ mới. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng đối với nhiều tác phẩm văn học, việc tiết kiệm thời gian không quan trọng bằng việc tạo ra các bản dịch chất lượng cao. Do đó, Nuanced muốn đảm bảo chất lượng bản dịch cuối thông qua việc sử dụng người hiệu đính.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, triển vọng chung cho thị trường sách nói toàn cầu vẫn tích cực. Như ông Chantal Restivo-Alessi lưu ý, "xuất bản là ngành duy nhất, cùng với giáo dục, không bị sụp đổ với sự ra đời của kỹ thuật số. Trên thực tế, ngành này hoạt động khá tốt".
Ngành sách nói đang liên tục đổi mới, khi các công ty nỗ lực tìm kiếm nhiều hướng đi để thu hút người nghe, từ việc tạo ra các bản sách nói đa phương tiện đến nâng cao trải nghiệm âm thanh. Ví dụ, tại Vương quốc Anh, các nhà sản xuất sách nói đã quen với việc kết hợp nhiều hiệu ứng âm thanh và sử dụng nhiều người kể chuyện cho một tác phẩm để tăng cường khả năng truyền tải.
Hướng đi chung của toàn ngành đang là sản xuất nội dung chất lượng cao, thâm nhập và thích nghi với nhu cầu của độc giả các khu vực, trong khi vẫn tận dụng được khả năng phân phối toàn cầu.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.