Đây là cuốn sách của tiến sĩ giáo dục, bác sĩ tâm thần trẻ em, thanh thiếu niên Hàn Quốc - Shin Yee Jin. Cuốn sách đưa ra những cái nhìn đa chiều, sâu sắc về vấn đề đã và đang gây tranh cãi từ nhiều năm nay: Các thiết bị công nghệ kĩ thuật số có thực sự cần thiết cho trẻ?
Nội dung cuốn sách đề cập những vấn đề mà Hàn Quốc (mạnh về công nghệ) đang phải đối diện. Đó là thế hệ những người “cúi đầu” ngày càng nhiều. Những đứa trẻ “trưởng thành giả”, “thông minh sáo rỗng” và mắc hội chứng tăng động giảm chú ý, tự kỷ… ngày càng gia tăng theo cấp số nhân trong xã hội.
Từ hiện trạng đó, tác giả tìm hiểu hàng loạt nguyên nhân và đưa ra kết luận, đó là các bậc cha mẹ đã quá hồn nhiên đến mức lạm dụng đồ công nghệ trong quá trình nuôi dạy con.
Bìa cuốn Cha mẹ thời đại kĩ thuật số của Shin Yee Jin. |
Shin Yee Jin phân tích, tùy mỗi độ tuổi nhất định mà cấp độ gây hại của các thiết bị đến bộ não trẻ một khác. Nếu cho trẻ ở tuổi từ 0 - 3 tiếp xúc nhiều, khả năng tư duy và sáng tạo của trẻ sẽ bị giới hạn. Trẻ sẽ gặp vấn đề về ngôn ngữ, thị giác cũng bị hạn chế. Hệ vận động và hệ xương cổ của trẻ cũng gặp vấn đề. Trẻ không thích tiếp xúc thế giới bên ngoài và không biết kiềm chế cảm xúc của mình trước người khác.
Bên cạnh đó, tác giả cũng nghiên cứu nhiều trường hợp cùng các phương pháp giúp trẻ tiếp cận khoa học kĩ thuật một cách đúng đắn nhất.
Tiến sĩ Shin Yee Jin cũng chỉ ra, để nuôi dạy đứa trẻ khỏe mạnh cả về thể xác lẫn tâm hồn trong thời đại công nghệ kĩ thuật số, các bậc cha mẹ phải tự trang bị cho mình kiến thức trước mỗi giai đoạn phát triển của con.
"Hãy dành thời gian quan tâm đến con, hãy trò chuyện tâm sự nhiều với con. Hãy cho con chạy nhảy và vận động thật nhiều. Đừng phó mặc con với điện thoại hay tivi. Đừng biến các thiết bị công nghệ kĩ thuật số trở thành 'bảo mẫu' bất đắc dĩ của con" - tác giả chia sẻ.