1. Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ (Tác giả: Đặng Hoàng Giang)
“Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” sẽ đưa người đọc bước vào thế giới của những con người trẻ hay nói chính xác hơn là những con người ở độ tuổi trên dưới 20.
Khi đó, họ vừa trải qua cái trẻ con của tuổi mới lớn nhưng cũng lại chưa thể có những bước chân chững chạc, già dặn của người trưởng thành. Nhưng cũng từ trong những khoảnh khắc đó, người đọc sẽ được “cảm” một cách chân thật nhất cảm xúc của các bạn trẻ thuộc lớp “hậu tuổi thơ”.
Để có được câu chuyện chân thật nhất, tác giả Đặng Hoàng Giang đã dành hai năm chỉ để tiếp xúc, trò chuyện, chia sẻ cùng những người trẻ. Qua đó, anh càng thấm thía hơn những xúc cảm của họ, có rung động, có tổn thương và tất nhiên, có cả sự chua xót, tủi thân… Đây là cuốn sách hoàn toàn có thể dành cho cả 2 phía: Con cái và cha mẹ; để họ có thể thấu hiểu nhau hơn.
2. 3 phút sơ cứu (Tác giả: Ngô Đức Hùng)
3 phút là khoảng thời gian để cơ thể tiết ra adrenalin, hormon sống còn giúp máu về tim tốt hơn. Nếu bạn sơ cứu không đúng cách, máu về tim sẽ tồi hơn và các tế bào sẽ rối loạn chuyển hóa.
3 phút là thời gian chảy máu trước khi cơ thể khởi động quá trình cầm máu. Nếu bạn sơ cứu không đúng cách, quá trình cầm máu sẽ tồi hơn và giết chết các tế bào được mạch máu đó nuôi dưỡng.
3 phút là thời gian tế bào não có thể chịu đựng được khi thiếu oxy trước khi tổn thương vĩnh viễn. Nếu bạn sơ cứu không đúng cách, tế bào não sẽ tổn thương vĩnh viễn và lúc ấy các can thiệp y khoa sẽ trở thành vô nghĩa. Cuốn sách gồm đầy đủ các thông tin giúp bạn sơ cứu trong 3 phút đó "Ngắn gọn - Rõ ràng - An toàn - Hiệu quả"
3. 21 bài học cho thế kỷ 21
Sau tiếng vang của hai cuốn Sapiens và Homo deus, khi tìm hiểu quá khứ và tương lai của nhân loại , tác giả nổi tiếng Yuval Noah Harari tiếp tục đưa độc giả đến với thế giới của hiện tại và tương lai gần, khi những giá trị sát sườn bất kỳ ai trên Trái Đất được nhắc tới.
Chính tác giả đã chia sẻ rằng: “Tôi muốn xoáy ống kính vào vấn đề "ngay tại đây" và "ngay lúc này". Tiêu điểm của tôi đặt ở các sự kiện hiện tại và tương lai gần nhất của xã hội loài người. Điều gì đang xảy ra ngay lúc này? Những thách thức lớn nhất và những lựa chọn quan trọng nhất của ngày nay là gì? Ta cần chú ý đến điều gì? Ta nên dạy con cái ta những gì?".
Trong “21 bài học cho thế kỷ 21”, hầu như mọi vấn đề to tát, vĩ mô đều được tác giả trình bày ở góc nhìn đơn giản nhất. Chính sự gần gũi đó đã giúp tác phẩm của ông đến được với rộng rãi người đọc
4. How food works (Dịch giả: Trần Phương Phúc Hạnh)
Trong xã hội hiện tại, con người ngày càng có nhiều cách để hưởng thụ cuộc sống và việc thỏa mãn sở thích ẩm thực chắc chắn là một trong số đó. Tuy nhiên hãy nhớ, “họa từ miệng mà ra”, câu nói này đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nếu cứ ăn uống vô tội vạ, thiếu khoa học thì một tương lai bệnh tật là điều hoàn toàn có thể diễn ra.
Với How food works, chúng ta có thể có cách nhìn đơn giản nhưng trực quan nhất về thức ăn và dinh dưỡng. Đi sâu hơn nữa sẽ là dinh dưỡng và chế độ ăn uống thích hợp nhất cho từng lứa tuổi, cho từng tạng người nhất định. Tất nhiên, cuốn sách cũng đặc biệt chú trọng tới trẻ em, người già hay những ai có bệnh trong người.
5. Đẹp và buồn (Tác giả: Kawabata Yasunari, dịch giả: Mai Kim Ngọc)
“Đẹp và buồn” là câu chuyện tình tay ba đầy bi kịch 20 năm trước giữa Oki – một nhà văn – với cô nhân tình trẻ tuổi Otoko và người vợ Fumiko. Khi đó, với sự di chuyển trớ trêu của bánh xe số phận, mối tình nghiệt ngã đó đã cướp đi sinh mạng của hai đứa trẻ nhỏ và chúng đều là con của Oki.
Thế nhưng kịch tính thực sự lại diễn ra vào 20 năm sau khi Keiko – học trò của Otoko – xuất hiện và đem lòng say đắm chính người giao viên của mình. Cũng từ đó, khao khát trả thù Oki trong lòng Keiko ngày một lớn hơn.
Một điểm quan trọng nữa của “Đẹp và buồn” đến từ quan điểm mỹ học truyền thống của tác giả Kawataba. Bất cứ khoảnh khắc nào, dù là hạnh phúc hay khổ đau đều được ông miêu tả một cách độc đáo nhưng đẹp vô cùng trong tác phẩm của mình. Được biết, Kawataba Yasunari cũng là nhà văn Nhật Bản đầu tiên đạt giải Nobel văn học.