Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và hợp nhất cả năm 2019 với kết quả kinh doanh cao kỷ lục.
Tuy nhiên, đi kèm với kết quả kinh doanh kỷ lục cũng là những dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp này đang đối mặt với những khó khăn ban đầu về lượng tiêu thụ rượu bia sụt giảm.
Lãi kỷ lục sau khi về tay người Thái
Năm 2019 cũng đánh dấu năm đầu tiên Sabeco vận hành dưới sự lãnh đạo bởi hai vị trí chủ chốt của công ty là chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc đều là nhân sự do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đề cử.
Trong đó, ông Koh Poh Tiong và Neo Gim Siong Bennett đều được cổ đông Thaibev (doanh nghiệp của tỷ phú Charoen) đưa vào nắm giữ 2 vị trí cao nhất trong ban quản trị và điều hành công ty từ tháng 7/2018.
Ông chủ hãng bia Sài Gòn lãi kỷ lục năm 2019. Ảnh minh họa: Phúc Minh. |
Năm 2019, Sabeco ghi nhận 37.899 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 5% so với năm 2018.
Nguyên nhân chủ yếu khiến doanh thu công ty tăng trưởng năm vừa qua do Sabeco đã gia tăng sản lượng bán bia trong năm cũng như thay đổi chính sách tăng giá bán.
Không chỉ ghi nhận tăng trưởng doanh thu mà công ty đã cải thiện được biên lãi gộp trong năm vừa qua từ mức 22,48% năm trước lên 25,2%.
Đây cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế hãng bia này thu về năm vừa qua tăng gần 24%, đạt 6.686 tỷ trong khi các chi phí trong kỳ (bán hàng, quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính) đều tăng.
Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, Sabeco ghi nhận khoảng lãi ròng 5.370 tỷ đồng cả năm, mức kỷ lục từ trước đến nay của doanh nghiệp. Năm 2018, số lãi ròng doanh nghiệp này ghi nhận về là 4.403 tỷ.
So với kế hoạch lãi 4.717 tỷ đề ra ban đầu, Sabeco đã vượt 14% chỉ tiêu đề ra.
Theo lãnh đạo Sabeco, lợi nhuận sau thuế năm vừa qua tăng chủ yếu đến từ doanh thu cũng như lãi tiền gửi dù công ty cũng có sự đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động marketing và hỗ trợ bán hàng.
Cũng trong năm 2019, Sabeco đã chi gần 1.488 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị, tăng 31% so với năm ngoái. Bình quân mỗi ngày năm vừa qua, hãng bia lớn nhất Việt Nam chi không dưới 4 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo.
Lo ngại tác động từ Nghị định 100?
Tuy kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2019 của Sabeco vẫn ghi nhận đà tăng trưởng nhưng báo cáo tài chính lần này cũng lần đầu ghi nhận xu hướng sụt giảm doanh thu cuối năm.
Trong những năm trước đó, quý IV thường là quý có doanh thu cao nhất của Sabeco.
Tính riêng doanh thu quý IV/2019, ông chủ hãng bia Sài Gòn ghi nhận 9.729 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý IV hai năm 2017-2018, công ty đều đạt trên 10.000 tỷ doanh thu.
Thậm chí, doanh thu thuần quý IV cũng thấp hơn con số ghi nhận được trong quý III trước đó là 9.745 tỷ, điều không thường xuyên xảy ra những năm trước đây vì quý IV trùng với dịp cuối năm và nhu cầu tiêu thụ rượu bia của người dân Việt Nam tăng mạnh.
Theo lý giải từ ban lãnh đạo Sabeco, doanh thu thuần quý gần nhất giảm cũng đến từ việc sản lượng tiêu thụ bia giảm cũng như có sự thay đổi trong tỷ lệ sở hữu của một công ty liên kết thành công ty con trong hệ thống các nhà máy sản xuất của Sabeco (Nhà máy bia Sài Gòn - Lâm Đồng). Điều này đã khiến thuế tiêu thụ đặc biệt công ty phải chịu trong quý cao hơn so với cùng kỳ.
Tuy vậy, nhờ cải thiện được biên lãi gộp từ 21% lên 26,2% mà lợi nhuận sau thuế quý IV/2019 của công ty vẫn tăng 18%.
Sabeco cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối rượu bia khác tại Việt Nam đang là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Nghị định 100 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó xử phạt rất nặng với việc tài xế tham gia giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn.
Nghị định này đã ảnh hưởng lập tức tới các nhà phân phối thứ cấp tại các thành phố lớn. Lực lượng chức năng cho biết đã ra quyết định xử phạt hành chính tổng cộng 21 tỷ đồng với hơn 6.200 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.
Hãng tin Bloomberg cũng cho biết doanh số bán bia tại Việt Nam đã giảm ít nhất 25% từ khi Nghị định 100 có hiệu lực. Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết các công ty thành viên đã lên tiếng lo ngại về tình trạng doanh số bia sụt giảm.
“Những ngày này, tất cả điểm kinh doanh rượu bia đều vắng khách. Chúng tôi chưa có thống kê chính xác về sự sụt giảm doanh số bán bia rượu nhưng chắc chắn là đã giảm rất nhiều”, ông Lương Xuân Dũng thuộc VBA nói.
Đại diện VBA cũng cho biết các công ty kinh doanh rượu bia đang phải đồng loạt giảm giá sản phẩm để kích cầu trước dịp Tết Nguyên đán. Heineken mới đây thông báo doanh số bán hàng của hãng giảm 4,6%.