Tiến trình Mỹ ra khỏi thỏa thuận Paris dự kiến hoàn tất ngày 4/11/2020, một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống. Động thái không gây bất ngờ bởi ông Donald Trump vốn muốn thúc đẩy ngành công nghiệp dầu khí và than đá của Mỹ, theo Nikkei Asian Review.
Trong khi đó, tại Bắc Kinh, năng lượng tái tạo là một trong những ưu tiên hàng đầu của chiến lược quốc gia "Made in China 2025", nhằm tăng cường sự tự chủ về công nghệ cao của Bắc Kinh.
Tính cả thủy điện và điện từ năng lượng gió, Trung Quốc hiện chiếm 30% tổng công suất năng lượng tái tạo của thế giới, vượt xa Mỹ ở vị trí thứ hai với 10%.
Tổng thống Barack Obama bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Paris vào ngày 30/11/2015. Ảnh: Reuters. |
Một số quốc gia, đặc biệt là Brazil, không hoàn toàn cam kết với các thỏa thuận về khí hậu. Trong khi đó, Nhật Bản có nguy cơ tụt lại phía sau.
"Ngay cả khi chúng tôi cố gắng, có lẽ Tổng thống Trump cũng không thay đổi quan điểm", Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi nói hôm 5/11.
Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc áp "thuế carbon" đối với các quốc gia không cam kết chống lại biến đổi khí hậu. Loại thuế này sẽ được áp dụng với những sản phẩm như thép và nhiên liệu hóa học có xuất xứ từ các nước như Mỹ và Brazil.
Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, được ký kết vào tháng 12/2015 và có hiệu lực vào tháng 11/2016, đạt được nhờ sự ủng hộ của tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là hai quốc gia phát thải lượng khí nhà kính lớn nhất thế giới.
Các nước thành viên của thỏa thuận Paris đang chuẩn bị gia hạn cam kết tại hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP25 vào tháng 12.