CNN cho biết một nhóm các nhà hoạt động môi trường đi thuyền buồm qua Đại Tây Dương để đến hội nghị của Liên Hợp Quốc ở Chile đã đón nhận tin dữ sau 4 tuần lênh đênh trên biển: hội nghị bị hủy bỏ.
36 nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi đã khởi hành từ Amsterdam vào ngày 2/10 trên một chiếc thuyền buồm để nêu lên tác hại của lượng khí nhà kính được thải ra từ việc sử dụng máy bay.
Nhóm Sail to the COP rời cảng Amsterdam vào ngày 2/10. Ảnh: CNN. |
Họ đã đi được một nửa hành trình, dự kiến kéo dài 7 tuần, tới Santiago (Chile) để dự Hội nghị Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP25) vào đầu tháng 12.
Tuy nhiên, Tổng thống Chile Sebastián Piñera tuyên bố hôm 13/10 rằng nước này sẽ còn tổ chức hội nghị nữa do các cuộc biểu tình đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và 8 bộ trưởng từ chức.
Thay vì quay trở lại, nhóm các nhà hoạt động với tên gọi Sail to the COP đã quyết định đi thuyền tới Belém, Brazil.
"Sau cú sốc ban đầu, mọi người đã cùng nhau quyết tâm tiếp tục thực hiện mục tiêu của mình: đưa tác động của hoạt động hàng không đối với khí hậu vào chương trình nghị sự quốc tế", nhóm Sail to the COP tuyên bố.
Các nhà hoạt động này cũng nói rằng việc đi thuyền tới Brazil sẽ giúp họ có thể tham dự hội nghị vì Costa Rica và thành phố Bonn (Đức) được xem là những địa điểm tiềm năng thay thế cho Chile.
"Nếu COP tổ chức ở Bonn vào đầu năm 2020, chúng tôi vẫn có thể đến đúng giờ và học hỏi những ý tưởng đi lại không gây hại cho môi trường ở Nam Mỹ," nhóm nói. “Nếu nó diễn ra ở Costa Rica, chúng tôi có thể thay đổi lộ trình và hướng đến Trung Mỹ”.